Tuy nhiên, nửa cuối năm 2018, liệu cổ phiếu ngân hàng có tiếp tục bứt phá và tăng tốc, dẫn dắt thị trường hay không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ. Theo thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC), tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế quý I/2018 của 13 ngân hàng niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX đạt lần lượt 56.340 tỷ đồng và 20,13 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 35% và 52% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành tương ứng 23% và 27% kế hoạch cả năm 2018, trong khi qúy đầu năm thường là mùa kinh doanh thấp điểm của các ngân hàng.
VDSC cho rằng, nhiều ngân hàng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu kinh doanh đề ra trước thời điểm kết thúc năm tài chính 2018. Hiện nhiều nhà băng đang rục rịch lên kế hoạch điều chỉnh tăng lợi nhuận năm nay. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng được NHNN đưa ra từ đầu năm 2018 là 17% và phân bổ xuống từng thành viên theo năng lực của từng ngân hàng. Trước sức nóng của thị trường bất động sản và thị trường tiêu dùng, cũng như sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đã hút mạnh dòng vốn tín dụng ngân hàng.
Tín dụng tích cực đã giúp nhiều nhà băng thu lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong quý I/2018 và hứa hẹn sẽ hoàn thành trên 50% kế hoạch lợi nhuận khi kết thúc 2 quý đầu năm nay. Đó là các phân tích đầy lạc quan, nhưng thực tế thị trường chứng khoán có tính chu kỳ ngắn, phụ thuộc nhiều vào dòng vốn đầu cơ, thì việc có "kéo" được nhóm cổ phiếu ngân hàng phục hồi được hay không là khó đoán. Đặc điểm của cổ phiếu ngân hàng là thuộc nhóm vốn hóa lớn, lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng cao. Vì vậy, để tác động được vào giá, đòi hỏi một lượng tiền mua vào rất lớn.
Lợi nhuận khả quan của ngành ngân hàng trong năm qua và quý đầu năm nay cũng như triển vọng trong thời gian tới là lý do chính khiến cổ phiếu “vua” thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Ảnh minh hoạ - nguồn internet
Thực tế, cổ phiếu ngành ngân hàng đã nóng lên từ đầu năm 2017 và là động lực chính cho đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong năm. Chính điều này đã thôi thúc nhiều ngân hàng lên sàn niêm yết như VPBank (VPB), HDBank (HDB), Techcombank (TCB), TPBank (TPB) và sắp tới là VIB, OCB, LienVietPostBank (dự kiến chuyển từ UPCoM sang niêm yết trên HOSE). Hầu hết các "tân binh" này đều được thị trường đón nhận, giá cổ phiếu tăng mạnh. Theo giới phân tích, bên cạnh các yếu tố vĩ mô thuận lợi, hỗ trợ cho giá cổ phiếu còn xuất phát từ chính nội tại các ngân hàng khi tỷ lệ nợ xấu giảm dần nhờ quản trị rủi ro tốt hơn, từ đó cải thiện đáng kể lợi nhuận; sự cạnh tranh khiến các ngân hàng năng động hơn, cung cấp dịch vụ đa dạng hơn... góp phần gia tăng lợi nhuận.
Cổ phiếu ngân hàng đã dẫn dắt thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi dòng tiền dè dặt hơn thì khả năng kéo nhóm này trở nên khó khăn. Dù kết quả kinh doanh khả quan, nhưng "nhược điểm" là vốn hóa lớn. Trong khi đó, nhiều khoản vốn ngoại trị giá hàng chục, hàng trăm triệu USD liên tiếp đổ vào các ngân hàng Việt đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Lợi nhuận khả quan của ngành ngân hàng trong năm qua và quý đầu năm nay cũng như triển vọng trong thời gian tới là lý do chính khiến cổ phiếu “vua” thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Với các thay đổi này trong thể chế quản lý thì việc nhà đầu tư nước ngoài tăng mua cổ phần tại các ngân hàng nội là điều dễ hiểu.
Đây là tín hiệu tốt vì việc góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thường đi kèm với cam kết cải thiện hoạt động quản trị, điều hành và giúp ngân hàng tăng trưởng. Sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng đầu năm, vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này là cơ hội đầu tư vào nhóm ngành nào trong những tháng cuối năm. CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) mới đây đã công bố báo cáo triển vọng thị trường với các chủ đề đầu tư trong nửa cuối năm 2018. Về nhóm ngành đầu tư, BSC đánh giá khả quan với các ngành ngân hàng dựa trên những yếu tố vĩ mô vững chắc, nội tại từ phía doanh nghiệp và những sự kiện thoái vốn/tăng vốn/niêm yết. Nửa cuối năm 2018 thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục chào đón những tân binh mới lên niêm yết. Vừa qua là TPBank, FPT Retail, Techcombank và Vinhomes.
Đáng chú ý lượng tiền hấp thụ dự kiến tăng mạnh, trong đó Vinhomes dự kiến gọi vốn 1 tỷ USD và Techcombank là 900 triệu USD thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ, do đó bên cạnh dòng tiền mới, dòng tiền phân bổ hiện tại trên thị trường cũng sẽ được cơ cấu lại. Kết quả kinh doanh nửa đầu năm khá khả quan, kế hoạch kinh doanh 2018 đầy tham vọng, tăng trưởng lợi nhuận mục tiêu của các ngân hàng giao động từ 40% - hơn 80%; bên cạnh đó việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán cũng sẽ là câu chuyện tiếp nối cho sóng Ngân hàng dẫn dắt thị trường./.
Cẩm Tú