“Cú huých” trong quá trình phục hồi

Chủ nhật, 26/06/2022 10:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vẫn còn tồn tại một số bất cập, thế nhưng, nhìn chung, chương trình này đang là “cú huých” rất lớn cho quá trình phục hồi.

Hai năm đối mặt với đại dịch COVID-19, để vực dậy nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, ngay từ đầu tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong 2 năm (2022 - 2023), với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, bao gồm: Nhiệm vụ mở cửa kinh tế; nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, để rót vốn vào các dự án hạ tầng trọng điểm, nhiệm vụ an sinh xã hội; nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách thể chế và nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Tác dụng tích cực từ chương trình phục hồi

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn chia sẻ quan điểm: Trong 5 nhóm này, có một số nhiệm vụ Việt Nam thực hiện rất tốt, nhưng một số lại chưa được như kỳ vọng.

Thứ nhất, với nhiệm vụ mở cửa kinh tế, TS. Cung dành rất nhiều lời khen cho sự quyết tâm của Chính phủ. Theo ông Cung, cho tới nay, Việt Nam đã mở cửa kinh tế hoàn toàn. Ngành du lịch đã hoạt động trở lại, không còn những rào cản về quy định cách ly, hoặc khai báo y tế.

“Tuy nhiên, thời gian tới, tôi vẫn hy vọng chúng ta bỏ hết các chương trình phòng chống dịch, như 5K xuống 1K hay 2K là đủ, bỏ các yêu cầu về xét nghiệm COVID-19, mở cửa lại trường học. Tất cả điều này để mở cửa lại du lịch, đón chuyên gia và các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư”, TS. Cung nói.

Thứ hai, với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án giao thông trọng điểm, TS. Cung nhận xét, rút kinh nghiệm từ các gói hỗ trợ trước, Chính phủ đã lãnh đạo rất sát sao trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, có thể thấy rằng, số vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong 4 tháng qua đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, riêng dòng vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý đã tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

“Dù vậy, tôi mong muốn Chính phủ đẩy nhanh quá trình giải ngân hơn nữa, để đẩy nhanh quá trình phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm như đường Vành đai 2, Vành đai 3 tại Hà Nội, đường cao tốc Biên Hòa tại Đồng Nai,... Dựa trên nền tảng hạ tầng, kinh tế mới có điểm tựa để bứt phá”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Thứ ba, với nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp tiền tệ - tài khóa. Đơn cử như giảm 2% thuế VAT, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 50% phí trước bạ đối với ô-tô lắp ráp trong nước,...

Đặc biệt, Chính phủ còn yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với một số ngành nghề có khả năng phục hồi cao.

Trên lý thuyết, các giải pháp nêu trên là điều cần thiết để các doanh nghiệp tái cơ cấu lại bộ máy sản xuất, từng bước phục hồi, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do tác động của cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine đã làm lạm phát tăng cao, điều này làm giảm đi hiệu quả của các chương trình hỗ trợ tiền tệ, tài khóa.

Với nhiệm vụ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, TS. Nguyễn Đình Cung nói: “Quá trình cải cách còn chậm!”.

“Vừa qua, tôi có đi khảo sát một số địa phương để tìm hiểu cộng đồng doanh nghiệp đã nhận được những chính sách hỗ trợ gì từ Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ họ chưa nhận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, họ cảm thấy xa vời, vì thủ tục nhận hỗ trợ chưa được tinh gọn”, TS. Cung nói.

Vì vậy, ông Cung cho rằng, muốn doanh nghiệp phục hồi nhanh, Chính phủ nên xem xét cắt bỏ một số bước trong thủ tục hành chính, vì có như vậy chính sách hỗ trợ mới đến được doanh nghiệp.

Cuối cùng, với nhiệm vụ an sinh xã hội, nguyên Viện trưởng CIEM nhận xét vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt nào trong thời gian qua, do phụ thuộc vào năng lực của Ngân hàng Chính sách xã hội.

cu huych trong qua trinh phuc hoi hinh 1

Dù vậy, các chuyên gia nhận định, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội vẫn còn tồn tại một số bất cập, thế nhưng, nhìn chung, chương trình này đang là “cú huých” rất lớn cho quá trình phục hồi kinh tế.

Minh chứng rõ nhất, chính là việc trong quý I/2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục hứng chịu đợt bùng phát COVID-19 tại Hà Nội, cũng như những ảnh hưởng gián tiếp của cuộc chiến Nga - Ukraine, thế nhưng, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý vẫn đạt 5,03%, cao hơn nhiều so với cùng thời điểm 2 năm trước đó.

Đó là chưa kể, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, riêng trong tháng 4/2022, 15.000 doanh nghiệp đã thành lập mới, cao nhất từ trước tới nay.

Chính sách tài khóa còn thấp

Trong Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, ngoài 5 nhiệm vụ chính, Chính phủ còn đưa ra gói hỗ trợ lớn chưa từng có, giá trị lên tới 350.000 tỷ đồng. Trong đó, 83% gói hỗ trợ này, tức là 291.000 tỷ đồng được sử dụng để chi cho các chính sách tài khóa. Con số này tương đương 3,2% GDP của năm 2021.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Tô Trung Thành - giảng viên trường Đại học Kinh tế - Quốc dân cho rằng: Đáng lẽ, các chương trình tài khóa, giảm thuế, giảm phí sẽ phải là chính sách hỗ trợ phục hồi quan trọng nhất. Thế nhưng, quy mô của gói hỗ trợ này còn khá thấp so với thế giới, chỉ chiếm 3% GDP, trong khi tỷ lệ này tại các nước mới nổi là 5% GDP, hay các nước phát triển là 10% GDP.

Một số nhận định cho rằng, sở dĩ, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ tài khóa ở mức 3% GDP, một phần là do ngân sách Nhà nước không còn nhiều dư địa.

Về vấn đề này, PGS.TS Tô Trung Thành nhận định, để kinh tế thực sự bứt phá, Chính phủ phải chấp nhận bội chi cao, ưu tiên cho tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách này chỉ có hiệu quả khi chi tiêu vào đầu tư công hiệu quả.

Bên cạnh đó, PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng, Chính phủ cũng nên có giải pháp khác để tăng thêm dòng thu cho ngân sách và kiểm soát dòng chi một cách hiệu quả.

Về giải pháp tăng nguồn thu, PGS.TS Tô Trung Thành kiến nghị, Chính phủ cần rà soát lại hiệu quả chính sách ưu đãi thu với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thu thuế hiệu quả, để tránh trình trạng chống chuyển giá, trốn thuế.

Đồng thời, Chính phủ cần thu hẹp chính sách ưu đãi thuế chồng chéo, không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát ngân sách, trong khi không tạo ra được động lực cho doanh nghiệp. Đặc biệt, PGS.TS Tô Trung Thành kiến nghị đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ và cơ cấu lại kỳ hạn nợ trái phiếu.

Về giải pháp chi ngân sách hợp lý, PGS.TS Tô Trung Thành cho rằng, Chính phủ phải đẩy mạnh công tác chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Kiểm soát, giảm thiểu chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả vốn giải ngân đầu tư công.

Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường quản lý tài sản công, quản lý đấu thầu và nghiên cứu sửa đổi cơ chế quản lý, phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách.

“Điều mà các doanh nghiệp mong muốn là mở rộng gói hỗ trợ tài khóa, có thể đạt 5% - 6% GDP, tức là cao gấp đôi so với gói hỗ trợ hiện tại, để hỗ trợ kinh tế hồi phục và tăng trưởng từ 2 - 3 năm tới”, PGS.TS Tô Trung Thành nói.

Định Trần

Bình Luận

Tin khác

Bắc Ninh: Khởi công dự án nhà xưởng và nhà kho xây sẵn quy mô 14 ha tại khu công nghiệp Thuận Thành III

Bắc Ninh: Khởi công dự án nhà xưởng và nhà kho xây sẵn quy mô 14 ha tại khu công nghiệp Thuận Thành III

(CLO) Công ty Cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam (KCN Việt Nam)- nhà phát triển bất động sản công nghiệp chuyên nghiệp tại Việt Nam, vừa triển khai xây dựng dự án nhà xưởng và nhà kho xây sẵn với quy mô 14 ha tại KCN Thuận Thành III- Phân khu B, tỉnh Bắc Ninh.

Kinh tế vĩ mô
Nam Định: Cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án FDI sản xuất vải lưới, đế giày có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD

Nam Định: Cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án FDI sản xuất vải lưới, đế giày có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD

(CLO) Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nam Định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy may XIELONG Việt Nam tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Kinh tế vĩ mô
Nam Định: Triển khai kế hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp mới

Nam Định: Triển khai kế hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp mới

(CLO) 3 khu công nghiệp (KCN) gồm: Hải Long, Nam Hồng và Minh Châu nằm trong số 6 KCN mới được UBND tỉnh Nam Định đồng ý chủ trương cho lập quy hoạch và nằm trong số 10 KCN phát triển thêm theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kinh tế vĩ mô
Tỉnh Bắc Ninh và Nam Ninh (Trung Quốc) ký kết tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại và kết nối

Tỉnh Bắc Ninh và Nam Ninh (Trung Quốc) ký kết tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại và kết nối

(CLO) Chiều 17/4, tại tỉnh Bắc Ninh, đại diện Thành phố Nam Ninh, Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường giao lưu kinh tế, thương mại với tỉnh Bắc Ninh.

Kinh tế vĩ mô
Đề xuất cấp khí LNG cho các doanh nghiệp và Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình

Đề xuất cấp khí LNG cho các doanh nghiệp và Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình

(CLO) Đây là một trong những nội dung được lãnh đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) báo cáo đề xuất việc nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án cung cấp khí LNG với tỉnh Thái Bình.

Kinh tế vĩ mô