Theo nhật báo Anh Guardian, chiến dịch do tờ Boston Globe khởi xướng. Các nhân viên của báo đã tiếp cận với các tòa soạn trên khắp nước Mỹ, đề nghị họ cùng đăng tải xã luận lên án sự thù địch của Tổng thống đối với giới truyền thông. “Cuộc chiến bẩn thỉu nhằm vào báo chí tự do phải chấm dứt - This dirty war on the free press must end” - có thể coi là slogan của chiến dịch.
“Các cơ quan báo chí, bất chấp mang trên mình quan điểm chính trị gì, đều có thể đưa ra tuyên bố mạnh mẽ bằng việc sát cánh cùng nhau trong cuộc chiến bảo vệ nghề nghiệp của họ và vai trò thiết yếu mà báo chí nắm giữ trong chính quyền và đối với người dân” - tờ Boston Globe đề nghị.
Theo tiết lộ của Marjorie Pritchard, Phó Thư ký phụ trách trang xã luận của tờ Boston Globe, tính đến ngày 11/8, đã có hơn 100 tờ báo đã đăng ký tham dự chiến dịch. Trong số này có những nhật báo phát hành tại các thành phố lớn như Houston Chronicle, Miami Herald, Denver Post... Để cụ thể hóa chiến dịch, mỗi tờ báo sẽ xuất bản bài viết riêng của họ vào ngày 16/8.
“Chúng tôi đề xuất xuất bản một bài xã luận vào ngày 16/8 về những mối nguy hiểm gây ra từ những cuộc tấn công mang tính xúc phạm báo chí của chính quyền đối với báo chí. Cũng vào ngày 16/8 chúng tôi cũng đề nghị các tờ báo khác cam kết sẽ đăng tải bài viết của riêng họ. Ý tứ, câu chữ trong mỗi bài báo của mỗi tờ báo có thể sẽ khác nhau nhưng ít nhất chúng tôi sẽ đạt được một mục tiêu chung là cảnh báo hiện tượng chính quyền công kích báo chí là rất đáng báo động” - Đại diện tờ Boston Globe - “đơn vị điều hành chiến dịch” chia sẻ.
“Không thể chấp nhận được việc ngài Tổng thống thường xuyên công kích các tờ báo, phóng viên mà ông ta không ưa, thậm chí còn gọi họ là những kẻ đưa tin giả. Chúng tôi không phải là kẻ thù của nhân dân” - Marjorie Pritchard bức xúc. Điều đáng quan tâm là Chiến dịch này cũng được Hiệp hội Biên tập Tin tức Mỹ (American Society of News Editors) ủng hộ.
Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump vẫn chưa có cuộc phỏng vấn nào với CNN.
“Cuộc chiến” giữa đương kim Tổng thống Mỹ và giới truyền thông nước này đã bùng nổ từ lâu và ngày càng có chiều hướng căng thẳng hơn, khốc liệt hơn. Mới đây nhất, hồi cuối tháng 7/2018, Arthur Gregg Sulzberger - chủ biên tờ New York Times - nhật báo uy tín hàng đầu nước Mỹ - đã chia sẻ về nội dung “cuộc họp kín” giữa ông và Tổng thống ngày 20/7. Theo Arthur Gregg Sulzberger, ông đã nói với ông Trump rằng sự gia tăng công kích của Tổng thống đối với báo chí là “mang tính kích động”, “nguy hiểm và gây hại cho đất nước”.
“Tôi nói với ông ấy rằng cụm từ “tin giả” là không đúng sự thật và có hại, ngoài ra tôi còn lo lắng hơn khi ông ấy gắn mác cho nhà báo là “kẻ thù của người dân”. Tôi cảnh báo những ngôn từ mang tính kích động này sẽ khiến nhà báo đối mặt với nhiều nguy cơ và có thể dẫn tới bạo lực”, ông Sulzberger hé lộ thêm về nội dung “cuộc họp kín” giữa họ.
Kaitlan Collins, phóng viên CNN, bị cấm tham dự sự kiện của Nhà Trắng.
Trong cuộc chiến giữa ông Trump và giới truyền thông Mỹ, cuộc đối đầu gay cấn nhất đang thuộc về
“bà đầm tóc bạc” New York Times và CNN. Ông Trump từng nhiều lần gọi New York Times là
“rất không trung thực”, “thất bại và mục nát”, cáo buộc tờ báo này sử dụng
“các nguồn giả mạo, không có thật”. Trong khi đó, New York Times bảo vệ những bài báo của phóng viên và cho biết tòa soạn vẫn đang phát triển tốt. Còn mối quan hệ giữa ông chủ Nhà Trắng và Đài CNN cũng căng thẳng và dằng dưa không kém. Từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Trump đã bắt đầu tuyên chiến với CNN. Về phần CNN, cũng từ khi ông Trump nhậm chức, trong số các cơ quan báo chí hàng đầu của Mỹ, chỉ duy nhất CNN chưa hề có cuộc phỏng vấn nào với Tổng thống.
“CNN là tin giả mạo. Tôi không trả lời câu hỏi từ CNN”, Tổng thống Trump tuyên bố tại cuộc họp báo ở Anh đầu tháng 7. Ngay sau đó, ngày 25/7, Nhà Trắng cấm cửa một phóng viên CNN tham dự sự kiện có mặt Tổng thống vì người này đã đặt các câu hỏi
“không phù hợp” về vụ băng ghi âm và cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki.
Hà Trang