Tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022 ngày 21/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này: “Nhiệt huyết thiếu đi tri thức là lửa thiếu đi ánh sáng. Giấc mơ Việt Nam thịnh vượng chỉ có thể được soi đường bằng ánh sáng của tri thức”.
Tri thức tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với khoa học và công nghệ, tri thức không chỉ có ý nghĩa tác động, ảnh hưởng, mà còn là nền tảng cốt lõi để khoa học, công nghệ tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn nhất quán xác định phát triển khoa học công nghệ là quốc sách. Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một đột phá chiến lược của đất nước. Trong đó, đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ chính là hạt nhân của tiến trình này.
Thế giới đang đứng trước những vận hội mới, thời cơ mới từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Quốc gia nào đủ khả năng nắm giữ, vận hành, phát triển nguồn tri thức, quốc gia đó sẽ thịnh vượng!
Lực lượng trí thức Việt Nam nói chung và trí thức khoa học và công nghệ nói riêng có đóng góp lớn, quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Họ là “một trong những lực lượng trụ cột của cách mạng và tầm nhìn Việt Nam 2045” và mỗi trí thức “hãy miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho cuộc sống từ các công trình nghiên cứu, phát minh, sáng chế của mình”. Đó là sự tin tưởng và mong mỏi mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022. Thật vinh dự, tự hào trước những đánh giá ghi nhận đó. Song, đó cũng là trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho các nhà trí thức khoa học và công nghệ...
Tri thức sẽ đặt nền móng, là nguồn sáng soi đường để đội ngũ trí thức vượt lên chính mình, làm bật dậy sức mạnh nội sinh, góp phần hiện thực hóa giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, trường tồn.
Những ngày cận kề Xuân, có nhiều câu chuyện khiến người ta thấy ước mơ, hy vọng vào những điều đẹp đẽ, tốt lành. Là câu chuyện về một Việt Nam được đánh giá là viên ngọc quý mới nhất của Đông Nam Á và sự trỗi dậy của đất nước nhỏ bé này là kết quả từ sức hấp dẫn của thị trường với các nhà đầu tư, cũng như sự hỗ trợ từ phía chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp. Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo…
Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này. Việt Nam đang ở một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Trong bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu, vị thế của Việt Nam trong khu vực, những tác động của COVID-19 và xu hướng các quỹ đầu tư phát triển mạnh đã tạo ra bối cảnh thuận lợi để Việt Nam chiếm vị trí nổi bật.
Là câu chuyện về một năm ghi dấu sự bùng nổ của các nhà khoa học Việt trên các bảng xếp hạng thế giới. Năm 2022 số nhà khoa học Việt lọt trong danh sách “100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng” là 35, tăng 6 người so với năm trước đó. Họ được lựa chọn dựa trên nhiều chỉ số, trong đó có tổng số trích dẫn nghiên cứu. Trong đó, ba nhà khoa học Việt Nam là PGS.Trần Xuân Bách, PGS.TS Lê Hoàng Sơn và TS.Phùng Văn Phúc được vinh danh “ngôi sao khoa học đang lên xuất sắc thế giới” theo đánh giá của Website Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới vào tháng 11/2022.
Là câu chuyện truyền cảm hứng sáng tạo, đổi mới từ giải thưởng VinFuture. Có lẽ, với những người sáng lập nên Quỹ VinFuture, điều lớn nhất mà họ muốn hướng đến, đó không chỉ là việc giải thưởng “là sợi dây bền chặt gắn bó các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, là nhịp cầu để các nhà nghiên cứu, phát minh trên toàn cầu hiện thực hoá những khát vọng khoa học lớn lao để phụng sự nhân loại”, mà như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, còn là mong muốn, “Từ VinFuture, các nhà khoa học thế giới đã hiểu hơn về một Việt Nam đang mạnh mẽ vươn ra quốc tế”. Trong một Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ, sẽ không chỉ trên địa hạt chính trị, kinh tế mà còn là một Việt Nam ngày một mạnh về đổi mới, sáng tạo về công nghệ.
Còn nhớ, trong buổi lễ trao giải VinFuture mùa 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Tại Việt Nam, phát triển khoa học công nghệ được xác định là quốc sách hàng đầu, là một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nhà nước đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa đường lối của Đảng, thúc đẩy huy động nguồn lực đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp, xã hội và nhân dân vào cuộc, đưa khoa học công nghệ thực sự trở thành mục tiêu, động lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước hùng cường và thịnh vượng; xác định mỗi người dân là chủ thể, là người thực hiện và thụ hưởng chính sách đổi mới sáng tạo. Đồng thời, việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn là chủ trương lớn để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Nhà văn Pháp Albert Camus đã từng viết một câu rất hay: “Mọi sáng tạo đích thực đều là món quà gửi tới tương lai”. Suối nguồn sáng tạo nằm trong mỗi con người, trong tâm trí, tài năng của mỗi cá nhân. Khi đã khai mở được dòng nước mát lành này, con người sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn trong sức thanh xuân sáng tạo.
Như có ý kiến đã chỉ ra, “Việt Nam năm 2045 là bức tranh đẹp mà tất cả chúng ta và các thế hệ tương lai có cơ hội đặt nét vẽ của mình lên đó”. Tức là khát vọng Việt Nam hùng cường không phải là một khẩu hiệu suông mà chính là mục tiêu, động lực để tất cả chúng ta cùng nhau nỗ lực, phấn đấu. Những con số, giải pháp mang tính đột phá, khơi dậy động lực sáng tạo toàn dân được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học của thành tựu đã có, nguồn lực hiện hữu, đang trở thành động lực thúc đẩy ý chí tự chủ, tự cường.
Dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức nhưng với thành quả từ bản lĩnh, trí tuệ và sự sáng tạo, cộng hưởng cùng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, mỗi người Việt Nam lại như được tiếp thêm sức mạnh, từ đó, có thêm nguồn lực và động lực để vững bước trên con đường xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Đất nước sẽ luôn tiến về phía trước, vững bước trên con đường hội nhập, để mãi mãi là niềm tự hào, niềm tin yêu mãnh liệt trong mỗi người dân Việt dù ở bất cứ đâu.
Những thế hệ người Việt Nam hôm nay có trách nhiệm làm cho Việt Nam trở nên hùng cường, biến những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực. Chúng ta không còn những vùng đất hoang để khai phá như tổ tiên, nhưng vẫn còn những bầu trời lớn, những vùng biển sâu, những lĩnh vực mới đang chờ được khám phá, những câu chuyện thành công ly kỳ.
Một chương mới cho vận hội mới của đất nước đang mở ra từ mùa xuân này...
(NB&CL) Với tổng chiều dài chính tuyến dự kiến khoảng 1.541km, tổng mức đầu tư khoảng 33 tỷ USD sở hữu quy mô chưa từng có tại Việt Nam, dự án Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam được chính các doanh nghiệp Việt thừa nhận là “cơ hội trăm năm”. Tuy nhiên, để chớp được cơ hội này, lại là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần phải rất bền gan vững chí để vượt qua.
(NB&CL) Với nhiều cố gắng luật hóa các quy định cơ bản về nhà giáo, dự án Luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 này, đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập và kiến tạo hành lang pháp lý đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nếu Luật Nhà giáo có chất lượng tốt, tính khả thi cao sẽ là động lực lớn để đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam lên tầm cao mới.
(NB&CL) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được các Đại biểu quan tâm bàn thảo trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Việc cơ quan quản lý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đem đến nhiều kỳ vọng, nhất là khi không ít quy định nhằm ngăn chặn quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng đã được đề xuất. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm tới 2 nội dung quy định về: quảng cáo trên không gian mạng; quyền cũng như nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn một số quy định chưa thể giải quyết được thực tế vi phạm phát sinh hiện nay của hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.
(NB&CL) Giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người. Kết quả tinh giản biên chế tuy đạt mục tiêu song chưa thực sự hiệu quả. Việc tinh giản biên chế còn mang tính cơ học. Các chuyên gia cho rằng, sắp xếp, tinh giản bộ máy có vai trò quan trọng trong việc giảm sự tốn kém về tiền lương và tạo ra một hệ thống trả lương hiệu quả. Tranh luận tại nghị trường, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn, nên đột phá chính từ khâu này thì mới có thể gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.
(NB&CL) Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cho dù già hóa dân số là hệ quả tất yếu của việc mức sinh ngày càng thấp, tuổi thọ ngày càng cao, tuy nhiên, nếu không có ngay những chính sách thích ứng hiệu quả mang tầm quốc gia, thì những hệ luỵ của việc già hoá dân số là không thể lường hết được. Trên Diễn đàn Kỳ họp Quốc hội thứ 8, khoá XV vừa qua, đã có ý kiến về việc từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế, xem đây là vấn đề mang tính chất chiến lược.
(NB&CL) Temu là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới của PDD Holdings (Trung Quốc), tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo chuyên hàng giá rẻ. Nền tảng này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng hàng hóa giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Temu sẽ tràn vào Việt Nam, gây ra tác động tiêu cực cho thị trường hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Cơn lốc Temu đang phơi bày rõ thế khó trập trùng của hàng Việt, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại và tìm ra hướng đi mới cho sản xuất nội địa.