(congluan.vn) - Việt Nam ngày nay đã là thành viên tích cực của nhiều Tổ chức Quốc tế và cũng là thành viên của các diễn đàn quan trọng trong khu vực. Chỉ còn thời gian ngắn, Hiệp định thương mại TPP sẽ được ký kết, khi các thỏa thuận đã được cộng đồng các nước thành viên thông qua hồi đầu tháng 9 vừa qua. Vì thế, việc phát triển và ứng dụng công nghệ khoa học là mục tiêu quan trọng và bắt buộc, để Việt Nam hội nhập đầy đủ với nền kinh tế toàn cầu.
Thiết bị vi mạch bán dẫn - sản phẩm của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu mà Chính phủ và Tp.HCM đã đặt ra
Công nghiệp bán dẫn làm thay đổi thế giới
Một quốc gia có nền kinh tế phát triển luôn gắn liền với sự phát triển của ngành công nghệ cao tiên tiến và trong xu thế phát triển hiện nay trên toàn cầu, việc ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến vào các quy trình nghiệp vụ hiện đại, theo thông lệ quốc tế là mục tiêu quan trọng đối với mỗi quốc gia.
Công nghệ hiện đại đã không chỉ làm thay đổi nhận thức, tư duy, mà còn thay đổi cả bản chất của cả nền kinh tế của mỗi quốc gia trong toàn bộ tổng thể của nền kinh tế toàn cầu. Cũng chẳng ngạc nhiên, khi mà trong báo cáo kinh tế thế giới mới đây cho thấy chỉ số GDP trên thế giới năm 2014 là 13.000 tỷ USD trong đó ngành công nghệ điện tử chiếm 1.700 tỷ USD.
Ngành công nghiệp điện tử trên toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ ở mức độ chóng mặt, khi trong hầu hết mọi lĩnh vực: từ giải trí, kinh doanh, y tế, giáo dục, ngân hàng, quân sự, ngoại giao… đều cần đến việc áp dụng công nghệ điện tử.
“Trong một vài thập kỷ gần đây, sự tăng trưởng của các thị trường như y tế, internet, nhà thông minh, thành phố thông minh, giao thông vận tải, ngân hàng, quân sự… đã thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tiến lên một bước và tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu”. Trong bản báo cáo của mình, Tiến sĩ John Schmitz – Phó chủ tịch cấp cao và Tổng giám đốc sở hữu trí tuệ và cấp phép Cty NXP Semiconductors đã nhận định.
Bà Bettina Weiss, phó tổng giám đốc quản lý sản phẩm và phát triển kinh doanh của tập đoàn Semi toàn cầu cũng chia sẻ quan điểm “CNBD ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển bản thân của mỗi cá nhân và của mỗi nền kinh tế. Nó không chỉ giúp cá nhân làm việc tiết kiệm thời gian, nâng cao đam mê khi có nhiều tính năng tiện ích tích hợp mà còn giúp cho hiệu quả công việc cao hơn nhiều lần, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho xã hội, cộng đồng và tăng trưởng kinh tế”.
Cơ hội để Việt Nam phát triển
Tại hội nghị về “Vai trò của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn (CNBD) toàn cầu” do tập đoàn Semi toàn cầu, Khu công nghệ cao Tp.HCM (SHTP) và Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Tp.HCM (HSIA) tổ chức tuần qua tại Tp.HCM, nhiều diễn giả và nhiều nhà đầu tư đã đánh giá cao vị trí vai trò của Việt Nam, cũng như cơ hội đầu tư của các tập đoàn đứng đầu trong khu vực và trên thế giới về CNBD.
“Nền kinh tế Việt Nam đang hoàn thiện và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Đây không chỉ là một cơ hội, mà còn là một thách thức lớn đối với chính phủ Việt Nam. Trong đó, việc phát triển VNBD là yếu tố quan trọng để hoàn thiện nền kinh tế công nghiệp”. Bà Radhika srinivasan - Giám đốc chương trình, kỹ thuật và cấp phép Cty IBM nhận định.
Rõ ràng, do nhu cầu sử dụng các mặt hàng điện tử của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, do tỉ lệ người dân sử dụng internet cao và thu nhập ngày càng tăng. Các doanh nghiệp cũng ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ thông tin và công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh… Đây chính là những cơ sở cho việc phát triển ngành CNBD mà VN đang đặt mục tiêu hướng đến.
Những năm gần đây, VN đã phát triển và áp dụng mạnh công nghệ cao vào công tác quản lý, điều hành, kinh doanh… Cuối năm nay dự định của Chính phủ VN sẽ tiếp tục và không ngừng phát triển CNBD, bằng việc biến đổi về chính sách và cung ứng về việc quản lý nhân sự.
Tổng giám đốc Intel Việt Nam - Bà SherryBoger nhận định “Hiện nay tại các nước phát triển trên thế giới, có tỷ lệ sử dụng các thiết bị liên quan đến CNBD, thông qua các thiết bị không dây đang là xu hướng của toàn cầu và trong năm 2015, được dự đoán sẽ là năm bản lề và phát triển mạnh mẽ về CNBD và tất nhiên, VN sẽ là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển và đầu tư của ngành CNBD”.
Chỉ tính trong 10 năm 2004- 2014, thị trường CNBD của VN đã tăng trưởng 20 lần và hiện nay, chỉ tính riêng Tp.HCM tại SHTP đã có nhiều tập đoàn lớn đầu tư như Intel, Samsung, IBM, Semi... và cả các công ty trong nước như Tổng Cty Công nghiệp Sài Gòn”. Ông Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban quản lý SHTP cho hay.
Tuy nhiên trong bối cảnh chung, thị trường CNBD cũng đang trong giai đoạn bão hòa, nên những doanh nghiệp thực sự có khả năng cũng không còn nhiều. Vì vậy, VN muốn phát triển đúng tiềm năng và nâng cao lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, thì cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các chính quyền, công tác truyền thông, Trung tâm nghiên cứu, Hội khoa học CNBD…
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội vi mạch Tp.HCM cho rằng “Ngành vi mạch bán dẫn của VN còn non trẻ, cần phải học hỏi và trao đổi, cũng như thắt chặt quan hệ cho mối quan hệ lâu dài đang trong giai đoạn hội nhập và phát triển của thế giới”.
Đánh giá về thị trường Việt Nam, TS Clark Tseng - Giám đốc phân tích thị trường Taiwan nhận định năm 2014, cả thế giới ngành công nghệ bán dẫn tăng trưởng 3,4%. Trong đó Mỹ tăng 1,7%, Trung Quốc 7,4 %… và “Chiều hướng phát triển và lợi ích quốc gia, luôn được các nhà đầu tư chú trọng đến việc tìm kiếm những thị trường mới, trong đó có Việt Nam”.
Ngành công nghệ điện tử có ở mọi nơi trong cuộc sống và trong mọi lĩnh vực như y tế, văn hóa, chính trị, giáo dục và mỗi quốc gia muốn có một nền kinh tế phát triển thì không thể bỏ qua công tác phát triển công nghệ bán dẫn.
“Nên tôi tin tưởng rằng Chính phủ VN và chính quyền Tp.HCM, sẽ sớm có những quyết sách mang tính chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn, tiến đến mục tiêu xây dựng TP.HCM và khu Công nghệ cao trở thành địa điểm lý tưởng cho các hoạt động đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và ươm tạo công nghệ vi mạch của VN”. TS Todd Curtis - Giám đốc kỹ thuật Cty Fab - Finder (Mỹ).