Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: "Đối với Đà Nẵng, nghệ thuật Bài chòi là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hoá của các tầng lớp nhân dân, đồng thời là loại hình nghệ thuật độc đáo được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến".
“Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn trong việc tôn vinh những giá trị truyền thống mà chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đang cố gắng gìn giữ và phát huy. Cùng với niềm tự hào, là trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc gìn giữ, phát huy và bảo tồn nghệ thuật Bài chòi, vì từ nay không chỉ là Di sản riêng của thành phố Đà Nẵng mà đã trở thành di sản chung của nhân loại.
Thời gian tới, chính quyền thành phố Đà Nẵng cam kết sẽ đồng hành cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam để những nguồn mạch tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn người Việt, để văn hoá Việt hoà trong lòng chảy văn minh nhân loại” - ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định.
Nhân dịp này, Bộ VH,TT&DL đã trao tặng 3 Bằng khen, UBND TP. Đà Nẵng tặng 9 bằng khen và Sở Văn hóa và Thể thao tặng 16 giấy khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu có thành tích đóng góp trong việc sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi tại Đà Nẵng.
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài Chòi có hai hình thức chính: "Chơi Bài Chòi" và "Trình diễn Bài Chòi".
Chơi Bài Chòi là hình thức hô, hát kết hợp với thẻ bài có ghi tên các con bài và thường được tổ chức tại sân đình hoặc trên bãi đất trống vào dịp Tết Nguyên đán.
Để chơi Bài Chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 chòi bằng tre, nứa theo hình chữ U. Người chơi ngồi trong chòi, mua 3 thẻ bài đợi người dẫn dắt cuộc chơi là các anh/chị Hiệu rút thẻ trong ống bài nọc, hát những câu hát đố tên con bài ấy, gọi là Hô Thai.
Nếu cả 3 thẻ bài của người chơi trùng với những con bài mà anh/chị Hiệu xuớng tên thì thắng cuộc, được lĩnh thưởng và lượt chơi mới lại bắt đầu.
Trình diễn Bài Chòi được biểu diễn nơi thôn xóm (trải chiếu trong nhà hoặc ngoài vườn để biểu diễn) với cách thức đi hát rong hoặc được mời về diễn ở các tư gia nên còn được gọi là Bài Chòi chiếu hay Bài Chòi rong. Trong trình diễn Bài Chòi, một nghệ nhân có thể đảm nhận nhiều vai trong một vở diễn, nên còn gọi là Bài Chòi độc diễn.
Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá khá phổ biến trong cộng đồng làng xã ở nhiều làng quê khu vực Trung Bộ, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng.
Các câu chuyện trong Bài Chòi thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những bài học đạo đức, kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Thực hành nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.
Từ năm 2012, sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và sự thống nhất của 9 tỉnh, thành phố, tỉnh Bình Định đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Hồ sơ trình UNESCO.
Trong quá trình xây dựng Hồ sơ, các doanh nghiệp và ngân hàng (Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV) đã hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức các Hội thảo, Liên hoan Bài Chòi.
Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 07/12/2017, tại Jeju, Hàn Quốc, Hội nghị lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hằng Minh