Cội nguồn của sức mạnh dân tộc!

Thứ bảy, 30/04/2022 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đất nước ta đang trong dịp kỷ niệm những ngày tháng Tư lịch sử - 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022).

Bên cạnh đó, trong hơn 2 năm qua, sự gian nan của cuộc chiến với đại dịch COVID-19, những thách thức không hề nhỏ trên hành trình phát triển, những diễn biến, sự xoay vần phức tạp trong bức tranh địa chính trị toàn cầu… Tất cả đang đưa đất nước vào những thách thức không hề nhỏ. Chính trong những thời khắc như thế này, có lẽ là cần thiết để chúng ta nhắc nhớ về cội nguồn của sức mạnh dân tộc, đặc biệt là tinh thần hòa hiếu nhân ái, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc…

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để làm rõ hơn vấn đề này.

Sức mạnh đại đoàn kết làm nên phẩm chất đáng quý của dân tộc

+ Thưa Phó giáo sư, trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề cội nguồn của sức mạnh dân tộc?

- Những dịp kỷ niệm về những sự kiện trọng đại của dân tộc cũng là lúc chúng ta tổng kết, ghi nhớ về sức mạnh, kinh nghiệm đã giúp dân tộc ta đạt được thắng lợi. Ngày thống nhất đất nước 30/4/1975 cũng tương tự như vậy. Đó là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử hiện đại của Việt Nam, truyền cảm hứng cho phong trào đấu tranh dân tộc của nhiều quốc gia trên thế giới.

coi nguon cua suc manh dan toc hinh 1

Đại biểu Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Có nhiều lý do để giải thích cho chiến thắng vĩ đại này của dân tộc, nhưng tôi đặc biệt lưu ý đến nhận định của ngay chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara rằng nước Mỹ đã không đánh giá đúng về quyết tâm của Việt Nam, về ý chí vươn tới tự do của người dân Việt Nam.

Trong chính cuốn hồi ký với tựa đề “Hồi tưởng” xuất bản năm 1995, ông Robert McNamara đã nêu rõ các lý do như: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”; hay ông nhận định rằng: “Cách nhìn nhận của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự dốt nát sâu sắc của chúng ta về lịch sử, văn hoá và chính trị của nhân dân Việt Nam, cũng như về nhân cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ”.

Đấy là cách nhìn của người bên ngoài đối với sức mạnh văn hóa dân tộc Việt Nam. Còn chúng ta, những người trong cuộc hiểu rõ hơn nữa nguồn gốc và ý nghĩa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc xuất phát từ văn hóa ấy. Không phải ngẫu nhiên, cùng trong những ngày kỷ niệm chiến thắng này, chúng ta còn có lễ Giỗ tổ Hùng Vương, kết tinh của biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết, tín ngưỡng được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Do vị trí đặc biệt, đất nước ta luôn chịu những thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên cũng như phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để gìn giữ đất nước. Chính tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tình nghĩa, nhân ái đã hình thành nên bản lĩnh văn hóa và phẩm chất đáng quý của dân tộc Việt Nam.

Càng những lúc khó khăn, những phẩm chất ấy lại càng tỏa sáng, phát huy tác dụng để dân tộc đạt được những thắng lợi và trường tồn cùng thời gian. Đó là những điều được kết tinh trong những thời điểm cụ thể như dịp 30/4 mà chúng ta đang kỷ niệm.

Vì thế, chúng ta cũng luôn mong muốn rằng, mỗi khi chúng ta kỷ niệm những thời khắc quan trọng của lịch sử, cũng là lúc chúng ta lan tỏa tinh thần về những giá trị văn hóa, từ đó, hình thành nên sức mạnh hiện tại cho dân tộc, để chúng ta đạt được những mục tiêu lớn lao đã đề ra.

coi nguon cua suc manh dan toc hinh 2

Cơ hội thử thách sức mạnh Việt Nam

+ Tùy từng giai đoạn của lịch sử mà sức mạnh dân tộc Việt Nam lúc dâng lên như sóng cao, lúc cuồn cuộn chảy ngầm. Càng gian nan, khó khăn thì sức mạnh ấy càng được thể hiện rõ. Qua giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua và những quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ông có thể phân tích rõ hơn về sức mạnh tinh thần và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam?

- Dịch bệnh COVID-19, dù có rất nhiều điều tiêu cực, nhưng cũng là cơ hội thử thách sức mạnh Việt Nam. Vượt qua dịch bệnh này không chỉ giúp đất nước vượt qua khó khăn, quay trở lại nhịp sống bình thường, mà còn chứng minh bản lĩnh, ý chí, sức mạnh dân tộc đã từng tạo nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử.

Có được thành công ấy là nhờ sự chỉ đạo đúng đắn, kiên quyết của Đảng và Nhà nước, sự chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân, và đặc biệt là sự hy sinh quên mình của lực lượng đội ngũ y tế, quân đội, công an… ở tuyến đầu. Chúng ta thấy hình ảnh của lãnh đạo Đảng và Nhà nước sâu sát, chia sẻ với nhân dân.

Lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính ướt đẫm mồ hôi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đội mưa đến với ngõ hẻm ở tâm dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội trong việc ban hành nghị quyết riêng, thông qua chương trình phục hồi kinh tế - xã hội ngay trong những kỳ họp đầu tiên… là những ví dụ cụ thể nhất về tinh thần chống dịch như chống giặc, đoàn kết một lòng.

Từ những hình ảnh, việc làm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, chúng ta chứng kiến rất nhiều sự sẻ chia, đoàn kết để thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Hình ảnh những y bác sĩ lên đường vào tâm dịch, anh bộ đội Cụ Hồ tái hiện trong những công việc giúp dân, các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn những ca khúc để tạo nên tinh thần vững vàng hơn cho mọi người, hay cả đến từng em bé, người dân bình thường dành dụm tiền bạc, nấu cơm, bán đồ 0 đồng, giải cứu nông sản, sáng tạo ra các ATM gạo... trở thành những hình ảnh thân thương và cảm động nhất về con người Việt Nam.

coi nguon cua suc manh dan toc hinh 3

Học Bác phải bằng hành động thực tế

+ Để có sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì phải làm cho dân tin, dân hiểu, dân đồng lòng. Có ý kiến cho rằng, muốn được như vậy thì phải làm những thứ mà dân đang mong đợi, quan tâm và giải quyết kịp thời tới an sinh xã hội, từ những điều nhỏ nhất… Quan điểm của đại biểu Quốc hội như thế nào?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Mọi khẩu hiệu sẽ trở nên vô nghĩa nếu không được cụ thể hóa bằng những hành động. Nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2021), cũng là kỷ niệm 52 năm ngày Bác Hồ đi xa, sáng 2/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh rằng: “Học Bác không phải chỉ hô khẩu hiệu, phải có hành động thực tế”.

Chúng ta đang hướng tới việc xây dựng Nhà nước hành động, kiến tạo, của dân, do dân và vì dân. Những hành động thực tế có ích cho dân, cho nước chính là những gì chúng ta thực hiện theo lời dạy của Bác. Khi Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sát đến đời sống của nhân dân, từ việc làm sao để có được vaccine, chăm lo cho người dân an toàn, không thiếu ăn, không quá lo lắng, ổn định cuộc sống và công việc trong dịch bệnh, không để ai bị bỏ lại phía sau... chính là cách chúng ta làm cho dân tin, dân hiểu, dân đồng lòng. Đó cũng là cách thiết thực nhất để tạo nên tình đoàn kết, tự hào về quê hương, yêu nước và hình thành nên sức mạnh Việt Nam.

coi nguon cua suc manh dan toc hinh 4

Văn hóa còn, dân tộc còn!

+ Văn hóa là nền tảng, sự gắn kết sức mạnh của dân tộc. Phó giáo sư có thể phân tích vấn đề này trong bối cảnh đất nước ta hiện nay?

- Đảng đã có nhiều chủ trương về phát triển văn hóa, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa, như “văn hóa là nền tảng tinh thần của đất nước”, “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội”, hay “văn hóa là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế, xã hội”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - như một khẳng định về vai trò đặc biệt của văn hóa với sự phát triển của đất nước và của con người Việt Nam.

Tại sao văn hóa lại có sức mạnh như thế? Vì văn hóa là những giá trị mà con người Việt Nam đúc kết qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài trong lịch sử. Chính qua quá trình đó, chúng ta đã hình thành những phong tục, tập quán, những giá trị chung của dân tộc như giá trị về đoàn kết, yêu nước, nghĩa tình, cần cù lao động... Đây là những giá trị quan trọng, giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách, khó khăn.

Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, những giá trị văn hóa về đoàn kết thể hiện qua tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của mọi người đã tạo ra sức mạnh đưa dân tộc vượt qua khó khăn. Lòng yêu nước cũng vậy! Mỗi khi có dịch bệnh, chiến tranh, con người Việt Nam đều hướng về đất nước, tạo ra sự gắn kết lớn lao, tạo ra tinh thần dân tộc vĩ đại. Đó là giá trị quan trọng mà văn hóa đem lại cho đất nước.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa còn, dân tộc còn!”. Văn hóa luôn được xem là mục tiêu của sự phát triển, vì văn hóa tạo nên con người (tất nhiên ở góc độ nào đó, con người cũng tạo ra văn hóa). Nỗ lực mà chúng ta hướng đến phải là xây dựng văn hóa, xây dựng con người, bởi phát triển văn hóa mới là sự phát triển bền vững nhất.

Sở dĩ đất nước có được như ngày hôm nay bởi chúng ta đã vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách trong lịch sử. Những khó khăn đó đã hun đúc nên những tính cách cụ thể, nét văn hóa của con người Việt Nam. Quay trở lại với ví dụ về biểu tượng thiêng liêng Hùng Vương chẳng hạn, trải qua thời gian, dù có sự khác biệt về hệ tư tưởng, các thời đại đều coi Vua Hùng là tổ tiên của dân tộc; giá trị thời kỳ Hùng Vương là giá trị xuyên suốt, tạo ra sức mạnh đoàn kết cho dân tộc.

Nhờ sức mạnh tinh thần đoàn kết đó, chúng ta đã vượt qua mọi kẻ thù. Câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước; Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên ra trận và dựng xây đất nước tươi đẹp như chúng ta thấy ngày hôm nay.

coi nguon cua suc manh dan toc hinh 5

Ý chí và nỗ lực xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”

+ Vậy, Đại biểu Quốc hội có thể chia sẻ sự kỳ vọng, niềm tin của mình đối với vấn đề dân tộc ta sẽ kiên cường hướng đến những khát vọng và hiện thực hóa khát vọng đó trong tương lai?

- Những thành công trong nỗ lực vượt qua dịch bệnh COVID-19 vừa qua và tinh thần kỷ niệm ngày thống nhất đất nước hôm nay, giúp chúng ta có thêm sự tự tin trong quyết tâm phát triển đất nước. Bằng ý chí và nỗ lực của mình, chúng ta đã vượt qua những kẻ thù và khó khăn lớn nhất thì không có lý do gì chúng ta không thể xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời dặn dò của Bác Hồ.

Chúng ta tin rằng những bài học trong quá khứ và ở hiện tại đã truyền cảm hứng cho mọi người dân về sức mạnh văn hóa dân tộc, sự tự tin và bản lĩnh để “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Hường (Thực hiện)

Tin khác

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản

(CLO) Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ hoạt động thăm dò, khai thác tuân thủ chính sách pháp luật về khoáng sản và môi trường, đảm bảo an toàn lao động. 

Tin tức
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo rà soát việc gia tăng nhập khẩu thép cán nóng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo rà soát việc gia tăng nhập khẩu thép cán nóng

(CLO) Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật.

Tin tức
Chính phủ thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

Chính phủ thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

(CLO) Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sẽ tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số từ đầu năm tới nay và thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thời gian tới.

Tin tức
Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nên nghiên cứu chính sách để đưa vào dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tin tức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

(CLO) Chiều 23/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32 sau 4,5 ngày làm việc.

Tin tức