Đại biểu Quốc hội “hiến kế” cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Thứ tư, 04/11/2020 17:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thảo luận tại Quốc hội liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu rõ nhiều hạn chế của “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững” và đã hiến kế để Quốc hội, Chính phủ thực hiện tốt hơn chương trình này.

Phiên thảo luận hôm nay (4/11) nằm trong chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển điều hành thảo luận.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển điều hành thảo luận.

Giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững

Phát biểu tại thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm đều qua các năm từ 9,88% cuối năm 2015 giảm còn 3,75% ở cuối năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm.

Tại các huyện nghèo cũng giảm đều qua các năm từ 50,43% cuối năm 2015 giảm còn 27,85% cuối năm 2019, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm.

“Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chấm dứt mọi hình thức người nghèo ở mọi nơi. Tỷ lệ nghèo dù tính theo chuẩn cũ hay mới trong cả giai đoạn 2011-2020 đều giảm mạnh”, đại biểu Ma Thị Thúy nói.

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang).

Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang).

Tuy nhiên, theo đại biểu Thúy cho biết, tại Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã nêu kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ nghèo tại các huyện nghèo vẫn còn trên 50%.

Nguyên nhân được đại biểu nêu ra là: Do điều kiện kinh tế - xã hội của các khu vực miền núi có xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí nói chung còn hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, các rào cản về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp, văn hóa và tâm lý của người bản địa ở từng khu vực.

“Đây là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất, đào tạo, hỗ trợ việc làm, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở vùng có điều kiện khó khăn”, đại biểu nhấn mạnh.

Tại Quốc hội, đại biểu đã góp ý một số nội dung để giúp Chính phủ, Quốc hội thực hiện tốt hơn về chương trình. Cụ thể: Một là, tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ trợ các điều kiện, hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, như giáo dục, y tế, còn lại các chính sách khác hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả.

Hai là, tiếp tục tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất chăn nuôi dài như trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò và các cơ sở hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn.

Ba là, thực hiện phân cấp mạnh việc tổ chức thực hiện cho địa phương, cơ sở theo phương thức hỗ trợ trọn gói, giao quyền cho địa phương, xin ý kiến nhân dân và tình hình thực tế để chủ động bố trí ngân sách giải quyết những nhu cầu bức xúc trên địa bàn theo mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình).

Cần quan tâm giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo

Tại thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến về sự phù hợp cần thiết của việc thiết kế đào tạo nghề trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Theo đại biểu, ở Việt Nam, các chính sách giáo dục nghề nghiệp nhắm vào người nghèo dường như chỉ tập trung vào giáo dục cơ bản hoặc đào tạo ngắn hạn, giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được công nhận rộng rãi là một công cụ thiết yếu để giảm nghèo.

“Quan điểm này phải được thay đổi. Thông thường các chương trình giải quyết tình trạng nghèo đói bao gồm tập huấn ngắn hạn thay vì các chương trình đào tạo nghề, đây là một cách tiếp cận chưa phù hợp để giảm nghèo bền vững. Đào tạo không chính thức có thể giúp giảm nghèo trong ngắn hạn”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng, đối với một nền kinh tế đang hướng tới việc giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững và chính thức hóa việc làm phi chính thức thì việc đào tạo ngắn hạn sẽ không đủ. Đặc biệt là ngày nay, với mức độ thay đổi đang diễn ra trên thị trường lao động Việt Nam, mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp có thể giúp Việt Nam phá vỡ vòng luẩn quẩn: Nghèo không đi học, không có nghề nghiệp lại càng nghèo cho người dân.

Giáo dục nghề nghiệp có thể rất hiệu quả trong việc giúp các cá nhân và hộ gia đình thoát nghèo một cách bền vững. Việc đào tạo ngắn hạn không mang lại hiệu quả thay đổi tương đối, giáo dục nghề nghiệp cũng có thể giúp quá trình chính thức hóa thị trường lao động.

Lý do được đại biểu đưa ra là vì, các cá nhân được đào tạo chính quy tương đối có nhiều khả năng tìm được việc làm chính thức hơn. ILO đã khuyến nghị các chính phủ thiết kế các chương trình giảm nghèo nên xem xét tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, mặt khác là thúc đẩy các cơ hội kinh tế cho sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Trong bối cảnh của một chương trình bao gồm 1 gói các luật hỗ trợ, khuyến khích giáo dục nghề nghiệp sẽ phát huy hết tiềm năng giảm nghèo.

“Tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giáo dục nghề nghiệp phát huy tốt nhất vai trò góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới”, đại biểu nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh).

Đề nghị sửa đổi các quy định để thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) phát biểu cho rằng, thực tế hiện nay, việc triển khai chính sách giảm nghèo chủ yếu theo 4 phương thức: Hỗ trợ trực tiếp gia đình tiền, hiện vật; hỗ trợ tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là phương thức chủ yếu hỗ trợ thông qua các chính sách khuyến khích phát triển và hỗ trợ thông qua mô hình kinh tế để nhân rộng.

Theo đại biểu, việc hỗ trợ hiện vật cho bà con hiện nay đã tạo ra sức ì, không phát huy được sự tham gia của người nghèo. Người nghèo không được bàn bạc mà phổ biến thường là xã, huyện mua gà, dắt dê phát cho từng nhà. Từ tính thụ động như vậy nên ý thức quan tâm của chính người nghèo về những hiện vật được hỗ trợ thường không cao.

“Làm chăng hay chớ và các chuyên gia cho rằng, chính chúng ta làm thay người nghèo, nhưng nhiều khi chúng ta không hiểu phong tục, tập quán, thiên nhiên, khí hậu, địa hình nên đưa ra chính sách vào triển khai không đúng, không trúng, không đạt hiệu quả hoặc là hiệu quả không cao”, đại biểu nói.

Tại Quốc hội, đại biểu Bình đề nghị Chính phủ quan tâm các nội dung gồm: Thứ nhất, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều theo Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục những bất cập trong chấm điểm, phân loại hộ nghèo.

Thứ hai, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng mở rộng các hạng mục hoạt động chi phí liên quan đến nội dung nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo; sửa đổi các quy định để thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo 3 nhóm chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Thứ tư, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, vốn đối ứng tham gia của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Thứ năm, sớm áp dụng cơ chế đặc thù là lập hồ sơ xây dựng công trình đối với dự án đầu tư nhóm C quy mô nhỏ theo mô hình đơn giản, phù hợp với khả năng thực hiện của người dân, cộng đồng hưởng lợi, đồng thời phân cấp cho Ủy ban nhân dân xã thẩm định và phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình để triển khai thực hiện.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La).

Đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La).

Xem xét việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia

Phát biểu ý kiến tại Quốc hội, đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) cho biết, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có chuyển biến tích cực đạt thấp so với mục tiêu. Đó là phải giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và giải quyết đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề cho ít nhất 8.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được hỗ trợ đất sản xuất.

“Tuy nhiên, Chính phủ chưa đánh giá cụ thể về việc thực hiện mục tiêu này cho toàn giai đoạn từ 2016 đến 2020”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cho biết, tại Trang 29 của Báo cáo 472 mới chỉ nêu nhu cầu thực tế nhưng chưa có kết quả thực hiện. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tác động đa chiều về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Do đó, theo đại biểu nên để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này trong giai đoạn tới đây. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chương trình. Với vùng còn thiếu quỹ đất thì cần tiếp cận chính sách theo hướng là nâng cao giá trị sử dụng đất, đồng thời chuyển đổi nghề cho đồng bào một cách thực chất hơn.

“Để tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo trong giai đoạn tới, tôi trân trọng kiến nghị Chính phủ cần xem xét khả năng, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đặc thù, cũng như xem xét về tính đặc thù của các vùng, miền để có phương pháp tiếp cận cách giải quyết giảm nghèo cho phù hợp”, đại biểu phát biểu.

Tại Quốc hội, đại biểu bày tỏ đồng tình với một số ý kiến của các đại biểu phát biểu ngày hôm qua cho rằng Chính phủ cần nên xem xét việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. “Việc lồng ghép sẽ giảm đầu mối quản lý, tăng tối đa chi cho đầu tư phát triển, hướng tới đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân”, đại biểu nhấn mạnh.

Quốc Trần

Tin khác

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nên nghiên cứu chính sách để đưa vào dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tin tức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

(CLO) Chiều 23/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32 sau 4,5 ngày làm việc.

Tin tức
Hà Nội thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư

Hà Nội thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư

(CLO) UBND Thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Việt Nam từ ngày 21-24/4.

Tin tức
ASEAN sẽ trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu từ 3 định hướng đột phá

ASEAN sẽ trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu từ 3 định hướng đột phá

(CLO) Tại tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.

Tin tức