(CLO) Là một trong những ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng, đóng góp lớn cho ngân sách và GDP với sản lượng khai thác các nguồn khoáng sản lớn. Tuy nhiên, công nghiệp khai khoáng của Việt Nam lại đang đối mặt với không it thách thức cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh Luật Khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng phát triển nhưng thực tế triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng.
Chi phí bôi trơn của doanh nghiệp ở mức cao
Cấp phép là công đoạn quan trọng nhất trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, tổng kết 13 năm thực hiện Luật khoáng sản (1996-2009) cho thấy, tình trạng cấp phép và khai thác tràn lan không những làm thất thoát nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng và phá huỷ môi trường sinh thái.
Năm 2012, Bộ TN&MT đã kiểm tra 975 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp. Kết quả cho thấy, 50% giấy phép được cấp không đúng với quy định pháp luật.
[caption id="attachment_155202" align="aligncenter" width="600"]

Một trong những điểm quan trọng cần sớm khắc phục trong ngành công nghiệp khai khoáng là mức độ minh bạch trong cấp phép và quản lý thu thuế phí. (Ảnh minh hoạ)[/caption]
Luật Khoáng sản 2010 quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện.
Ngoài ra, quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép, nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác.
Theo khảo sát của VCCI thực hiện 2014, doanh nghiệp khai khoáng đánh giá thấp về mức độ minh bạch trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam, có tới 72% doanh nghiệp khai khoáng thừa nhận phải dựa vào mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, tài liệu.
Có tới 85% doanh nghiệp thừa nhận thường xuyên phải chi trả các khoản tiền không chính thức trong quá trình hoạt động. Đặc biệt có 16% doanh nghiệp cho biết, chi trả chi phí không chính thức chiếm tới 10% tổng thu nhập của doanh nghiệp.
Ngay cả khi các quy định đấu giá được kỳ vọng sẽ được áp dụng đại trà để giảm thiểu cơ chế "xin-cho", nhưng cho tới nay, số trường hợp thực hiện đầu giá vẫn còn là con số khá khiêm tốn.
Thất thu ngân sách
Hoạt động quản lý thu, nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản được các chuyên gia đánh giá là chưa tương xứng với quy mô khai thác.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài đầu khí chỉ đạt 0,9%-1,2% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2014. Nhiều địa phương có tới 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng số thu từ thuế tài nguyên không đạt 4 tỷ đồng. Số thu này thậm chí không đủ chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khai khoáng tại địa phương.
Thất thu ngân sách từ khai khoáng đươc đánh giá là rất lớn, đặc biệt khi những nguồn thu quan trọng như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu hay phí bảo vệ môi trường được thu dựa trên số liệu tự khai báo của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khai thác và xuất khẩu trái phép còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương làm thất thu ngân sách và thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Hơn nữa, khai thác khoáng sản gây tác động nghiêm trọng đến môi trường và xã hội. Hoạt động khai khoáng thường đòi hỏi diện tích đất lớn và ảnh hưởng đến môi trường ở phạm vi rộng trong thời gian rất dài. Riêng hoạt động khai thác than ở Quảng Ninh phát sinh 4,6 tỷ đất đá thải hàng năm. Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc quản lý an toàn các bãi chất thải khai thác là vấn đề rất khó khăn. Các bãi chất thải khai thác tiềm ẩn nhiều rủi ro và sự cố đã xảy ra trên thực tế như trận lũ ở Quảng Ninh vào cuối tháng 7/2015 làm 26 người chết và thiệt hại 2.500 tỷ đồng.
Năm 2013, Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên đã đánh gia Việt Nam chỉ đứng 41/58 quốc gia và xếp hạng là "yếu" trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng.
Đặc biệt, Việt Nam còn được đánh giá là thất bại trong các khía cạnh liên quan đến báo cáo và thực thi pháp luật với 20 chỉ số liên quan về minh bạch, công bố thông tin và báo cáo hiện trạng hoạt động, bên cạnh các khía cạnh khác về thể chế, pháp luật, các biện pháp bảo đảm an toàn xã hội, kiểm soát chất lượng và bảo vệ môi trường.
Có thể nói, tài nguyên khoáng sản và đầu khí là là nguồn của cải thiên nhiên ban tặng cho con người và là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với quy mô khai thác như hiện nay, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Theo tính toán của Tổng hội địa chất, số năm khai thác còn lại của đầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, thiếc là 19 năm, chì-kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm.
Do tính chất không tái tạo, Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng hệ thống luật cũng như các biện pháp để nguồn lực tài chính khai thác từ tài nguyên được quản lý và sử dụng một cách cẩn trọng, phục vụ đầu tư xây dựng năng lực con người và hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế có tính bền vững hơn.
Bảo Quyên