(CLO) Bằng 3 văn bản nội dung có phần sơ sài, thời gian mù mờ, nhiều kẽ hở do Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa phê duyệt, Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng có trụ sở ở xã Đông Ninh (Khoái Châu, Hưng Yên) đã "vô tư" hút cát kiếm lời dưới chiêu bài nạo vét, xây dựng cảng thủy nội địa.
...Doang nghiệp "vô tư" hút cát
Theo phản ánh của người dân, từ cuối năm 2015, Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng, trụ sở thôn Duyên Linh, xã Đông Ninh (Khoái Châu, Hưng Yên), bằng "chiêu bài " xin đầu tư bến thủy nội địa, đã cho đào nền bến xuống thành hố sâu, dùng máy bơm bơm cát dưới sông lên chứa rồi xúc lên bán.
[caption id="attachment_135492" align="aligncenter" width="440"]
Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng "núp bóng" XD cảng nội địa để hút cát trái phép[/caption]
Ghi nhận tại bến bãi của Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng, mỗi ngày, máy móc hoạt động hết công suất, hàng trăm khối cát từ lòng sông Hồng được hút trực tiếp và đổ lên bãi chứa.
Theo tìm hiểu, Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng được UBND tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án “Bến bốc xếp và kinh doanh vật liệu xây dựng Sáu Hằng” ngày 28/5/2015 với diện tích 3.298m2 bờ tả sông Hồng thuộc địa bàn xã Đông Ninh.
Sau đó, ngày 29/10/2015, tiếp tục được Sở GTVT Hưng Yên cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa. Theo giấy phép, bến Sáu Hằng có chiều dài 306,3m, chiều rộng 30m, có khả năng tiếp nhận loại phương tiện thủy có mớn nước đầy tải đến 2m ra vào.
Tuy nhiên, ngày 5/9/2016, Cảng vụ đường thủy Hưng Yên đã phát hiện chủ doanh nghiệp Sáu Hằng đang tiến hành “thi công trong vùng nước không theo phương án đã được chấp thuận (thi công nạo vét trong mùa mưa lũ)”.Đồng thời, tiến hành xử phạt doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng số tiền 7,5 triệu đồng.
Đại diện doanh nghiệp, ông Trần Văn Sáu, chủ Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng, xã Đông Ninh (Khoái Châu, Hưng Yên) thừa nhận việc làm này là sai và mong bỏ qua vì trong quy mô, phạm vi nhỏ lẻ, chứ chưa phải chính thức nạo vét, cải tạo luồng lạch.
Vì có "bùa" của Cục Đường thủy nội địa...?
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, Cục Đường thủy nội địa (CĐTNĐ), đã ra liên tiếp 3 văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa cho Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng, thống nhất chủ trương cho phép doanh nghiệp này cải tạo vùng nước. Đáng nói, cả 3 văn bản liên tiếp ra đời cách nhau vài tháng ngắn ngủi đều được ký bởi Phó Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Hoàng Minh Toàn.
[caption id="attachment_135491" align="aligncenter" width="500"]
Hàng nghìn m3 cát biến mất giữa lòng sông Hồng[/caption]
Cụ thể, từ đơn đề nghị Doanh nghiệp Sáu Hằng xin được chấp thuận phương án thi công cải tạo vùng nước tại cảng Đông Ninh, ngày 18/1/2016, CĐTNĐ đã có Công văn số 108 chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa cho doanh nghiệp này.
Đến ngày 1/2/2016, nghĩa là chỉ cách hơn 10 ngày ra Công văn số 108, CĐTNĐ lại tiếp tục có Công văn số 215 cho ý kiến về việc cải tạo vùng nước phục vụ thi công xây dựng cảng nội địa Đông Ninh. Theo đó, CĐTNĐ chấp thuận cho Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng được thực hiện cải tạo trong phạm vi chiều dài dọc sông là 306,3 m; chiều rộng là 30 m tính từ mép ngoài cầu cảng dự kiến xây dựng trở ra sông…
Ba tháng sau đó, ngày 5/7/2016, CĐTNĐ lại tiếp tục có Công văn số 1413 chấp thuận lại chủ trương xây dựng cảng thủy nội địa của Doanh nghiệptư nhân Sáu Hằng. Lần này, chiều rộng được nâng lên thành 60 m tính từ mép ngoài cầu cảng dự kiến xây dựng trở ra sông.
Đáng nói, để có thể hút cát bán một cách công khai mà không sợ các cơ quan chức năng xử lý đó là bởi trong 3 văn bản chấp thuận, CĐTNĐ đã đồng ý cho Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng thực hiện việc cải tạo trong vòng 60 ngày, nhưng lại không ghi rõ thời gian bắt đầu và kết thúc, cũng như phương án cải tạo bến bãi như thế nào.
Đặc biệt hơn, theo quy định, trước bất cứ quyết định cấp phép nào cũng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng trong hồ sơ cấp phép cho Doanh nghiệp tư nhân Sáu Hằng lại không có đánh giá tác động môi trường, không có thiết kế, không tính toán được kế hoạch nạo vét. Nhưng ở đây, không hiểu vì sao ông Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ - Hoàng Minh Toàn vẫn ngang nhiên cấp phép và cấp tới 3 lần.
Hơn thế, mặc dù chưa có thiết kế nhưng lại biết khối lượng nạo vét và chấp nhận cho DN nạo vét thực hiện dự án mặc dù khối lượng nạo vét lớn, tác động lớn đến môi trường.
Việc làm này, vô hình chung tạo điều kiện cho DN lách luật, khai thác cát lậu trái với chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống cát tặc.
Có lẽ, vì thế nên mỗi ngày, hàng trăm khối cát từ lòng sông Hồng được hút trực tiếp và đổ lên bãi chứa của đơn vị này thu lời số tiền không nhỏ. Những vi phạm này đang diễn ra gần như công khai, nhưng chưa được xử lý quyết liệt và triệt để.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội thi hành lệnh bắt bà Phạm Thị Nguyệt Nga (46 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Tùng về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên” theo điều 172 Bộ luật Hình sự. Bà Nga bị cáo buộc “đã lợi dụng danh nghĩa công ty được Nhà nước cấp phép thực hiện các dự án nạo vét, khai thác cát trái phép trên sông Hồng với số lượng đặc biệt lớn để kiếm lời”. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, lợi dụng việc được cấp phép nạo vét, từ tháng 1 đến tháng 4/2015, doanh nghiệp của bà Nga đã khai thác cát không đúng vị trí trong giấy phép với tổng khối lượng hơn 835.000 m3, đã bán hơn 450.000 m3 trong số đó. Hội đồng định giá tư pháp xác định thiệt hại cho Nhà nước do việc khai thác cát trái phép này là trên 8,3 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan cảnh sát điều tra xác định hành vi khai thác cát trái phép còn gây thiệt hại phi vật chất như sạt lở bờ bãi, đê điều, ảnh hưởng đến dòng chảy, việc đi lại của người dân, gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và bức xúc trong dư luận.
Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên
Nhóm PV