(CLO) Chiều 16/9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
[caption id="attachment_121353" align="aligncenter" width="640"]
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp[/caption]
Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là dự án luật mới thay thế Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được UBTV Quốc hội ban hành ngày 12/7/2013. Sau phiên họp này, dự án Luật sẽ được tiếp thu, chỉnh lý và trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật. Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không chỉ nhằm thi hành Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thi hành Pháp lệnh hiện hành. Thực tế hiện nay, tình hình vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong khai thác khoáng sản, đánh bắt hải sản, buôn bán phế liệu khó kiểm soát, các vụ việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng; nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Về đối tượng được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; loại vũ khí quân dụng được trang bị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung đối tượng cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao được trang bị vũ khí quân dụng vì đây là cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Một số đại biểu cho rằng, về quy định nổ súng như dự thảo Luật chưa cụ thể, khó vận dụng trong thực tiễn. Do đó, Ủy ban thẩm tra đề nghị quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn; đồng thời đề nghị cân nhắc việc mở rộng tình huống nổ súng đối với đối tượng phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng… để quy định phù hợp với chính sách xử lý hình sự.
Cho ý kiến về quy định này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, điều 21 quy định: “Khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan”. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nên đưa tất cả vào luật này và đề nghị Ban soạn thảo rà soát các luật khác về việc nổ súng khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia để đưa vào điều 21 của dự án Luật, tạo sự thống nhất, chặt chẽ.
[caption id="attachment_121357" align="alignnone" width="780"]
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần có số liệu cụ thể, chi tiết về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ[/caption]
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thực tiễn xảy ra 2 xu hướng. Thứ nhất, thực tiễn có những trường hợp lẽ ra cần phải nổ súng thì người làm nhiệm vụ không sử dụng với lý do quy định trong những trường hợp được nổ súng không rõ ràng, dẫn đến rủi ro pháp lý cho họ. Xu hướng thứ hai, có những trường hợp lạm dụng việc nổ súng.
Theo bà Nga, đây là dự án Luật có tác động đến quyền sống, tính mạng, sức khỏe của con người nên việc tổng kết thực tiễn thi hành pháp lệnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ mới chỉ tổng kết công tác quản lý thời gian qua, chứ chưa có đánh giá về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như thế nào, nhất là các trường hợp được nổ súng trong thời gian qua có vấn đề gì không.
Bà Lê Thị Nga nêu ý kiến: “Có hay không có những trường hợp lạm dụng trong sử dụng công cụ hỗ trợ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân. Đặc biệt đối với lực lượng làm công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết tin báo, điều tra ban đầu thì việc sử dụng công cụ hỗ trợ thời gian qua có vấn đề gì? Những vấn đề đó hoàn toàn vắng bóng trong báo cáo tổng kết”.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo hoàn chỉnh dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan thẩm tra chính thức dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội tới đây.
Thế Vũ