Đặc sắc Tết mừng lúa mới của người Ba Na

Thứ tư, 02/02/2022 13:32 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đối với người Ba Na ở huyện K’bang, tỉnh Gia Lai, Tết mừng lúa mới là một trong những lễ hội lớn nhất, phản ánh đậm nét đời sống văn hóa của dân tộc.

Để ăn mừng vụ lúa vừa thu hoạch, người Ba Na tại Tây Nguyên thường tổ chức Tết mừng lúa mới. Đây là nghi lễ nông nghiệp được hình thành và lưu giữ như một kho tàng văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc. Tết mừng lúa mới phản ánh đậm nét đời sống văn hóa của người Ba Na, là một trong những lễ hội hoành tráng nhất của vùng dân tộc thiểu số Ba Na.

dac sac tet mung lua moi cua nguoi ba na hinh 1

Lễ mừng lúa mới là dịp để người Ba Na tạ ơn Yang Sri giúp người dân có được mùa vụ bội thu

Khi mùa gặt đã tới, lúa đã chín vàng, già làng sẽ chọn ngày cụ thể rồi thông báo với toàn bộ dân làng, thống nhất chọn ngày tổ chức lễ mừng lúa mới.

Cũng như một số dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, người Ba Na có quan niệm tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Họ tin rằng xung quanh họ có rất nhiều vị thần mà họ gọi là “Yang”. Người Ba Na có một hệ thống những truyện cổ giải thích các hiện tượng tín ngưỡng quanh mình. Những vị thần trong tín ngưỡng nông nghiệp là Yang Sri (thần lúa). Ngoài ra, mỗi cộng đồng còn có những vị thần riêng tùy thuộc vào các điều kiện tự nhiên trong vùng.

Tết mừng lúa mới của người Ba Na tiến hành ở nhà rông nếu là lễ hội chung của cả cộng đồng, còn tiến hành tại nhà đó là lễ cúng cơm mới của gia đình. Trong các lễ hội của người Ba Na được thực hiện trong đời sống cộng đồng, đây sẽ là dịp để toàn thể dân làng tạ ơn với Yang Sri đã giúp dân làng có được một vụ mùa bội thu, no đủ. Đây cũng là một lễ hội lớn có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Ba Na.

dac sac tet mung lua moi cua nguoi ba na hinh 2

Đàn ông có nhiệm vụ dựng chơ đang

Trong làng của người Ba Na có các già làng, do một già làng (Bok kra) hay do một hội đồng già làng đứng đầu. Bok kra là người có uy tín với cộng đồng, được giao trọng trách hướng dẫn dân làng, bản.

Dân tộc Ba Na là một trong những dân tộc thiểu số đông dân cư nhất tại vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Địa bàn cư trú của người Ba Na khá rộng, bao gồm nam Kon Tum, bắc Gia Lai và phía tây tỉnh Bình Định. Theo số liệu điều tra 1/4/2019, tổng số người Ba Na là 286.910 người.

Để tiến hành làm Lễ mừng lúa mới, già làng chọn ngày rồi thông báo họp làng, thống nhất ngày tổ chức làm lễ, địa điểm tổ chức tại nhà rông. Lễ vật trong Tết mừng lúa mới gồm một con heo khoảng một tạ, 2 con gà tượng trưng, trong đó một con gà sống, một con gà đã nướng sẵn và thịt heo nướng và 5 kg cốm, cơm mới, bột gạo, măng... cùng 3 ghè rượu lớn là lễ cúng của làng.

Vào ngày lễ, từ sáng sớm, trong làng đã rộn ràng, nhịp nhàng tiếng chày phụ nữ giã lúa mới thành cốm đem dâng tế Yang Sri.  Lễ vật mỗi gia đình phải chuẩn bị là một nia cốm lúa mới, một con gà nướng và một ghè rượu mang lên nhà rông của làng.

Già làng phân công nhiệm vụ cho từng người, đàn ông dựng sơ đang, phụ nữ cột ghè rượu, khiêng nước, đàn ông trung niên sắp xếp các dàn cúng (chơ đang) để chuẩn bị cho lễ mừng ăn cơm mới của làng mình.

Đến giờ tổ chức lễ, già làng nổi một hồi trống giục, đàn ông trong làng vác ghè, mang gà và cốm của gia đình lên xếp vào ngay ngắn, thứ tự trên sàn nhà rông. Già làng tiến hành nghi lễ trước, đàn ông trong làng thực hiện theo.

dac sac tet mung lua moi cua nguoi ba na hinh 3

Già làng đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho nghi lễ

Điều khác biệt của Lễ mừng lúa mới so với các lễ hội khác của người Ba Na là việc người dân cầm từng nhúm cốm tươi rắc lên đầu để cầu mong Yang Sri ban cho bà con mùa màng bội thu và một sức khỏe ổn định, không ốm đau, bệnh tật.

Khi chuẩn bị xong, già làng cúng “Ơ Yang Sri, Yang tốt đẹp, Yang trên núi Chơ lây, Yang sông Ba, hôm nay lũ làng chúng tôi tổ chức lễ mừng lúa mới đầu tiên… báo cho các Yang về đây cùng ăn cùng uống, cùng chung vui với dân làng, về ăn gan gà và lúa mới đầu tiên… phù hộ cho dân làng được sống khỏe, mùa màng tươi tốt, dân làng không bệnh tật ốm đau; phụ hộ cho dân làng năm sau lại được mùa màng tươi tốt”.

dac sac tet mung lua moi cua nguoi ba na hinh 4

Trống pơ nưng và cồng chiêng không thể thiếu trong lễ hội

Cúng xong già làng hú rồi gọi thanh niên và dân làng nổi trống, đánh chiêng lên người dân cả bản, làng cùng vào hội mừng cơm mới. Đội cồng chiêng vừa hú vừa đánh chiêng, múa xoang 2 - 3 vòng, các già làng uống rượu vừa hát dân ca, rồi vào từng nhà thăm và chúc sức khỏe… những người tham gia hành lễ cùng già làng sẽ mời các anh thanh niên ăn cốm, uống rượu…

Phần hội diễn sống động, già làng và khách dự hòa vào mình cùng đội cồng chiêng múa xoang… Các hoạt động văn nghệ dân gian diễn ra sôi nổi, in đậm bản sắc văn hoá của người Ba Na trên vùng đất Tây Nguyên.

dac sac tet mung lua moi cua nguoi ba na hinh 5

Vũ điệu xoang của các chàng trai, cô gái người Ba Na

Thích thú, quen thuộc và đẹp mắt nhất có lẽ là hình ảnh lúc những người phụ nữ giã gạo, sàng gạo. Trong lúc đó, đàn ông Ba Na sẽ cắt tiết một con gà sống, dùng máu của gà để bôi lên những đoạn cây tre ở dàn cúng. Theo đúng truyền thống, người Ba Na sẽ dùng những đoạn cây tre được bôi máu gà này để vào rừng, dẫn hồn lúa về nhà mình.

Tết mừng lúa mới là nét văn hóa lâu đời của dân tộc Ba Na và được gìn giữ, phát huy cho tới ngày hôm nay. Tết mừng lúa mới thường được tổ chức vào dịp cận kề năm mới, ngay sau khi bà con dân làng thu hoạch xong vụ lúa tương tự như nghi lễ đón chào năm mới của dân tộc Kinh. Cho dù năm đó được mùa hay mất mùa thì dân làng vẫn tổ chức cúng cảm tạ Yang Sri.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Nhã Nam tạm ngừng công tác Tổng Giám đốc sau cáo buộc 'quấy rối nhân viên nữ'

Nhã Nam tạm ngừng công tác Tổng Giám đốc sau cáo buộc 'quấy rối nhân viên nữ'

(CLO) Công ty sách Nhã Nam quyết định tạm thời ngừng vị trí công tác của Tổng Giám đốc Nguyễn Nhật Anh sau cáo buộc "quấy rối nhân viên nữ".

Đời sống văn hóa
Già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín... dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh

Già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín... dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh

(CLO) Sáng 19/4 (tức ngày 11 tháng 3 năm Giáp Thìn), tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đại diện già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc dâng hương báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đời sống văn hóa
12.000 đầu sách trưng bày tại Hội sách Hải Phòng năm 2024

12.000 đầu sách trưng bày tại Hội sách Hải Phòng năm 2024

(CLO) Hơn 20 gian hàng và khoảng 12.000 đầu sách với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng trưng bày tại Hội sách Hải Phòng năm 2024.

Đời sống văn hóa
Lễ hội đền Yên Lương là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Lễ hội đền Yên Lương là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, UBND tỉnh Nghệ An và UBND thị xã Cửa Lò tổ chức công bố di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Yên Lương.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

(CLO) Triển lãm “Kỷ niệm và Trải nghiệm: 100 Tác phẩm Nghệ thuật từ Họa sĩ Văn Chiến” sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2024 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đời sống văn hóa