Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc - 2015, do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức bế mạc tối 23.11 tại Nhà hát Cao Văn Lầu (TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) sau hơn nửa tháng thi diễn. Cuộc thi đã kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn còn và nói như ông Nguyễn Tất Thắng - Trưởng ban giám khảo - cuộc thi này sẽ đi vào lịch sử cải lương.
>>> Tổng kết trao giải Cuộc thi nghệ thuật SKCL chuyên nghiệp toàn quốc – 2015
[caption id="attachment_72077" align="aligncenter" width="640"]
Vở “Mai Hắc Đế” (Nhà hát Cải lương VN) hay, dàn dựng công phu, nhưng chỉ được HCB.[/caption]
Cuộc thi có nhiều cái nhất
Đây là cuộc thi được đánh giá là có nhiều đơn vị tham gia nhất và số lượng nghệ sĩ, diễn viên nhiều nhất (27 đoàn với 33 vở diễn, quy tụ trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên), thời gian thi diễn cũng lâu nhất, từ 6-23.11. Chính vì vậy, ban tổ chức (BTC) cũng trao nhiều huy chương vàng (HCV) nhất. Cụ thể, BTC đã trao 5 HCV cho 5 vở diễn: Tình sử hai Vương Triều (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), Yêu là thoát tội (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Vòng xoáy (Đoàn Cải lương Hương Tràm, tỉnh Cà Mau), Vua Thánh Triều Lê (Nhà hát Cải lương Việt Nam) và Chiến binh (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang).
Ban tổ chức cũng trao 8 huy chương bạc (HCB) kèm tiền thưởng 20 triệu đồng cho 8 vở diễn; trao 57 HCV cho 57 diễn viên (kèm theo tiền thưởng 7 triệu đồng); 80 HCB cho 80 diễn viên (tiền thưởng 5 triệu đồng). Ngoài ra, BTC cũng trao giải tác giả chuyển thể xuất sắc và giải do Hội đồng giám khảo trao tặng.
Vẫn còn những tiếc nuối
Theo dõi hết cuộc thi, người xem tiếc cho vở “Mai Hắc Đế” (kịch bản văn học: Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt; đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên, do Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện) không được giải vàng. Trước khi tham gia dự thi, vở từng đoạt giải A của Hội Sân khấu cải lương Việt Nam và lưu diễn tại một số tỉnh, thu hút khá đông người xem. Tiếc vì vở được dàn dựng khá công phu, quy tụ trên 140 diễn viên, nhân viên. Là đề tài lịch sử nhưng không cứng nhắc mà thấm đẫm tính nhân văn và tình yêu lãng mạn, có gặp gỡ, chia ly nhưng không ủy mị, sướt mướt như thường thấy ở những vở cải lương tuồng cổ trước đây.
[caption id="attachment_72077" align="aligncenter" width="640"]
Vở Cải lương Mai Hắc Đế đoạt Huy chương Bạc cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015[/caption]
Là người theo dõi suốt cuộc thi, NSƯT Khưu Minh Chiến - Trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu, Bạc Liêu - nhận xét: “Hầu hết các vở ở khu vực phía Bắc đề tài gai góc, lời thoại hay, chạm đến sự thật của đời sống. Vở “Mai Hắc Đế” hoành tráng và rất hay, quy tụ nhiều diễn viên, nghệ sĩ, đặc biệt đạo cụ, phục trang khá ấn tượng. Với kinh phí và điều kiện của các đoàn cải lương tỉnh lẻ rất khó dựng được những vở cải lương như thế”.
Đánh giá cuộc thi, ông Nguyễn Tất Thắng - nhà lý luận phê bình sân khấu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo - nhận định: Các đề tài cũng phong phú và đa dạng, trong đó các vở diễn tập trung khai thác nhiều về đề tài lịch sử (20 vở diễn). Ngoài ra, cuộc thi có sự đổi mới rất đáng mừng là đã nghiêng về yếu tố nghe và tăng cường yếu tố nhìn như ánh sáng, phục trang. Vì vậy, làm cho cải lương lung linh hơn, lộng lẫy hơn.
Ông Thắng cũng nhìn nhận một cách thẳng thắn, trên sân khấu cuộc thi, có một số kịch bản yếu, cũ kỹ. Sự lựa chọn kịch bản luôn là vấn đề nóng bỏng của tất cả các cuộc thi. Yêu cầu về sự ra đời của những kịch bản có tố chất cải lương đang là cấp bách hiện nay! Nên chăng Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức các trại sáng tác kịch bản chuyên dành cho cải lương để cung cấp cho các đoàn dàn dựng, tham dự các cuộc thi và để có vở diễn phục vụ khán giả.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số vở sa vào lối diễn tự nhiên chủ nghĩa khiến cho sân khấu bị thô tục hóa, bạo lực hóa. Và tiếc là vẫn còn những diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp mà không nhớ lời thoại, một số người khi ca còn thô và thậm chí lỡ nhịp…
Theo Lao Động