(Congluan.vn) - Trở lại và thực sự tìm hiểu về Bỉm Sơn sau một thời gian khá dài, người viết bất ngờ bởi sự đổi thay của Thị xã: Tuyến quốc lộ 1A đi qua được nâng cấp mở rộng, có dải phân cách; nhiều nhà cao tầng, siêu thị, phòng khám mọc lên khắp các tuyến phố chính; các khu đô thị mới tấp nập san lấp, xây dưng... Tất cả đã thể hiện sự đổi thay “thần tốc” của địa danh từng nổi tiếng là nơi rừng thiêng nước độc, đi dễ khó về...
Cửa ngõ phía Bắc TX Bỉm Sơn với công trình hầm xuyên núi (Ảnh Internet)
33 năm cho sự đổi thay
Bỉm Sơn nằm ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, giáp TX Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình. Thị xã được xác định là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế động lực phía Bắc xứ Thanh.
Trước đây, khi nhắc đến địa danh này, những người lớn tuổi thường ngân nga: “Ai qua Quán Cháo - Đồng Dao. Má hồng để lại, xanh xao mang về” để kể về sự khắc nghiệt của vùng đất này, đường xá chật hẹp, núi non ngăn cách, thú dữ, tệ nạn cướp đường...
Dân cư ở vùng rất thưa thớt với hai làng Cẩm La, Cổ Đam được coi là “người bản địa”. Về sau, đa phần người Bỉm Sơn là “dân ngụ cư”, từ các tỉnh phía Bắc (Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình...), người huyện khác (Nga Sơn, Hà Trung...) về đây lập nghiệp khi Thị xã thành lập. Nhiều người cho rằng có được một Bỉm Sơn giàu mạnh hôm nay là nhờ vào định hướng đúng đắn của Chính phủ, Bộ Xây dựng và tỉnh Thanh Hóa sau ngày đất nước thống nhất.
Trong nhiều tài liệu giới thiệu về sự thành lập Thị xã ghi rõ: Ngày 29/06/1977, Thị trấn Bỉm Sơn được thành lập nhằm hỗ trợ cho Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn - nhà máy sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Tiếp đó, ngày 18/12/1981, TX Bỉm Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập Thị trấn Bỉm Sơn, Thị trấn Nông trường Hà Trung và 2 xã Quang Trung, Hà Lan (thuộc huyện Trung Sơn, nay là Hà Trung) mà thành.
Nói về những ngày thành lập đó, một bác là cựu cán bộ Thị xã cho biết: Khi Thị xã được thành lập, chính phủ và Bộ Xây dựng đã đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng Thị xã; Tỉnh Thanh Hóa điều động nhiều cán bộ có trình độ về nắm các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền; Một số sĩ quan quân đội xuất ngũ về lo công tác ANTT; Hàng ngàn kỹ sư, công nhân giỏi từ các tỉnh về làm việc trong nhà máy xi măng, các công ty lắp máy, xây dựng...
Thị xã ngày nay nhà xe huyên náo, phố xá khang trang
Từ đó, Bỉm Sơn được xây dựng nền tảng vững chắc, phát triển nhanh chóng. Bác Hồng, cựu cán bộ xã Quang Trung (nay là phường Phú Sơn) nói rằng, nhiều nơi nghèo khó, hoang hóa của Bỉm Sơn khi xưa như xã Quang Trung, Bắc Sơn, Lam Sơn, Đông Sơn... đã xoay làng ra phố, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao không ngờ...
Những đòn bẩy chính
Bỉm Sơn là một mũi nhọn phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ của xứ Thanh. Thị xã từ lâu là trung tâm buồn bán, mua sắm của nhiều địa phương (huyện Hà Trung, Nga Sơn, TX Tam Điệp – Ninh Bình...) nên TM-DV rất phát triển. Thống kê năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 678 tỷ đồng (gấp 2,4 lần năm 2005). Cũng năm 2010, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Thị xã ước đạt 30 triệu USD, mức huy động vốn trên 1.796 tỉ đồng...
Nhưng “đòn bẩy” chính của Bỉm Sơn có lẽ phải là... đá vôi.
Cty CP Xi mặng Bỉm Sơn tiền thân là Nhà máy xi măng Bỉm Sơn được thành lập vào ngày 4/3/1980, là nhà máy lớn nhất nước khi đó. Ngày nay, khi “người hàng xóm” Ninh Bình cũng bao quanh là núi đá trở thành “vựa” xi măng với hàng loạt nhà máy sử dụng công nghệ và quy trình quản lý hiện đại, nhưng Bỉm Sơn vẫn là nhà máy có tiếng, công suất tới 4 triệu tấn/năm.
Nhà máy xi măng Bỉm Sơn
Cũng nhờ có nhà máy, TX Bỉm Sơn mới thu hút được cả ngàn kỹ sư, công nhân có trình độ, chuyên môn, phát triển hàng loạt ngành phụ trợ như bao bì, vận tải, xây lắp, thương mại... để phát triển kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm và tiếp tục “hút” dân.
Bên cạnh đó, Thị xã này còn có hai DN xây lắp lớn đóng trên địa bàn, gồm Cty LILAMA 5 và Cty CP Xây lắp và cơ giới 15 LICOGI 15. Đặc biệt, năm 2009, nhà máy ô tô VEAM công suất thiết kế tới 33.000 xe/năm đi vào hoạt động, thu hút nhiều lao động. Các DN lớn này đã là những đòn bẩy chính để TX Bỉm Sơn non trẻ củng cố nguồn lực và từng bước đi lên.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TX Bỉm Sơn khóa IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã đề ra những mục tiêu kinh tế rất cao: Năm 2015 tổng giá trị sản xuất đạt 15.303 tỷ đồng; Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 20,5%; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 3.160 USD...
Đặc biệt, TX Bỉm Sơn đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ trở thành đô thị loại 3. Đích đến “đô thị loại 3” này người viết đã từng nghe nhiều lần vào nửa cuối những năm 2000. Nhưng khi đó Thị xã thiếu dân, thiếu đường, nước sạch và vẫn còn đông dân tay cày tay cuốc, tức là tỉ lệ phi nông nghiệp chưa đủ...
Nay, nhiều người cho rằng đạt mục tiêu trên với TX Bỉm Sơn được xem là có thể!
"Đất học" của xứ Thanh:
Dù có lịch sử rất non trẻ, nhưng TX Bỉm Sơn lại là một trong những “đất học” của Thanh Hóa. Xứ Thanh nổi tiếng với Trường THPT Chuyên Lam Sơn (TP.Thanh Hóa), THPT Nga Sơn... nhưng khoảng 15 năm qua, trường THPT Bỉm Sơn lại có tỉ lệ học sinh đậu ĐH hàng đầu của tỉnh, có thể nói là chỉ sau Trường Chuyên Lam Sơn.
Nhiều người cho rằng, Bỉm Sơn đạt thành tích tốt về đường học vấn phần lớn là bởi những người trẻ là con, cháu của các thế hệ cán bộ, kỹ sư về từ những ngày đầu lập Thị. Họ có trình độ thuộc hàng cao không chỉ trong tỉnh mà còn so được với cả nước.
Đoàn Kiên Giang