Con tôi bị hành hạ - Lỗi tại ai?

Thứ sáu, 03/04/2015 16:39 PM - 0 Trả lời

Con tôi bị hành hạ - Lỗi tại ai?

(Congluan.vn) – Choáng váng, bức xúc, sợ hãi… khi năm nào cũng xuất hiện những vụ bạo hành trẻ em bị phanh phui, từ bé Hào Anh 10 tuổi ở đầm tôm Cà Mau 3 năm trước, đến bé Ngân 3 tuổi ở KCN Bình Dương… bị hành hạ như súc vật. Thậm chí những em bé sống trong mái ấm ở Đồng Nai “trốn trại” với thương tích mang trên người như vừa trải qua đủ loại cụ hình tra tấn thời phong kiến…
 
Mới đây, lại xảy ra vụ cháu Đỗ Nhất Long (18 tháng tuổi, ở quận Thủ Đức, TP.HCM) bị người giữ trẻ đánh đập đến chết, hàng chục cháu bé bị bảo mẫu hành hạ tàn tệ ở phường Hiệp Bình Phước, cùng quận với cháu Long... Để rồi nững ánh mắt thơ ngây, trong veo giờ vô hồn, sợ hãi; Những hình hài bé nhỏ vốn cần được chăm bẵm, vỗ về thì nát tan, lở loét, bầm tím… Hàng triệu câu hỏi vì sao? tại sao?... đến nay chưa ai trả lời, chưa ai nhận trách nhiệm. Và cũng chưa giải pháp căn cơ nào được đưa ra...

Trách nhiệm gia đình ở đâu?

Những kẻ tàn nhẫn kia chẳng thể lấy những lý do “trẻ quấy”, “không chịu ăn”, “không nghe lời”, “lì lợm”, “cãi lại”… để che đậy cho sự mất nhân tính của mình. Tính “Người” trong họ có lẽ rất nhợt nhạt, hoặc lúc ẩn lúc hiện, hoặc đã mất hẳn rồi.

Sau những chuỗi sự việc gây phẫn uất trong dư luận trên xảy ra, nhiều người đổ lỗi cho các “thầy cô”, nhưng cũng nhiều người nói tới trách nhiệm của mỗi gia đình. Là bởi bất cứ điều gì xung quanh đứa trẻ: Sức khỏe, sức học, nét tính cách, thói quen… hầu như đều xuất phát từ gia đình.

Một đồng nghiệp của tôi, từng dạy học ở một trường Tiểu học Quốc tế, kể, một hôm, trước cổng trường, 1 học sinh nam lớp 4 chửi thề và ném thẳng tiền vào mặt mẹ nó. Thì ra, cậu bé không được cho đủ tiền xài vặt đầu tuần (2 triệu/tuần) do mẹ mang thiếu, nên chửi và ném thẳng số tiền thiếu đó vào mặt mẹ.” Thấy sự việc, anh đã nổi nóng ra tát nhẹ cậu bé và quát “Đồ hỗn láo!” Kết quả, bà mẹ đã gửi đơn phản ảnh, dọa kiện thầy giáo. Và anh bị mất việc. Anh đã sai, khi dùng cái tát. Nhưng mẹ cậu bé kia còn sai nhiều hơn khi chưa nuôi và yêu con bằng tiền. Cũng như nhiều bậc cha mẹ khác còn nuông chiều, không tập cho con tính tự lập, để các bé “muốn gì được nấy”, có tính ăn vạ, gào thét, phá phách... Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến các “cô” bực mình.

Anh buồn bã cho rằng, kinh tế đất nước những năm qua phát triển nhanh, đời sống con người cũng được nâng cao, không ít người giàu lên bất ngờ nhờ chứng khoán, hay đất… mà nghèo về tâm hồn, nền tảng văn hóa gia đình, yêu thương, chăm con bằng tiền bạc, đồ hiệu, chiều chuộng, cung phụng như ông hoàng, bà chúa. Kết quả là không ít trẻ từ nhỏ đã tự ý thức “mình là người giàu”, sống hưởng thụ, không tình cảm, coi thường người khác. Cha mẹ thì quăng con cho bảo mẫu, cô giáo, mải mê kiếm tiền, du lịch, gặp gỡ bạn bè…

Một người bạn trung tuổi của tôi trước những chuyện này thường đùa mà thật: “Trẻ hiếu động, đôi khi cũng cần chút roi, cần quát, dọa nạt… Quan trọng là từ gia đình, cha mẹ phải hình thành cho chúng các thói quen nề nếp: Ăn đúng, ngủ đúng, chơi đúng! Bé nhà tôi, không chỉ ăn nhanh, ngủ đúng giờ mà còn làm “trợ lý” cho cô bằng việc đút cho các bạn ăn, kêu các bạn nằm yên khi ngủ…”

Vô cảm đã thành... nan y!

Có thể thấy, trong tất cả những vụ bạo hành trẻ em đều thể hiện sự “chậm chân” của chính quyền, cơ quan quản lý. Thật ngạc nhiên, bởi ở quê tôi, mỗi khi các cậu thiếu niên tụ tập quậy phá, bị gọi lên phường thì đều bị các chiến sĩ công an “vạch trần” mọi hành vi sai trái: Tụ tập những ai, lúc nào, ở đâu, giải tán như thế nào… Chứng tỏ, các cơ quan chức năng ở quê tôi rất chặt chẽ, bám rất sát người dân. Hay ở phường tôi ở, có người nào ở trọ, ghé thăm ở lâu ngày mà chưa đăng ký tạm trú là bị các đồng chí công an nhắc ngay. Ai chưa đóng tiên bảo vệ, dân phòng thu không sót một đồng… Vậy mà ở Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Thủ Đức (TP.HCM)… chính quyền lại không biết, hoặc biết thì đã quá trễ, những đứa trẻ vô tội đã tan xương nát thịt, rối loạn, khủng hoảng tinh thần, thậm chí đã lìa đời (?)

Báo Công luận
 Đừng vô cảm khi người ta giết chết ánh mắt, nụ cười trẻ thơ

Chính quyền “chậm chân”, thì đành hi vọng vào những người “đẩy thuyền, lật thuyền”. Hiện nay, cả cộng đồng đang ca ngợi, cảm ơn những “nhà báo nhân dân”, “anh hùng xa lộ”… dũng cảm, mưu trí để bảo vệ cộng đồng, loại trừ cái ác, cái xấu. Tuy vậy, những con người thầm lặng mà vĩ đại đó lại quá ít ỏi trong số gần 100 triệu dân ta. Phần lớn, người xung quanh khu vực trẻ bị hành hạ chỉ “Tôi có nghe tiếng khóc”; “Tôi có thấy nó bầm tím”… Nhưng chỉ là thấy thôi. Họ không vào kiểm tra, hỏi thăm, tố cáo nghi vấn lên chính quyền, báo chí (?) Sự thờ ơ, vô cảm với đồng loại, đồng bào, nhất là trẻ thơ không thể khỏa lấp bằng câu cửa miệng: “Cứ tưởng”, “Cứ tưởng”, “Cứ tưởng”… được.

Xót xa nhất là đợt lũ cào nát miền Trung độ 3 năm trước, có chiếc xe khách trôi theo dòng nước. Khi VTV phỏng vấn một người sống sót, anh nói: “Xe nghiêng, tài xé kêu “Nhảy”, và mọi người cùng nhảy. Có chị trong xe bế con nhỏ không nhảy!” Người phụ nữ tội nghiệp ấy yếu đuối, cô còn phải ôm đứa con chưa tròn 1 tuổi của mình trong lòng. Cô ấy cần giúp đỡ, nhưng đàn ông trai tráng nhảy hết (?) Thế rồi 2 mẹ con cô đơn độc, côi cút, bất lực giữa dòng nước lũ… Và dĩ nhiên, họ bị cuốn về thế giới bên kia.

Nỗi buồn mang tên "giáo dục"

Ở nước ta, giáo dục luôn là quốc sách, được quan tâm hàng đầu từ rất xa xưa. Ngay cả trong chiến tranh, trẻ em vẫn đội nón rơm đi học, các lớp bình dân học vụ tiêu điều vẫn đông đúc người già, trẻ nhỏ… Tình yêu, khao khát con chữ phủ đầy trong cái vách nứa toang hoác, tấm bảng trốc lở, từ anh giáo nghèo tới lũ trẻ quê mùa, cụ già móm mém…

Ngày nay, hệ thống giáo dục của chúng ta đã phát triển, với trường lớp khang trang, nhiều tiến sĩ, nhiều giáo viên đạt chuẩn, nhiều chứng chỉ, từ đại học xuống tới mầm non, trông trẻ... Tuy nhiên, hầu hết mọi cấp đều có vấn đề, về đào tạo chui, lạm thu học phí, cả quá tải, nhất là ở cấp mầm non, tiểu học. Trường học đã quá tải, lại bị nhồi nhét thêm bởi phong trào chạy lớp chạy trường, 1 cô giáo có khi phải dạy 2, 3 ca, cai quản cả trăm đứa trẻ hiếu động, chưa hình thành ý thức. Nhiều cô cáu bẳn, bức xúc, bực tức… cũng có thể hiểu và thông cảm.

Các khu công nghiệp thì mọc lên khắp nơi, bởi các tỉnh thành nào cũng đua nhau thành “tỉnh công nghiệp”, để hút vốn đầu tư, kiếm thuế... dẫn đến bao hệ lụy về an ninh, an toàn thực phẩm… và đặc biệt là trường lớp cho con em công nhân. Không hộ khẩu, không rủng rỉnh tiền bạc, trường học phải lo lót... họ đành cắn răng gửi con vào những hộ gia đình, cầu mong người "bố", người "mẹ" ấy ít nhiều có lòng thương, có tính người, không dạy được múa, hát, chào hỏi, ít ra cũng là giữ trẻ, để họ yên tâm làm, tăng ca tới 9, 10, 11 giờ tối, để kiếm thêm tiền đóng học cho con...

Và rồi, trong hàng vạn nhà trẻ, cô giữ trẻ “vườn” ấy, không ít người thường xuyên “đánh yêu”, “tát yêu”, “nhốt yêu”, "đạp yêu"… con họ tới ngất xỉu, bầm tím, tóe máu, và chết đi...
 
Báo Công luận
  Người mẹ quay quắt với cuộc mưu sinh này vừa mất con thơ. Chị thứ tha, không đòi xử tội, bồi thường. Chị đẹp đẽ, bao dung, rực sáng hơn bất kỳ tấm gương nào in trong sách đạo đức giáo khoa, hơn tỉ tỉ lần các siêu sao, idol mà giới trẻ đang chực chờ, gào thét tới ngất xỉu.
 
Thay lời kết

Người viết thích câu nói của bác Phạm Văn Đồng về giáo dục: “Phải làm sao thầy ra thầy, trò ra trò!” Để thầy ra thầy, trò ra trò, phải có những quy định ngặt nghèo của ngành giáo dục về trường lớp, chuyên môn người dạy trẻ; phải có sự giám sát gắt gao, tận tụy phục vụ của chính quyền; phải có sự chung tay của gia đình trong giáo dục, dạy dỗ trẻ nhỏ văn hóa sống, ứng xử, văn hóa làm người… trước khi dạy chữ.

Báo Công luận
 Chỉ khi sự vô trách nhiệm, vô cảm bị tiêu diệt, đau thương này mới kết thúc.
 
Và cũng cần lắm những anh hùng nhân dân, “giữa đường thấy chuyện bất bình” thì luôn ra tay mạnh mẽ, bằng cái tâm, bằng tình thương, bằng trách nhiệm với đồng loại, đồng bào, nhất là với những sinh linh thơ bé!
Đoàn Kiên Giang

Tin khác

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục