Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu: Cần làm gì để tránh 'vượt khỏi tầm kiểm soát'?

Thứ ba, 28/03/2023 16:30 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu mà thế giới đang đối mặt có nguy cơ “vượt khỏi tầm kiểm soát” khi nhu cầu về nước gia tăng cùng với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Đấy là những gì Liên hợp quốc vừa cảnh báo trong Hội nghị Thượng đỉnh về Nước tại New York, Mỹ.

Lời cảnh báo khẩn thiết

Theo Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên hợp quốc được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về nước của LHQ tại New York từ ngày 22-24/3, việc sử dụng nước đã tăng khoảng 1% mỗi năm trong vòng 40 năm qua, do tăng dân số và thay đổi mô hình tiêu thụ.

cuoc khung hoang nuoc toan cau can lam gi de tranh vuot khoi tam kiem soat hinh 1

Một cậu bé lấy nước từ một lưu vực lưu vực đã được cải tạo ở bang White Nile, miền nam Sudan - Ảnh: UNICEF

Theo báo cáo, đến năm 2050, số người ở các thành phố phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi, từ 930 triệu người vào năm 2016 lên tới 2,4 tỷ người. Nhu cầu nước tại các đô thị dự kiến sẽ tăng 80% vào năm 2050.

Richard Connor, tác giả chính của báo cáo, cho biết nếu không có hành động để giải quyết vấn đề khan hiếm nước, “chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu”.

Vấn đề này cũng không phải chờ đến báo cáo của Liên hợp quốc mới nóng. Tháng trước, dưới sự dẫn dắt của CDP - tổ chức phi lợi nhuận điều hành hệ thống công bố thông tin toàn cầu về quản lý các tác động môi trường, một nhóm gồm 30 nhà đầu tư đã ký một bức thư ngỏ gửi Liên hợp quốc để bày tỏ ý kiến về cuộc khủng hoảng nước.

Bức thư kêu gọi các nguyên thủ quốc gia nâng cao nỗ lực bảo vệ nguồn nước đang cạn kiệt của thế giới và cụ thể hóa những nỗ lực ấy bằng các cam kết hành động tại hội nghị về nước của Liên hợp quốc ở New York.

Với sự suy giảm 84% đa dạng sinh học nước ngọt kể từ năm 1970, an ninh nguồn nước là một vấn đề cấp bách không kém biến đổi khí hậu nhưng đôi khi lại bị xem nhẹ hơn. Do đó, những nhà đầu tư mà CDP tập hợp lại, những người có tổng tài sản lên đến 2000 tỷ USD, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách gia tăng tham vọng và ý chí chính trị để giải quyết vấn đề an ninh nước cho thế giới.

“Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu là một rủi ro tài chính có hệ thống đối với gần như tất cả các nền kinh tế và cuộc khủng hoảng khí hậu làm gia tăng những mối đe dọa này. Các tổ chức tài chính tư nhân và chính phủ đều có trách nhiệm hành động nhanh chóng và quyết liệt”, bức thư viết.

3,6 tỷ người không có nước hợp vệ sinh

Tiếp cận nước hiện đã là một vấn đề lớn của nhân loại. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, 2 tỷ người trên thế giới hiện không có nước uống an toàn; 3,6 tỷ người không được tiếp cận với hệ thống nước hợp vệ sinh và được quản lý an toàn. Khoảng 10% dân số toàn cầu đã sống ở các quốc gia có tình trạng căng thẳng về nước cao hoặc nghiêm trọng.

Richard Connor, tác giả chính của báo cáo, cho biết, tăng trưởng đô thị, công nghiệp và nông nghiệp đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt hiện có, chỉ riêng nông nghiệp đã sử dụng tới 70% nguồn cung cấp nước của thế giới.

cuoc khung hoang nuoc toan cau can lam gi de tranh vuot khoi tam kiem soat hinh 2

Liên hợp quốc cho biết hàng trăm triệu người đang phụ thuộc vào các nguồn nước ô nhiễm. Ảnh: DW

Báo cáo cho biết tình trạng khan hiếm nước theo mùa sẽ gia tăng ở những khu vực vốn từng có nhiều nước, bao gồm Trung Phi, Đông Á và một số khu vực của Nam Mỹ. Trong khi đó, tình trạng khan hiếm sẽ trở nên tồi tệ hơn ở Trung Đông và khu vực Sahel ở Châu Phi, nơi vốn đã khan hiếm nước.

Các tác giả của báo cáo cũng nhận định, hạn hán cực đoan và kéo dài, thường xuyên và nghiêm trọng hơn do khủng hoảng khí hậu, cũng đang gây áp lực lên các hệ sinh thái, có thể gây ra “hậu quả thảm khốc” đối với các loài động thực vật.

Nhưng thiếu nước mới chỉ là một nửa của cuộc khủng hoảng. Biến đổi khí hậu đã góp thêm một nửa cực đoan nữa vào vấn nạn nước toàn cầu. Báo cáo của Liên hợp quốc cho hay, kể từ năm 2000, các thảm họa liên quan đến lũ lụt đã tăng 134% so với hai thập kỷ trước.

Hầu hết các trường hợp tử vong và thiệt hại kinh tế liên quan đến lũ lụt được ghi nhận ở châu Á. Trong khi số lượng và thời gian hạn hán cũng tăng 29% so với cùng kỳ. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến hạn hán xảy ra ở châu Phi. Năm ngoái, hơn 40.000 người, một nửa trong số đó là trẻ em, chết vì hạn hán ở Somalia, trong khi 1/3 diện tích Pakistan lại bị ngập lụt sau lũ lụt thảm khốc.

Bên cạnh đó, đã có những ý kiến cho rằng cần tính đến khả năng xảy ra “chiến tranh nước” trước cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhất là khi có tới 900 sông, hồ và hệ thống tầng nước ngầm nằm trong diện chung đụng giữa các quốc gia trên thế giới.

Ông Connor cho rằng, thế giới cần có các giải pháp mạnh mẽ, bao gồm tăng cường hợp tác quốc tế để tránh xung đột về nước. Trong đó, kiểm soát lũ lụt và ô nhiễm, chia sẻ dữ liệu, tăng khả năng tiếp cận các quỹ nước và nỗ lực giảm mức độ phát thải đang làm nóng hành tinh sẽ là những biện pháp cần được đẩy mạnh.

Trong khi đó, Audrey Azoulay, tổng giám đốc UNESCO, cơ quan văn hóa của LHQ, cũng đánh giá rằng cần nhanh chóng thiết lập các cơ chế quốc tế mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước toàn cầu "vượt khỏi tầm kiểm soát".

Cam kết liệu có thành hành động?

Tại New York, Hội nghị Toàn cầu về Nước đầu tiên trong gần nửa thế kỷ đã kết thúc với việc thành lập một đặc phái viên mới của Liên hợp quốc về nước và thúc đẩy gần 700 cam kết từ chính quyền địa phương và quốc gia, các tổ chức phi lợi nhuận và một số doanh nghiệp đối với “Chương trình Hành động vì Nước mới”.

Nhìn chung, các nhà tổ chức cho biết họ rất vui khi các chính phủ và đại diện từ các học viện, ngành công nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận đã cùng nhau thảo luận về chủ đề nước thường bị bỏ quên và cam kết dành hàng tỷ USD để cải thiện an ninh nước.

cuoc khung hoang nuoc toan cau can lam gi de tranh vuot khoi tam kiem soat hinh 3

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu tại Hội nghị Hội nghị thượng đỉnh về Nước tại New York, Mỹ. Ảnh: UN

Nhưng vấn đề là hàng trăm cam kết được tạo ra đều không có những ràng buộc nào mà chỉ mang tính tự nguyện. Dù Đại hội cũng thống nhất rằng tiến độ thực hiện các cam kết tự nguyện ấy sẽ được theo dõi tại các cuộc họp của Liên hợp quốc trong tương lai thì dường như mọi chuyện vẫn còn quá xa cái đích.

Để đưa thế giới tiến tới tiếp cận phổ cập nước sạch và vệ sinh cần nhiều hơn là những cam kết tự nguyện. Thay vào đó, thế giới cần một thỏa thuận toàn cầu chính thức, như Hiệp định khí hậu Paris 2015 hay Hiệp ước đa dạng sinh học Montreal 2022, cùng với các dữ liệu tốt hơn và cơ chế tài chính quốc tế để bảo vệ nguồn cung cấp nước.

Đó là lý do khi bế mạc hội nghị, Tổng thư ký LHQ António Guterres, kêu gọi thế giới biến các cam kết thành hành động. “Tất cả hy vọng của nhân loại về tương lai, theo một cách nào đó, phụ thuộc vào việc vạch ra một lộ trình mới để quản lý và bảo tồn nước một cách bền vững… nó cần phải là trung tâm của chương trình nghị sự chính trị”, ông Guterres nói.

Liệu lời kêu gọi của người đứng đầu Liên hợp quốc có được hưởng ứng bằng những hành động quyết liệt từ các chính phủ và có mở đường cho những thỏa thuận chính thức về an ninh nước?

Lời đáp cho câu hỏi ấy vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng trong khi các nhà quản lý còn loay hoay với những cuộc đàm phán, thì nước - thứ tài nguyên làm nên sự sống - vẫn tiếp tục trở thành nỗi thèm khát đến ảm ảnh trong cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu người dân.

Nguyễn Khánh

Bình Luận

Tin khác

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

(CLO) Con tàu container làm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore (Mỹ) không chỉ gây tắc nghẽn một cảng sầm uất mà còn nhắc nhở về sự mong manh, dễ tổn thương của dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tiêu điểm Quốc tế
Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

(CLO) Cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ đã sập vào sáng sớm ngày 26/3 do bị một tàu chở hàng container đâm vào trụ cầu, khiến 6 người rơi xuống làn nước lạnh giá bên dưới và mất tích.

Tiêu điểm Quốc tế
Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

(CLO) Trong khi tình hình Gaza, đặc biệt là thành phố Rafa, vẫn căng như dây đàn khi Israel quyết tiến vào đây để tiêu diệt các đơn vị Hamas, thì ở một thế giới khác, những người Israel và Palestine sống tại Đức đang… chung tay cứu trợ người dân Gaza.

Tiêu điểm Quốc tế
Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

(CLO) Dù sớm nhìn ra khả năng khai thác các khoáng sản quan trọng ở đáy biển sâu nhưng Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. Và vì thế, Washington đang phải tăng tốc.

Tiêu điểm Quốc tế
ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

(CLO) Chi nhánh IS ở Afghanistan - hay còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan (ISIS-K) - đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu tại Moscow hôm 22/3. Vậy nhóm khủng bố này có gì đặc biệt và vì sao chúng lại ra tay?

Tiêu điểm Quốc tế