(CLO) Trong hai thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng với nhiều loại khoáng sản được khai thác ở quy mô lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến quản trị khoáng sản như thu ngân sách không tương xứng với mức độ khai thác, cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường và khó thu hút những dự án có hiệu quả cao. Do những đặc thù phức tạp của công nghiệp khai thác, thế giới đã phát triển nhiều sáng kiến hỗ trợ công tác quản trị. Trong đó, Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) được coi là một trong những sáng kiến quản trị hiệu quả nhất.
Công nghiệp khai khoáng: Khoảng cách từ quy định đến thực tiễn còn khá xa
[caption id="attachment_155326" align="aligncenter" width="600"]
Ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đang rất cần Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) vì nhiều lý do. Nhiệu bộ, ngành, và các chuyên gia đều lên tiếng ủng hộ việc thực thi EITI ở Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại đang trì hoãn hoạt động này vô thời hạn. (Ảnh minh hoạ)[/caption]
EITI rất cần cho khai khoáng ở Việt Nam...
EITI là một trong những tiêu chuẩn quốc tế về quản trị tài ngyên thiên nhiên. Hiện nay, thế giới có 49 quốc gia đang áp dụng EITI, gồm các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Na Uy. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, EITI đã hỗ trợ nâng cao hiệu quả thu ngân sách và thúc đẩy cải cách chính sách lĩnh vực khoáng sản.
Theo TS Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, để quản trị tốt ngành công nghiệp khai khoáng, Việt Nam cần sớm xem xét thực thi EITI vì nhiều lý do. Thứ nhất, Việt Nam không phải là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào. Theo tính toán, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam sẽ cạn kiệt trong tương lai gần. Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên là rất cấp bách.
Thứ hai, để có thể nâng cao hiệu quả sử dụng, Việt Nam cần tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh và ổn định để thu hút những dự án khai thác có công nghệ tốt và hiệu quả cao.
Thứ ba, thu ngân sách nhà nước hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thất thu ngân sách từ lĩnh vực khai thác khoáng sản được đánh giá là rất lớn. EITI sẽ tạo cơ chế tổng hợp, đối chiếu dữ liệu, qua đó sẽ góp phần hạn chế thất thu ngân sách trong khai thác khoáng sản.
"Kinh nghiệm của Nigieria cho thấy, quốc gia này đã tránh thất thu 1 tỷ USD tiền ngân sách hàng năm trong lĩnh vực khai khoáng nhờ thực thi EITI", ông Thụ dẫn chứng.
Đặc biêt, theo TS Thụ Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Một số hiệp định thương mại như Hiệp định TPP có quyền khởi kiện khi các hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng bởi các quyết định thiếu minh bạch từ cơ quan quản lý. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện mức độ cạnh tranh và tính minh bạch trong quá trình cấp phép để tránh các rủi ro pháp lý quốc tế.
...nhưng Việt Nam lại thờ ơ với EITI
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quá trình xem xét thực thi EITI của Việt Nam có thể coi là rất chậm so với các quốc gia khác trên thế giới.
Trong khu vực ASEAN, Đông Timor tuyên bố EITI từ 2007, Indonesia tuyên bố tham gia vào năm 2008, Philippines và Myanmar tuyên bố tham gia vào năm 2012.
Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận EITI từ năm 2005 và Bộ Công Thương được chỉ định là cơ quan đầu mối xem xét khả năng thực thi sáng kiến này. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, Việt Nam vẫn chưa có tuyên bố rõ ràng về việc tham gia EITI.
"Bộ Công Thương chưa thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy EITI, trong khi các bên liên quan khác như Quốc hội, Bộ TNMT và VCCI lại ủng hộ việc thực thi sáng kiến này", ông Tuấn nhận định.
Cụ thể, tại Đối thoại doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường vào tháng 6/2014, Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã lên tiếng ủng hộ việc thực thi EITI.
Cùng với đó, tại Hội thảo về nâng cao hiệu quả quản lý thu trong khai thác khoáng sản vào tháng 10/2014, Chủ tich VCCI Vũ Tiến Lộc cũng thể hiện quan điểm ủng hộ thực thi EITI. Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội cũng đã lên tiếng ủng hộ sáng kiến này. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã được tiếp cận EITI như Bimico Bình Định cũng cho rằng việc thực thi EITI sẽ giúp ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, hiện nay, Bộ Công Thương có nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và là cơ quan chủ quản của nhiều doanh nghiệp nhà nước như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam...
“Vì vậy, khi hành xử Bộ Công Thương không chỉ cân nhắc lợi ích dưới góc độ quản lý nhà nước mà còn có thể cân nhắc dưới góc độ một nhà đầu tư, “ông chủ” của những tập đoàn lớn. Do đó, lợi ích của các bộ, ngành khi tham gia EITI cũng khác nhau", ông Tuấn nhận định.
Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, để thúc đẩy việc thực thi, EITI nên được giao cho một cơ quan độc lập hơn nghiên cứu xem xét. Hoặc quá trình xem xét thực thi EITI của Bộ Công Thương cần được mở rộng hơn cho sự tham gia của các bên liên qua khác để đảm bảo tính độc lập trong việc đưa ra quyết định.
Sau hơn 10 năm, Bộ Công Thương vẫn nêu quan điểm cần tiếp tục nghiên cứu xem xét năng lực thực thi EITI của Việt Nam. Trong khi đó, nhiều bộ ngành đều đánh giá tính đáp ứng chính sách và năng lực hoàn toàn không phải là rào cản lớn trong việc thực thi EITI ở Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc giao Bộ Công Thương – cơ quan chủ quản của nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như PVN, TKV… chủ trì đang khiến quá trình tham gia bị trì hoãn vô thời hạn.
Bảo Quyên