Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

CPTPP hiện thực ước mơ “hóa rồng” của nền kinh tế Việt Nam

Thứ tư, 30/01/2019 08:19 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Làm sao để hiện thực hóa thành công các cơ hội từ CPTPP, qua đó nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp? Phóng viên báo Nhà báo và Công luận đã có cuộc trò chuyện cùng với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về vấn đề này.

+ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội thông qua được coi là mốc quan trọng trong việc hội nhập. Ở đó, những cam kết thế hệ mới sẽ “thúc” Việt Nam đẩy nhanh hơn quá trình thay đổi chính mình trong việc tìm động lực tăng trưởng mới. CPTPP cũng mở ra một thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nơi có sân chơi công bằng hơn với các nước lớn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa, tận dụng cơ hội để phát triển lại là câu chuyện khác. Về vấn đề này, Việt Nam đã sẵn sàng chưa, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP với tỷ lệ phiếu rất cao, có thể nói là tuyệt đối, đã thể hiện quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm tranh thủ thời cơ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam, đánh dấu việc chúng ta đã trưởng thành trong quá trình hội nhập mang tính chủ động, xuyên suốt và hội nhập sâu rộng với thế giới. Và rất sớm thôi ngay từ đầu năm 2019 Hiệp định CPTPP sẽ chính thức đi vào hiệu lực. Khi có hiệu lực thì chúng ta cần điều gì? Ngay trong chương trình hành động của Chính phủ tại tờ trình Chủ tịch nước đã báo cáo trước Quốc hội cho thấy, điểm nhấn được xác định là vai trò và nội dung quan trọng nhất để chúng ta triển khai từ nay đến khi Hiệp định có hiệu lực bao gồm 3 nội dung là: Công tác sửa đổi luật pháp; công tác liên quan đến thông tin và truyền thông; chương trình hành động của Chính phủ liên quan đến từng ngành, loại hình kinh tế, tổ chức hệ thống chính trị….

Ngân hàng Thế giới dự báo CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới dự báo CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam.

+ Trong 3 nội dung ông vừa đề cập thì đâu là nội dung quan trọng nhất, các nội dung đó đề cập đến những vấn đề gì thưa ông?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đầu tiên chúng ta phải nhắc đến nội dung liên quan đến chương trình sửa đổi luật pháp, trong đó, với việc sửa đổi và bổ sung các  Bộ luật và hàng loạt Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta hoàn toàn tự tin vào việc triển khai mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế khi CPTPP có hiệu lực một cách hiệu quả nhất. Tôi phải nhắc lại rằng, đây là nội dung vô cùng quan trọng mà chúng ta phải thực hiện khi CPTPP chính thức có hiệu lực, bởi nó sẽ là những nội dung đòi hỏi chúng ta phải có những cải cách mạnh mẽ trong toàn bộ các lĩnh vực. Bởi lẽ, công tác sửa đổi pháp luật không chỉ liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước, quản lý của các ngành đối với xã hội, mà còn liên quan đến cả đến các thể chế, qua đó, chúng ta sẽ có những bước đi hướng đến sự bền vững trong tương lai.

Nội dung quan trọng thứ hai mà tôi đã nhắc đến đó chính là Chương trình công tác liên quan đến vấn đề thông tin tuyên truyền, đây cũng là nội dung rất quan trọng bởi nó đảm bảo sự chia sẻ, hiểu biết, cũng như là quán triệt của tất cả các chủ thể trong hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta. Trong đó, bao gồm từ các tổ chức chính trị, các cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cũng như người dân… bảo đảm phát huy và khai thác được các điểm mạnh, những lợi thế về kinh nghiệm trước đây, cũng như khắc phục được những tồn tại trong giai đoạn sắp tới đây.

Và nội dung cuối cùng đó chính là Chương trình hành động của Chính phủ, chương trình này bao gồm những nội dung quan trọng liên quan đến tình hình của từng ngành, từng loại hình kinh tế, từng bộ ngành quản lý nhà nước… Thậm chí, là cả những tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Vì vậy, tôi cho rằng chương trình hành động này sẽ có tính tổng thể và toàn diện tác động chung đến nền kinh tế của Việt Nam. Nhưng chúng ta nên nhìn nhận ở đây theo hướng những cải cách của chúng ta đã và đang tiếp tục được triển khai, thì bây giờ nó sẽ được tiếp thêm nguồn lực từ những yêu cầu của CPTPP.

Như vậy, quá trình cải cách này bao gồm cả những cải cách hết sức quan trọng sẽ liên quan đến rất nhiều khía cạnh, trong đó nó sẽ mang lại sức bật mới, trở thành động lực mới cho những phát triển của chúng ta cả về kinh tế - xã hội và các nền tảng khác của đất nước trong giai đoạn phát triển tới đây. Vì vậy việc tổ chức xây dựng chương trình hành động tổng thể cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân có ý nghĩa then chốt để các chủ thể có điều kiện triển khai hành động, khai thác các thời cơ, vượt qua thách thức.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

+ Phát biểu tại hội thảo “Vietnam Business Outlook 2019”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nói: “Đối với các hiệp định thương mại, ký kết thì tốt nhưng hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, còn chuyện chớp được cơ hội hay không là tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta ký với ASEAN xong thì thâm hụt thương mại toàn diện với ASEAN, chúng ta cứ ký với ai/khu vực nào xong thì lại thâm hụt thương mại với nước và khu vực đấy! Nguyên do là bởi năng lực của chúng ta không được chuẩn bị một cách đầy đủ, giống kiểu bị trói chân tay rồi thả xuống bể bắt bơi thì sao mà bơi được... Ký kết các hiệp định không khó, thực hiện nó có hiệu quả mới khó!”. Vậy thì, giá trị cốt lõi mà CPTPP mang lại cho Việt Nam sau khi có hiệu lực là gì, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng có một số giá trị có thể nhìn nhận được một cách rất dễ dàng và chúng ta cũng có thể kiểm chứng được. Đầu tiên chúng ta có thể nói rằng quá trình thực thi hội nhập trong những năm vừa qua, bao gồm từ những việc gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), việc ký kết các hiệp định FTA với các trong khối Asean, hay các Hiệp định thương mại song phương với Hàn Quốc, Chile, hay với các nước thuộc khu vực châu Âu… thì tất cả quá trình triển khai cho thấy, một giá trị lớn nhất là khi chúng ta dám chấp nhận bước ra nền kinh tế thị trường toàn cầu, chúng ta sẽ có được rất nhiều cơ hội. Trong đó, sẽ có những thách thức mà chúng ta phải đối mặt, nhưng cũng sẽ có không ít cơ những cơ hội thuận lợi dành cho chúng ta.

Có thể nói, chính sự cọ sát và chấp nhận điều kiện cạnh tranh của nền kinh tế hội nhập trên cơ sở của những điều kiện, cơ chế ưu đãi và chấp nhận cả những thách thức đã tạo nên sự trưởng thành, sự phát triển cho các ngành kinh tế của chúng ta. Ví dụ: trước khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới cũng như bắt đầu thực hiện hội nhập với các quốc gia... chắc chúng ta không bao giờ nghĩ đến sự tăng trưởng của một số ngành kinh tế trong nước lên mức độ thường xuyên ở 2 con số. Đồng thời, đưa kim ngạch xuất khẩu của chúng ta đến hiện nay lần đầu tiên đạt con số 230 tỷ USD và đó là điều hoàn toàn chúng ta không thể mường tượng ra được năng lực sản xuất và xuất khẩu của chúng ta có thể mở rộng và phát triển một cách nhanh chóng như vậy. Đó là chưa kể đến chiều sâu của họ, những giá trị gia tăng của nó, từng bước xây dựng thương hiệu cũng như những giá trị gia tăng nội địa của chúng ta.

Với CPTPP cũng vậy, khi chính thức có hiệu lực cùng với những thuận lợi thì chúng ta cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đối với một số lĩnh vực như: Dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics, lao động, việc làm… Tuy nhiên, điều cốt lõi mà CPTPP mang lại cho chúng ta đó chính là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, người lao động có thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường. Và khi CPTPP có hiệu lực, sẽ là một trong những cơ hội giúp thúc đẩy GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035...

Để làm được điều đó, bộ máy Nhà nước của chúng ta phải từng bước được hoàn thiện theo hướng Nhà nước pháp quyền và Chính phủ kiến tạo, xây dựng trên nền tảng nền kinh tế thị trường. Có thể nói, hiện Chính phủ vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới, nhưng chúng ta đã thực sự điều hành nền kinh tế trên nền tảng và nguyên tắc của nền kinh tế thị trường. Khi gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới, hàng loạt các thị trường của chúng ta về cơ bản đã được kết nối với thị trường thế giới và tạo ra một sự liên thông, yếu tố thị trường và đó là điều quan trọng để tạo nên nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế thị trường của thế giới.

+ Nhiều người tin tưởng rằng CPTPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một cách rõ nét hơn, nhanh hơn hiện tại. Nói cách khác, hiệp định tạo cơ sở Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu 2035, đó là “khát vọng Việt Nam 2035”, về một Việt Nam thịnh vượng, người dân có thu nhập ở mức trung bình cao của thế giới. Tiềm lực và vị thế của quốc gia được nâng cao, nền kinh tế hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta sẽ phải làm gì để đảm bảo nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp, để chớp cơ hội từ CPTP, hiện thực hoa giấc mơ thịnh vượng, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để đảm bảo nâng cao năng lực của chính quyền và doanh nghiệp khi CPTPP có hiệu lực thì như tôi đã trình bày ở trên, chúng ta phải đảm bảo thực hiện được 3 nội dung quan trọng là: Công tác sửa đổi luật pháp; công tác liên quan đến thông tin và truyền thông; chương trình hành động của Chính phủ. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tâm lý chờ cơ chế hỗ trợ, thay vào đó là sự chủ động tiếp cận các cơ hội mà CPTPP mang lại. Vì vậy tôi cho rằng, tham gia vào CPTPP không chỉ mang ý nghĩa thiết thực đối với chúng ta về vấn đề đầu tư, thương mại và kinh tế, mà còn có ý nghĩa về xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng.

+ Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Đắc Nguyên (Thực hiện)

Tin khác

ROX Group: Khi sức sống thương hiệu đến từ nền tảng văn hóa

ROX Group: Khi sức sống thương hiệu đến từ nền tảng văn hóa

(NB&CL) Lịch sử gần ba thập kỷ phát triển đã giúp ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) trang bị cho thương hiệu bản sắc văn hóa và sức bật nội tại. Ban lãnh đạo Tập đoàn vững tin rằng nền tảng văn hóa mang lại sức sống và sinh khí mới cho thương hiệu ROX.

Thị trường - Doanh nghiệp
Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

(CLO) Ngày 26/4/2024, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã họp thường niên, thông qua kết quả năm 2023 và kế hoạch năm 2024 với mục tiêu “Tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số” cùng với kỳ vọng tái cơ cấu thành công trước thời hạn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

(CLO) Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên bằng hình thức trực tuyến. Năm 2024, Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%.

Thị trường - Doanh nghiệp
Gạo Việt Nam tiếp thục 'thăng hạng', xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

Gạo Việt Nam tiếp thục "thăng hạng", xuất khẩu 3 tháng đạt 1,43 tỷ USD

(CLO) Quý I/2024, xuất khẩu gạo của Viêt Nam tăng trưởng 2 con số ở cả về lượng, kim ngạch và giá bán, đồng thời tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm.

Thị trường - Doanh nghiệp
UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

(CLO) Việc UDIC được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024, tiếp tục khẳng định sự nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nội lực, biến thách thức thành cơ hội...

Thị trường - Doanh nghiệp