Thượng tướng Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu. Ảnh: TL
Giải trình tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc chính quy hóa lực lượng Công an xã đã có chỉ đạo của Bộ Công an, cơ quan soạn thảo cũng đã có văn bản của Đảng ủy Công an Trung ương gửi cho tất cả các Ban Thường vụ tỉnh ủy của 63 tỉnh trong cả nước và hiện nay cũng đã nhận được khoảng 40 ý kiến phản hồi của ban thường vụ các tỉnh.
Theo đó, trong số 40 tỉnh phản hồi thì gần như 100% các Ban Thường vụ tỉnh ủy đều cơ bản nhất trí với chủ trương này. Một số địa phương cũng đã đề nghị triển khai ngay khi mà Quốc hội sẽ xem xét thông qua luật này để triển khai ở các địa phương.
Tất cả những cán bộ công an không chính quy, là công chức ở xã trong phạm vi Trưởng, Phó Công an xã theo điều chỉnh của tỉnh trước đây và Hội đồng nhân dân các tỉnh trả lương thì các tỉnh đề nghị là Ban Thường vụ tỉnh ủy sẽ chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp quận, huyện, xã sẽ giải quyết và đề nghị lực lượng công an triển khai sớm theo như quy định.
Liên quan đến băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về việc tăng biên chế trong ngành công an nếu thực hiện công an xã chính quy, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an đã cam kết với Quốc hội từ khi trình dự án luật này là sẽ không tăng biên chế và nhấn mạnh cam kết này hoàn toàn có cơ sở vì trên thực tế đây là việc đánh giá và bố trí lại lực lượng trong Công an nhân dân.
Công an xã chính quy được trang bị xe tuần tra, công cụ hỗ trợ. Ảnh: TL
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, từ nay cho đến năm 2021, Bộ Công an không tăng một biên chế nào, toàn bộ là sắp xếp trong nội bộ và duy trì biên chế hiện có. Từ nay cho đến năm 2021 khi sắp xếp, bố trí lực lượng Công an xã, có thể hoàn chỉnh khi Luật Công an nhân dân ra đời thì cũng không tăng biên chế.
Vấn đề trang bị cho lực lượng Công an xã, trước mắt và chủ yếu, Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết Bộ đã có tính toán.
Theo đó, nếu lực lượng Công an xã chính quy được tăng cường, có 3 phương tiện cần tập trung trang bị. Một là, phương tiện giao thông, cụ thể là xe máy để tuần tra, cơ động, những hoạt động của lực lượng Công an xã. Hiện nay, nhiều tỉnh cũng trang bị cho lực lượng Công an xã phương tiện này. Hai là, phương tiện thông tin liên lạc. Ba là công cụ hỗ trợ.
Những phương tiện này đều nằm trong kinh phí và tính toán của Bộ Công an trong sắp xếp những phương tiện nay để trang bị. Những công cụ đó đều nằm trong kế hoạch của các cơ sở công nghiệp an ninh, các nhà máy sản xuất công nghiệp an ninh của Bộ Công an để sản xuất những công cụ hỗ trợ để đủ trang bị cho lực lượng Công an xã chính quy của các địa phương.
Về việc giải quyết như thế nào đối với lực lượng Công an xã không chuyên trách hiện nay mà các đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Bộ Công an cũng đánh giá đây là lực lượng rất quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt là cơ sở, không thể thiếu được vì lực lượng quần chúng, nhất là các quần chúng tích cực tham gia vào trong việc đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Đây là một lực lượng mà lực lượng Công an phải dựa vào.
Theo lộ trình, Bộ sẽ báo cáo Quốc hội sẽ cho phép được xây dựng một dự luật về lực lượng trị an ở cơ sở, trên cơ sở tổng kết Pháp lệnh Công an xã đang có hiệu lực, đang thực hiện và tổng kết Pháp lệnh Lực lượng bảo vệ bảo vệ cơ quan, xí nghiệp.
Hiện nay, ở các xí nghiệp, cơ quan còn tồn tại một lực lượng bảo vệ cũng làm những nhiệm vụ giữ gìn trật tự ở trong cơ quan, xí nghiệp của mình cũng phải điều chỉnh theo luật pháp, tổng kết Nghị định 38 về lực lượng dân phòng ở các khu phố.
Như vậy hướng giải quyết lực lượng không chuyên trách trở thành là lực lượng quần chúng tham gia và thậm chí còn phát triển hơn với lực lượng Công an xã không chính quy ở các địa phương khi lực lượng công an chính quy làm nòng cốt ở các cơ sở này, chứ không điều chuyển ra các lực lượng khác và không tham gia lực lượng bảo vệ trật tự trị an ở cơ sở.
Hoàng Lâm