Colombia đàm phán với ELN: Khát vọng 'bình thiên hạ' của Tổng thống Petro

Thứ tư, 15/02/2023 11:42 AM - 0 Trả lời

(CLO) Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang lớn nhất còn lại ở quốc gia Nam Mỹ này, Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), đã được nối lại tại Mexico City từ ngày 13/2.

Kế hoạch “hòa bình toàn diện”

Trong khi Tổng thống Gustavo Petro bày tỏ sự lạc quan về các cuộc đàm phán mới, căng thẳng giữa chính quyền ở Bogota và nhóm ELN đã gia tăng kể từ khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc vào tháng 12 ở Caracas, Venezuela.

colombia dam phan voi eln khat vong binh thien ha cua tong thong petro hinh 1

Tổng thống Gustavo Petro đang nỗ lực chấm dứt hàng thập kỷ xung đột vũ trang tại Colombia. Ảnh: Hindustan Times

Hôm 1/1 vừa qua, Chính phủ Colombia từng khẳng định đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với ELN nhưng chỉ ít ngày sau đó, họ buộc phải rút lại thông báo này sau khi ELN tuyên bố không có bất kỳ thỏa thuận nào như vậy tồn tại. Thay vào đó, nhóm vũ trang đối lập này cho biết một lệnh ngừng bắn "chỉ là một đề xuất được xem xét".

Giờ đây, khi vòng đàm phán thứ hai bắt đầu vào thứ Hai (13/2) tại Mexico, các chuyên gia đã đặt câu hỏi rằng liệu các bước đi sai lầm của chính phủ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng chấm dứt hàng thập kỷ xung đột vũ trang ở Colombia? Và bất kỳ lệnh ngừng bắn tiềm năng nào được tuyên bố sẽ có mức độ tin cậy đến đâu?

Kyle Johnson, đồng sáng lập của Tổ chức Ứng phó Xung đột (CORE), chuyên nghiên cứu về Colombia, phân tích rằng “kỳ vọng ở các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang đã tăng lên rất cao” sau khi ông Petro đắc cử vào tháng 8 năm ngoái.

“Nhưng bây giờ chúng tôi bắt đầu thấy có sự nghi ngờ,” Johnson nói với hãng truyền hình Al Jazeera. “Bởi vì cư dân trong các khu vực xung đột quân sự vẫn đang hỏi nếu có lệnh ngừng bắn, tại sao vẫn còn binh lính và xe tăng trong cộng đồng của họ?”

Bạo lực ở Colombia đã gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, bất chấp hiệp định hòa bình năm 2016 chứng kiến các thành viên của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) hạ vũ khí sau nhiều thập kỷ xung đột với chính phủ.

Gustavo Petro vốn là một cựu thành viên của lực lượng nổi dậy M-19 nhưng sau đó chuyển hướng sang theo đuổi phong trào đấu tranh phi vũ trang. Ông nhậm chức Tổng thống Colombia vào tháng 8/2022 và từng hứa trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ tránh xa các chiến lược quân sự hóa của các chính quyền trước đây, khi cho rằng các chính sách ấy dường như chỉ làm trầm trọng thêm bạo lực.

Ông Petro cũng cam kết thuyết phục tất cả các nhóm vũ trang đối lập tham gia đàm phán trực tiếp với mục tiêu đạt được thỏa thuận giải trừ quân bị, một kế hoạch mà ông gọi là “hòa bình toàn diện”.

Đàm phán với các "sứ quân"

Chính phủ Colombia cho biết trong tháng này rằng họ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn không chính thức với 4 nhóm vũ trang: Lực lượng Phòng vệ Gaitanista, hay còn gọi là "Clan del Golfo"; hai nhóm bất đồng chính kiến FARC vốn từng bác bỏ thỏa thuận hòa bình năm 2016, Segunda Marquetalia và Estado Mayor; và một nhóm bán quân sự hoạt động ở vùng duyên hải Caribbean có tên Dân quân Sierra Nevada.

Nhưng hướng tới vòng đàm phán mới giữa Bogota và ELN, lực lượng vũ trang đối lập được cho là có từ 3.000 đến 5.000 thành viên, những tuyên bố gần đây lại phản ánh bầu không khí căng thẳng giữa hai bên.

Antonio Garcia, một chỉ huy cấp cao của ELN, viết trong một đoạn tweet vào ngày 6/2: “Có vẻ như 'hòa bình toàn diện' đang bị xâm phạm bởi các hoạt động khác. Tiến trình hòa bình không thể được sử dụng như một 'chiếc ô' cho những vấn đề khác. Chính phủ đã không tôn trọng những gì thống nhất tại bàn đàm phán”.

Garcia cũng phản đối việc Chính phủ Colombia xem ELN là một nhóm phiến quân có tổ chức, qua đó xếp họ vào cùng loại với các băng đảng buôn bán ma túy hoặc những nhóm phiến loạn phi chính trị vốn cũng đang đàm phán các thỏa thuận hòa bình lâu dài với Bogota.

Điều này cho thấy ELN muốn có vị thế của một tổ chức chính trị đối lập chứ không phải nhóm phiến loạn. Đáp lại, Otty Patino, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia nói tại cuộc họp báo vào ngày 7/2 rằng Garcia đã "không hiểu ý nghĩa của hòa bình toàn diện là gì”. Ông Patino phân trần: “Thực ra, có những thủ tục khác nhau giữa các nhóm vũ trang và ELN”.

Theo các chuyên gia, những gì đang xảy ra chỉ chứng tỏ, vẫn còn nhiều thách thức mà chính quyền tại Bogota phải đối mặt trong quá trình đàm phán đồng thời với nhiều nhóm vũ trang, nhất là khi nhiều nhóm đang xung đột công khai với nhau.

Tuy nhiên, Carlos Velandia, cựu chỉ huy ELN, hiện đóng vai trò cố vấn cho chính quyền Tổng thống Petro, không đồng tình với điều đó. “Đấy chỉ là chuyện làm nóng không khí trước vòng tiếp theo của cuộc hòa đàm. ELN đã rất rõ ràng ngay từ đầu rằng họ muốn đàm phán hiệp định hòa bình của riêng mình. Họ không muốn bị gộp vào chung thỏa thuận với các nhóm khác”, Velandia nói với Al Jazeera.

Câu hỏi vẫn bỏ ngỏ

Bốn nhóm vũ trang mà Chính phủ Colombia cho biết họ đã đạt được các thỏa thuận ngừng bắn không chính thức cũng xác nhận công khai rằng một hiệp định đình chiến tạm thời đang được thực hiện, nhưng không có thỏa thuận bằng văn bản nào được ký kết.

colombia dam phan voi eln khat vong binh thien ha cua tong thong petro hinh 2

Các chiến binh của ELN, lượng vũ trang đối lập lớn nhất còn chưa buông súng tại Colombia. Ảnh: Colombia Peace

Theo đó, các nhóm vũ trang kể trên đã đồng ý không chiến đấu với lực lượng an ninh Colombia. Nhưng họ không hứa sẽ ngừng chiến đấu với nhau. Hiện vẫn chưa rõ thỏa thuận ngừng bắn không chính thức này sẽ diễn ra như thế nào trên thực tế, đặc biệt là trong lúc chính phủ đang đàm phán riêng với ELN, lực lượng đang xung đột với ba trong bốn nhóm kể trên.

Nhà phân tích Kyle Johnson, đồng sáng lập của Tổ chức Ứng phó Xung đột (CORE), cho biết phần lớn các cuộc giao tranh xảy ra giữa các nhóm vũ trang với nhau chứ không phải với Chính phủ Colombia. “Điều cần đàm phán là một thỏa thuận ngừng bắn giữa các nhóm vũ trang và không rõ chính phủ có thể đóng vai trò như thế nào trong việc đó”, ông nói.

Bà Elizabeth Dickinson, nhà phân tích hàng đầu về Colombia tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ISG) có trụ sở ở Brussels, cũng giải thích rằng “dù thường là kết quả của nhiều tháng đàm phán, nhưng những lệnh ngừng bắn này đã được đưa ra mà không có bất kỳ giao thức nào” để xác định các điều khoản tham gia hoặc thực thi.

Tuy nhiên, Dickinson cho biết, chiến lược ngừng bắn “đáng được ủng hộ vì là lựa chọn tốt nhất trong số các lựa chọn tồi”. Bà nhấn mạnh rằng mô hình bạo lực tại Colombia đã thay đổi kể từ hiệp định hòa bình được ký với FARC năm 2016 nhưng chiến lược an ninh của Bogota phần lớn “không thích ứng được, đôi khi gây phản tác dụng hoặc gây hậu quả xấu”.

Trong khi đó, cư dân của các khu vực bạo lực ở Colombia đặt câu hỏi liệu những nỗ lực của chính phủ có chuyển thành thay đổi cụ thể trên thực tế hoặc tốt hơn nữa là chấm dứt xung đột chết chóc giữa các nhóm vũ trang hay không?

Andres Silva Rojas - nhà vận động canh tác bền vững đối với những người trồng coca, nguyên liệu chính để sản xuất cocain - cho biết ông ủng hộ các nỗ lực hòa đàm. Nhưng Rojas nói rằng lệnh ngừng bắn giữa ELN và chính phủ sẽ “thực sự vô nghĩa đối với cộng đồng của chúng tôi” vì chính quyền không duy trì sự hiện diện trong khu vực.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Israel cấp tập điều binh về biên giới Lebanon, cuộc chiến toàn diện sắp xảy ra?

Israel cấp tập điều binh về biên giới Lebanon, cuộc chiến toàn diện sắp xảy ra?

(CLO) Bóng ma của cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah dường như đang đến gần hơn bao giờ hết. Nhưng liệu hai bên đã sẵn sàng cho cuộc chiến đó?

Tiêu điểm Quốc tế
Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

(CLO) Một tháng rưỡi sau cuộc tấn công vào khu vực Kursk phía tây nước Nga, Ukraine phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc nên triển khai lực lượng hạn chế của mình ở đâu. Bởi Nga bắt đầu phản công tại Kursk trong khi vẫn tiến quân mạnh mẽ ở mặt trận phía đông Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế
Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

(CLO) Chỉ trong vòng 2 tháng, nước Mỹ đã trải qua 2 sự cố và cả 2 đều nhằm vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Vậy liệu vụ ám sát lần này có tạo hiệu ứng tích cực như lần trước và giúp ông Trump chiếm nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng?

Tiêu điểm Quốc tế
Hành lang biên giới Philadelphi, rào cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Hành lang biên giới Philadelphi, rào cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

(CLO) Hành lang Philadelphi, một dải đất nhiều bụi rậm và cồn cát hẹp ở phía nam Gaza, giáp biên giới với Ai Cập đang nổi lên như trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Israel - Hamas và giải thoát hàng loạt con tin.

Tiêu điểm Quốc tế
Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

(CLO) Từ ngày 11-12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga. Cũng trong thời gian này, lần lượt Thủ tướng Tây Ban Nha và Na Uy đều có chuyến thăm tới Trung Quốc. Điều này cho thấy hình ảnh tích cực, chủ động của Trung Quốc, xét ở góc độ an ninh.

Tiêu điểm Quốc tế