(CLO) Thịt chuột đồng là món ăn khoái khẩu của người dân ở nhiều vùng quê. Khắp Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình cho đến Hà Nội, thịt chuột được chế biến thành nhiều món luộc, nướng… Tuy nhiên, cần cảnh giác cao độ với món đặc sản này để tránh nguy cơ những mầm dịch bệnh vô cùng nguy hại thâm nhập vào cơ thể.
Đặc sản đông quê... độc nhất vô nhị
Vào mùa gặt, ở những làng quê ở đất lúa, chúng ta sẽ thấy được “công nghệ” chế biến món ăn từ thịt chuột đạt đến đỉnh cao.
[caption id="attachment_67217" align="aligncenter" width="600"]
Thịt chuột là món đặc sản luôn đắt hàng sau mỗi vụ gặt ở nhiều vùng quê.[/caption]
Ngày mùa, bắt được chuột ở ruộng lúa, ruộng cói, những tay “sành nhậu” liền í ới gọi nhau tụ hội. Nguyễn Minh Tuấn, một “bợm nhậu” ở đất Nam Định cho biết, để có một bữa nhậu ra trò, chuột sau khi bắt được đem làm sạch lông, mổ bỏ ruột, chặt chân, chặt bỏ đầu. Từ đó, chuột được chế thành nhiều món khác nhau gồm nướng, luộc hấp, nấu canh... Chuột nướng là món được nhiều người ưa chuộng. Chuột được xiên vào que sắt, cắm đứng các que sắt trên bờ rộng, bờ sông và phủ rơm rạ châm lửa đốt cho đến khi vàng rộm, bốc mùi thơm.
Không chỉ ở các vùng quê lúa, dạo quanh các vùng Thạch Thất, Trôi, Phùng (Hà Nội), Từ Sơn (Bắc Ninh)… thịt chuột được coi như đặc sản. Người dân ở đây cho biết đó là món khoái khẩu để cải thiện bữa cơm hàng ngày và an toàn với sức khỏe.
Vào dịp mùa gặt kết thúc, tùy từng loại to nhỏ, chuột đồng được bán với giá từ khoảng 80 đến 150 nghìn/kg. Chủ cửa hàng H.T ở Thạch Thất tiết lộ mỗi ngày bán tới vài chục kg thịt chuôt đang sống hay đã sơ chế chín là chuyện bình thường.
Theo "đúng quy trình" thì chuột sơ chế được chặt bỏ hết đầu đuôi, làm sạch lông nhưng có những cửa hàng, chuột được để nguyên con và được đưa vào thui rơm vàng rộm, mùi thịt nướng toả nức mũi khiến nhiều người phải thèm muốn.
[caption id="attachment_67218" align="aligncenter" width="550"]
Vào những ngày mùa, thịt chuột có thể được mua bán mọi lúc, mọi nơi.[/caption]
Thế nhưng, câu chuyện mà một "thợ săn chuột kỳ cựu" tiết lộ khiến phóng viên không khỏi rùng mình ghê sợ. Người này cho biết, thịt chuột là món đặc sản nên vào mùa hầu như ngày nào cũng cháy hàng. Chuột đồng chủ yếu có nhiều vào thời điểm sau vụ gặt chính vì thế có những thời điểm khan hiếm, các chủ nhà hàng này thường trà trộn thêm chuột cống, chuột nhà vào để tăng thêm thu nhập.
“Chuột được các con buôn bí mật thu gom đem về quán làm thịt. Không bé như chuột đồng khoảng 2 -3 lạng/con, những con chuột cống và chuột nhà lại to hơn hẳn có con đến cả nửa cân đều được gom về đây. Để bịt mắt các bợm nhậu, chuột cống chỉ được chế biến thành món giả cầy và món nướng. Mùi thơm của nhiều loại gia vị mạnh khiến người ăn không còn khả năng phân biệt đâu là chuột đồng, đâu là... "chuột phố thị" - tay "thợ săn chuột kỳ cựu" nọ cười khẩy tiết lộ.
Như để chứng minh câu chuyện của mình, tay thợ săn chuột dẫn tôi vào bên trong một quán hàng chỉ những con chuột được thui vàng như nhau, xếp thành đống trên mẹt, trên phản gỗ không thể nào nhận ra đâu là chuột đồng đâu là chuột cống. Vừa lúc, một cặp vợ chồng chở một túi hàng đến nói nhỏ, tối qua mới đi săn được hơn chục cân chuột trong khu chung cư, ông ra giá 40.000 đ/kg. Số chuột này nhanh chóng được đưa vào trong làm sạch, đưa đi thui…
Nguồn bệnh nguy hiểm
Đa số những người đam mê món đặc sản chuột đồng đều tin rằng chuột đồng chỉ ăn lúa, không gây nguy hiểm. Điều tệ hại là trong số họ chẳng ai là người "tài thánh" để giám sát được mỗi con chuột đã ăn những gì và tệ hại hơn, họ không phải lúc nào cũng phân biệt chính xác đâu là thịt chuột đồng, đâu là thịt của những con chuột sống nơi bãi rác, cống ngầm!
[caption id="attachment_67219" align="aligncenter" width="600"]
Hãy cảnh giác cao độ với món đặc sản này để tránh nguy cơ những mầm dịch bệnh vô cùng nguy hại thâm nhập vào cơ thể.[/caption]
Chuột sống có nhiều nguy cơ gây bệnh, có thể mang bọ chét gây bệnh dịch hạch, mà trên thế giới đã gây ra dịch chết đen. Không những thế, chuột còn mang những vật ký sinh gây bệnh nguy hiểm mà ngay cả người mổ chuột cũng rất dễ bị mang bệnh này.
Bác sỹ Nguyễn Đức Hiệp, Bệnh viện Giao thông Vận tải cho biết, chuột mang nhiều mầm bệnh, vi rút có hại cho sức khỏe mà từ chuột cống lây sang chuột đồng và ngược lại. Chuột vốn là loài trung gian truyền bệnh, không chỉ bị cắn mới chuột bệnh mà khi tiếp xúc với phân nước tiểu cũng có thể gây bệnh.
Đặc biệt với những con chuột bị thui cả con, thì nguy cơ nhiễm bệnh ngày một cao, bệnh soắn khuẩn, khi giết mổ tay chân tiếp xúc với ruột gan và nước tiểu rất dễ mắc bệnh. Nếu ăn phải con chuột ăn phải chất độc như thuốc chuột hay hóa chất người không may sẽ bị ngộ độc cấp tính.
Trong con chuột, đặc biệt là trong nước tiểu, thận cũng như các phủ tạng khác của chúng luôn chứa những bệnh tật nguy hiểm như dịch hạch, phó thương hàn, viêm cầu khuẩn, lao... Người chế biến, thịt chuột chưa sôi chín có nguy cơ truyền nhiễm cao. Ngoài ra, môi trường sinh sống của chuột thời gian gần đây cũng bị ô nhiễm nặng. Những con chuột có thể bị đánh bả, nhiễm hoá chất. Với chuột đồng, nguy cơ cao nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Người ăn thịt chuột dễ dàng tích tụ chất độc cho cơ thể, gây nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh về gan, thận, ung thư.
Báo chí đã từng thông tin về những ca bệnh nhân bị nhiễm vi-rút Hanta từ chuột gây suy thận, suy gan. Các trường hợp này chủ yếu do bị chuột cắn. Trước đó một thử nghiệm của viện Paster TP. HCM bắt khoảng 30 con chuột thì có tới 3 con nhiễm vi rút Hanta gây suy thận cấp.
Tuấn Mạnh