Sau khi được tạm dừng xem xét thông qua ở Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật, sáng nay (25/10), Dự thảo Luật Quy hoạch một lần nữa được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Quy hoạch. Nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch và nhiều nội dung trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự thảo Luật.
Thảo luận về dự án Luật tại Hội trường, nhiều ý kiến đại biểu vẫn băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong dự án Luật Quy hoạch.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP Cần Thơ) cho rằng, ban hành Luật Quy hoạch sẽ phải đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều luật khác; đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ, thời gian tiếp cận luật quá ít. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo với các Luật khác khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
Liên quan đến nội dung này, qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bổ sung danh mục gồm 25 Bộ Luật và Luật phải sửa để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch và kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án một luật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực mà các bộ quản lý.
Về quy trình lập quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến, Điều 16, dự thảo Luật quy định, quy trình lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển, quy hoạch sử dụng đất; sau đó mới lập quy hoạch ngành quốc gia, vùng quốc gia và quy hoạch tỉnh, bảo đảm trình tự quy hoạch cao hơn lập trước, quy hoạch thấp lập sau. Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, thời gian hoàn thành toàn bộ quy hoạch từ cấp cao đến cấp thấp nhất và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành sẽ rất mất thời gian, không thể dưới 5 năm.
Đại biểu Hoàng Văn Cường dẫn chứng: Ngay ở Hà Nội, quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2011, nhưng đến nay có huyện vẫn chưa lập xong quy hoạch. “Vậy sau 5 năm, quy hoạch cấp trên đến kỳ điều chỉnh, thì quy hoạch cấp dưới sẽ dựa vào đâu?”, ông Hoàng Văn Cường băn khoăn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần điều chỉnh lại quy trình lập quy hoạch. Theo đó, tích hợp ngay trong quá trình lập quy hoạch các cấp theo quy trình “2 xuống- 1 lên”, nghĩa là dự thảo quy hoạch quốc gia, sau đó dự thảo quy hoạch ngành, dự thảo quy hoạch vùng, tỉnh; sau đó, đề xuất điều chỉnh quy hoạch vùng, ngành, rồi đến điều chỉnh quy hoạch quốc gia. Từ đó, phê duyệt quy hoạch quốc gia, ngành, vùng, tỉnh. “Nếu tiến hành đồng thời như vậy, trong khoảng 2- 3 năm sẽ có thể hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch”, đại biểu nhận định.
Về thời kỳ quy hoạch, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, trong dự thảo Luật nêu thời kì quy hoạch 10 năm là chưa hợp lý. Theo đại biểu, đã quy hoạch thì phải tính dài hơn, ngắn nhất là 10 năm chứ không nên quy định cứng như vậy. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, quy hoạch 10 năm là quá ít, quy hoạch vùng phải 20- 30 năm, quy hoạch quốc gia phải 50 năm mới hợp lý.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị công khai thông tin quy hoạch “càng nhiều càng tốt” để người dân được biết. Đại biểu Nguyễn Anh Trí dẫn chứng: Vừa rồi có đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội, sau đó có rất nhiều ý kiến trái chiều mà nguyên nhân là người dân bị thiếu thông tin về quy hoạch.
Liên quan đến thực tế quy hoạch treo, gây bức xúc trong dư luận, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) cho biết: Người dân rất sợ quy hoạch treo. Do đó, trong tổ chức thực hiện, mỗi nhóm quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, kể cả quy hoạch tỉnh nên thiết kế một hệ thống các điều kiện quản lý, kiểm tra, giám sát, nguồn lực để đảm bảo tính khả thi.
PV