Có nên áp giá thuốc để bệnh viện chủ động mua, người bệnh đỡ vất vả?

Thứ năm, 04/07/2024 13:09 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, với cách mua sắm thuốc như hiện nay thì rất khó để bệnh viện có đủ thuốc, điều đó đồng nghĩa người bệnh sẽ còn phải “nai lưng” để đi mua thuốc ngoài.

Khi người bệnh vật vã vì… thiếu thuốc

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chính sách tích cực nhằm tháo gỡ các bất cập trong mua sắm thuốc tuy nhiên hiện tình trạng thiếu thuốc, trong các bệnh viện vẫn diễn biến đáng quan ngại. Đặc biệt thiếu thốn là các thuốc chống ung thư, tim mạch, kháng sinh… để điều trị cho các bệnh nhân nặng tại các bệnh viện tuyến trung ương.

Vì sao thiếu thuốc lại xảy ra tại nhiều bệnh viện tuyến cuối trong khi trên thị trường vẫn có bán các loại thuốc trên?

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, thực tế việc thiếu thuốc diễn ra không chỉ bệnh viện tuyến trên mà ngay cả tuyến dưới cũng có nhưng các bệnh viện ở địa phương nếu không có thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị họ sẽ chuyển người bệnh lên bệnh viện tuyến trên. Trong khi đó, những bệnh viện tuyến cuối khi bệnh viện hết thuốc thì chỉ còn cách hướng dẫn người nhà người bệnh ra mua thuốc bên ngoài theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Anh Nguyễn Duy Long ở Hà Nội chia sẻ, anh có người thân đang điều trị ung thư giai đoạn 3 ở Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Các bác sĩ kê đơn thuốc để người nhà sang các bệnh viện công lập khác mua thuốc. Những thuốc phải mua ngoài bệnh viện không phải là thuốc quá đắt tiền, có thuốc giá cũng chỉ vài trăm ngàn nhưng việc phải đi săn lùng tìm mua cũng đã khiến người nhà rất vất vả. Thậm chí, người nhà bệnh nhân phải gọi điện liên hệ nhiều nơi, nhờ giúp đỡ mới đủ thuốc theo yêu cầu của bác sĩ.

“Gia đình tôi ở Hà Nội, có bạn bè, anh em, cũng có quan hệ và hiểu biết mới có thể mua đủ thuốc. Còn đối với những người bệnh ở quê không có quan hệ, quen biết thì việc tự đi mua thuốc là điều rất khó khăn. Bởi nhiều thuốc trên thị trường không dễ có thể mua, đặc biệt phải mua thuốc tại những đơn vị có uy tín thì bác sĩ họ mới sử dụng” – anh Nguyễn Duy Long chia sẻ.

co nen ap gia thuoc de benh vien chu dong mua nguoi benh do vat va hinh 1

Liên quan đến câu chuyện thiếu thuốc, một lãnh đạo Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chia sẻ với phóng viên, quá trình đấu thầu, mua sắm tại bệnh viện không phải khi nào cũng diễn ra đúng như mong muốn. Nhiều loại thuốc không có nhà thầu tham dự. Có những mặt hàng, các năm mua bán dễ dàng thì sau đại dịch COVID-19 lại khó khăn.

Đơn cử như thuốc Vincristin là thuốc dùng trong điều trị ung thư nhưng hiện nay nhiều bệnh viện muốn mua cũng không mua được vì nhà phân phối không tham gia đấu thầu. Lý do được biết, hiện giá thuốc này đang tăng, trong khi giá đấu thầu của các bệnh viện lại thấp. Các đơn vị phân phối vì bảo đảm quyền lợi nên họ bán tự do trên thị trường, không tham gia bán đấu thầu vào các bệnh viện.

Thực trạng thiếu thuốc ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị cho các bác sĩ. Giám đốc một Sở Y tế khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận cho rằng, bác sĩ vì lương tâm, quyền lợi của người bệnh họ mới kê thuốc không có trong viện để người bệnh đi mua bên ngoài. Vị Giám đốc Sở Y tế này phân tích: “Bác sĩ muốn điều trị thì cần phải có thuốc, họ kê thuốc không có trong viện là vì người bệnh. Còn nếu bác sĩ sợ kê những thuốc không có trong bệnh viện điều đó mới nguy hiểm”.

Câu chuyện thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân ngày một nóng lên, bởi các thuốc bị thiếu lại thường xảy ra ở những người bệnh mắc các bệnh nặng, bệnh nan y. Điều đáng bàn, thuốc điều trị phải mua theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, còn nếu mua trôi nổi bên ngoài thì bác sĩ cũng không sử dụng. Bởi các thuốc đặc trị trên luôn đi kèm với nguy cơ tai biến y khoa cao, chỉ có thuốc đảm bảo nguồn gốc, được thẩm định một cách chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên môn tại các bệnh viện uy tín thì bác sĩ mới sử dụng.

Được biết, khác với bệnh viện công thì bệnh viện tư lại không thiếu thuốc, mặc dù, giá thuốc tại các bệnh viện tư tuân theo giá thị trường. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Phạm Văn Học - Chủ tịch Hội đồng thành viên Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, theo Luật Đấu thầu, các bệnh viện tư nhân được áp các gói thầu của các tỉnh lân cận khác, nếu các tỉnh khác không có loại thuốc hoặc vật tư ấy thì áp theo gói thầu của thành phố Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế, tại các bệnh viện tư nhân, việc thiếu thuốc không xảy ra.

Đâu là giải pháp?

Câu chuyện thiếu thuốc và bài toán gốc để giải quyết vấn đề này đang là chủ đề được nhiều người quan tâm. Vừa qua cử tri thành phố Cần Thơ cũng đã có kiến nghị lên Chính phủ cần phối hợp cơ quan chức năng quan tâm sớm khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị và thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng như quan tâm bổ sung danh mục thuốc đầy đủ và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng đảm bảo thông tuyến từ huyện đến trung ương.

co nen ap gia thuoc de benh vien chu dong mua nguoi benh do vat va hinh 2

Người bệnh cần đủ thuốc để sử dụng, bác sĩ cần thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Nguồn Bệnh viện Bạch Mai.

Nhiều thuốc vẫn rất khó mua, ảnh hưởng đến công tác điều trị

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng có Công văn số 756/BVNTW-Dược gửi Bộ Y tế. Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện có 8 mặt hàng thuốc không mua sắm được để phục vụ công tác khám và điều trị. Cụ thể là thuốc Vincristin 1mg (tiêm/tiêm truyền), Vinblastin 10mg (tiêm/tiêm truyền), Topotecan 4mg (tiêm/tiêm truyền), L-asparaginase Erwinia 10.000 IU (tiêm/tiêm truyền), Mercaptopurin 50mg (uống), Methotrexat 2,5mg hoặc 5mg (uống), Azathioprine 500mg (uống), Fludarabin phosphat 50mg (tiêm/tiêm truyền).

Bàn về nguyên nhân dẫn tới thiếu thuốc, nhiều chuyên gia khi được hỏi đều cho rằng, bây giờ đấu thầu thời gian từ lúc xây dựng hồ sơ thầu đến khi đấu thầu và trúng thầu nhanh nhất từ 4 đến 6 tháng. Tuy nhiên, không bao giờ có chuyện đấu trúng 100 % các mặt hàng thuốc, ngay cả đấu thầu cấp quốc gia. Trong khi đó, chỉ khi đấu thầu quốc gia, trúng thầu mới có thể áp dụng giá đó để mua tại các địa phương, các bệnh viện. Nếu đấu thầu quốc gia mà không mua được thì địa phương cũng không áp được giá để mua.

“Thực tế như vậy làm sao mà không thiếu thuốc. Không có chuyện đấu thầu 1 nghìn mặt hàng mà có đủ 1 nghìn mặt hàng trúng thầu. May mắn có được vài trăm mặt hàng trúng thầu. Còn lại sẽ không trúng như vậy làm sao có thể đủ thuốc để sử dụng” – một chuyên gia phân tích. Ngoài ra các chuyên gia cũng cho rằng, thực tế hiện nay của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện lớn có các loại thuốc ung thư, tim mạch tiến hành đấu thầu để mua nhưng không được. Nguyên nhân cũng do, lượng mua ít nhưng hồ sơ lại nhiêu khê, nhà thầu không mặn mà tham gia.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trước mắt, Bộ Y tế cần làm việc với bên bảo hiểm nhằm thống nhất trong thời gian chờ đợi có phương án nếu trường hợp bệnh nhân đi mua thuốc ngoài mà thuốc đó nằm trong phác đồ điều trị, bệnh nhân phải sử dụng, nhưng do lý do đấu thầu chưa có thì bảo hiểm thống nhất thanh toán cho người bệnh.

“Bác sĩ họ đã kê đơn là vì quyền lợi của người bệnh. Bác sĩ có lương tâm, trách nhiệm họ mới làm hết mình vì người bệnh. Vì thế bảo hiểm y tế nên chi trả tiền thuốc cho người bệnh” – ông Nguyễn Đức Thuận chia sẻ.

Còn về lâu dài, ông Nguyễn Đức Thuận cho rằng, không nên tổ chức đấu thầu mua thuốc nữa vì không cần thiết. Ở nước Úc, người ta mỗi năm họp hội đồng định giá thuốc giữa Bộ Y tế, Bảo hiểm, Hội người tiêu dùng. Sau khi thống nhất định giá họ đăng công khai. Bệnh viện nào muốn muốn mua thì theo giá đó mua, người ta thống nhất như vậy.

“Theo tôi đó là biện pháp lâu dài. Còn tổ chức đấu thầu như hiện nay rất tội, tốn thời gian mà cần có chuyên môn. Chưa kể các khâu thanh tra, kiểm toán mất thời gian. Đến giờ đấu thầu thuốc là không có tiêu cực, giá đã thống nhất toàn quốc rồi” – ông Nguyễn Đức Thuận nhấn mạnh.

Như vậy qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy, vấn đề mua sắm thuốc còn tồn tại nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. Để các bệnh viện chủ động hơn trong mua sắm cần thiết nên thay đổi phương thức đấu thầu chuyển sang định giá thuốc để các bệnh viện chủ động mua sắm khi cần. Tránh việc lên kế hoạch đấu thầu mua sắm tốn thời gian nhưng tổ chức đấu thầu lại không có đơn vị tham gia thầu.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Dự báo thời tiết ngày 7/7: Bắc Bộ, Nam Bộ tăng nhiệt, trời nắng nóng

Dự báo thời tiết ngày 7/7: Bắc Bộ, Nam Bộ tăng nhiệt, trời nắng nóng

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết ngày 7/7, Bắc Bộ, Nam Bộ ngày nắng, chiều tối và đêm mưa rào và dông.

Sức khỏe
Nổ bồn chứa bụi, 9 công nhân bị bỏng nặng

Nổ bồn chứa bụi, 9 công nhân bị bỏng nặng

(CLO) Vào chiều 6/7, trong lúc làm vệ sinh hệ thống hút bụi gỗ đã xảy ra nổ bồn cầu chứa bụi khiến 9 công nhân bỏng nặng.

Sức khỏe
Bộ Y tế giải đáp nhiều vấn đề thắc mắc liên quan đến đấu thầu mua sắm thuốc

Bộ Y tế giải đáp nhiều vấn đề thắc mắc liên quan đến đấu thầu mua sắm thuốc

(CLO) Một thời gian dài, tình trạng bệnh viện thiếu thuốc là vấn đề nóng xảy ra tại một số bệnh viện, điều này có liên quan đến các quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, những bất cập trong mua sắm đã được đặt ra và giải đáp vào ngày 5/7.

Sức khỏe
Bé gái 7 tuổi phát hiện dậy thì sớm khi ngực phát triển to bất thường

Bé gái 7 tuổi phát hiện dậy thì sớm khi ngực phát triển to bất thường

(CLO) Bé gái 7 tuổi, cao 1,2m, nặng gần 27kg, ngực phát triển to bất thường, được bác sĩ tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm.

Sức khỏe
Vì sao nghỉ hè trẻ em lại bị cận nhiều?

Vì sao nghỉ hè trẻ em lại bị cận nhiều?

(CLO) Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, có hiện tượng trẻ đến thăm khám về các tật khúc xạ tăng, điều này xuất phát từ thói quen sức khỏe.

Sức khỏe