CPTPP có thể là nơi 'hòa giải' giữa Mỹ và Trung Quốc

Thứ bảy, 06/11/2021 06:42 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Trung Quốc từng khiến các nước và quốc tế bàn luận sôi nổi và nghi ngờ. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội để Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau, đem đến sự ổn định cho khu vực và trên thế giới.

Mong muốn của Trung Quốc

Trung Quốc rõ ràng rất nghiêm túc về việc tham gia CPTPP. Đây là kết quả từ một chính sách lâu dài. Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham vấn với Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – tiền thân của CPTPP.

cptpp co the la noi hoa giai giua my va trung quoc hinh 1

Sự hợp tác trong hòa bình giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ đem lại sự ổn định cho khu vực và trên thế giới - Ảnh: AP

Mặc dù một số nhà phê bình nước này cảnh báo TPP có thể là cái bẫy mà Trung Quốc nên tránh, song Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó vẫn có những phát biểu ngụ ý rằng Trung Quốc vẫn tích cực xem xét việc gia nhập TPP.

Ban đầu, Mỹ đã không đáp lại sự nhiệt tình của Trung Quốc một cách đúng mức. TPP là một trọng tâm trong chiến lược địa chính trị của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Bởi vậy, việc Mỹ có thái độ lo ngại trước việc Trung Quốc muốn tham gia vào tổ chức này là điều đương nhiên.

Một báo cáo từng được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tại một hội nghị của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy Mỹ từng duy trì quan điểm rằng: Trung Quốc sẽ chỉ được coi là một trong những ứng cử viên cuối cùng của TPP, khi mà Đường lối Châu Á nói chung, bao gồm Trung Quốc, hòa được cùng vào Đường lối TPP.

Mặc dù vậy, Trung Quốc chưa bao giờ ngừng tìm kiếm các Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) song phương hoặc đa phương với các nước khác. Chiến lược kinh tế năm 2014 của Chủ tịch Tập Cận Bình có đoạn rằng: “Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc kêu gọi tăng tốc thực hiện Chiến lược Khu vực Thương mại Tự do”.

Việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP là một dấu mốc mới trong chính sách FTA của nước này. Đây không phải là một bất ngờ, mà là kết quả của việc ông Tập đã quyết định tích cực xem xét việc tham gia TPP trước đây và sau này là CPTPP.

cptpp co the la noi hoa giai giua my va trung quoc hinh 2

Trung Quốc và Mỹ đều muốn gia nhập CPTPP - Ảnh: DW

Cơ hội và thách thức

Trung Quốc vẫn đang đối mặt với một số thách thức liên quan đến các điều khoản cốt lõi của CPTPP. Đầu tiên là cách Trung Quốc giải quyết điều khoản lao động của tổ chức này, vốn yêu cầu loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc.

Với tư cách là một thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế, Trung Quốc thực ra vẫn phải chấp nhận các nguyên tắc cơ bản về quyền lao động, dù nước này có ký kết các công ước quốc tế khác hay không. Chính sách lao động của Trung Quốc cũng không cho phép lao động cưỡng bức, dù rằng người ta từng nghe những câu chuyện về các lao động trẻ em ở một số nhà máy.

Vấn đề hóc búa thứ hai mà Trung Quốc phải giải quyết liên quan đến các điều khoản kỹ thuật số, cụ thể là cấm việc buộc tiết lộ mã nguồn (Điều 14.17). Yêu cầu này được chia ra hai cấp độ: cấp độ chính sách của chính phủ và cấp độ hoạt động thương mại.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã thông qua một số luật an ninh mạng về nguyên tắc phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Các quy tắc của CPTPP về mã nguồn hầu hết cũng phù hợp với các quy định thương mại trong các ngành như ngân hàng, quản lý thông tin chăm sóc sức khỏe… của Trung Quốc, sau khi nước này ban hành các quy định về mã nguồn vài năm trước. Các tổ chức ngân hàng quốc tế đã đầu tư vào Trung Quốc và hiện vẫn đang ở đó.

Ví dụ, JPMorgan vẫn hoạt động và đã được chấp thuận vào năm 2021 để sở hữu hoàn toàn các dự án chứng khoán của mình tại Trung Quốc. Trung Quốc phải chú ý đến các khiếu nại của các nhà đầu tư nước ngoài, vì việc buộc tiết lộ mã nguồn không chỉ dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ mà còn là một trở ngại cho việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với Trung Quốc là Mỹ. Nước này đang tiếp tục tận dụng ảnh hưởng địa chính trị của mình để đàm phán gia nhập trở lại CPTPP mà họ từng rút lui vào 2016 dưới thời cựu tổng thống Donald Trump.

Nếu Mỹ tái gia nhập, 11 thành viên hiện tại của CPTPP có thể gặp khó khăn trong việc phản đối việc Mỹ sửa đổi các điều khoản của CPTPP, song có lẽ họ vẫn sẽ hoan nghênh sự quay trở lại của Mỹ.

Nhiều quốc gia lớn trong tổ chức này là đồng minh thân cận với Mỹ, như Úc, Canada và Nhật Bản. Trong khi đó, các thành viên còn lại gồm Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam cũng đang có mối quan hệ tốt với Mỹ.

Rủi ro chỉ là Mỹ có thể đánh giá sai Trung Quốc về việc nước này muốn gia nhập CPTPP là nhằm giành quyền bá chủ ở châu Á -Thái Bình Dương, bất chấp việc Tập Cận Bình từng tuyên bố Trung Quốc không tìm kiếm quyền bá chủ.

Trung Quốc muốn mối quan hệ với Mỹ trở lại bình thường, nhưng việc hòa giải sẽ không đơn giản. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden có thể tận dụng cuộc họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại New Zealand vào tháng 11 này để bày tỏ sự ủng hộ việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc và nhấn mạnh sự quan tâm của Mỹ với tổ chức này.

Nếu vậy, CPTPP có thể sẽ trở thành nơi để Mỹ và Trung Quốc bắt tay lại với nhau, giúp sự cạnh tranh và hợp tác giữa 2 cường quốc này có thể diễn ra trong hòa bình trong tương lai. Nếu không, tình hình khu vực vẫn sẽ còn rất phức tạp.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế