Đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt về "tỷ lệ oan sai"

Thứ ba, 30/03/2021 14:32 PM - 0 Trả lời

(CLO) Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề cập đến vấn đề “chỉ tiêu trong hoạt động tư pháp” và cho rằng việc xác định tỷ lệ oan sai sẽ “rất nguy hiểm”. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng tranh luận cho rằng vấn đề đại biểu Nhưỡng nêu ra là do cách nhìn, tiếp cận chưa hợp lý.

Sáng nay (30/3), Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Mất cả xương máu thì mới có thể tìm được ra công lý

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nêu ra là vấn đề về những cuộc làm việc liên ngành Tòa án, Kiểm sát...

Đại biểu Nhưỡng cho biết, trước đây, ông có tham gia làm luật sư của một phiên tòa rất nổi tiếng về vụ án Tân Thanh, Lạng Sơn, có vị đại diện Viện kiểm sát nêu là "vấn đề này chúng tôi đã có văn bản liên ngành rồi".

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, những điều rất sơ hở trước xã hội như thế chúng ta cần phải có biện pháp suy nghĩ và khắc phục để đảm bảo tính độc lập.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre)

Đặc biệt, tại thảo luận, đại biểu đoàn Bến Tre đã nêu lên vấn đề "chỉ tiêu" trong hoạt động tư pháp.

"Tôi thấy chúng ta hay đặt ra những vấn đề chỉ tiêu về kế hoạch xét xử, tháng 9 hàng năm ở các cơ quan tư pháp và đặc biệt ở tòa án, viện kiểm sát, thi hành án thông thường là báo cáo về việc thực hiện kế hoạch. Kế hoạch làm việc thì có, nhưng kế hoạch xét xử tôi nghĩ cần phải nghiên cứu lại", ông Nhưỡng nói.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, có những phiên tòa ở một số nước người ta có thể kéo dài cả năm, công lý là như vậy. Không có công lý giá rẻ cho nên phải mất rất nhiều thời gian, mất rất nhiều công sức, thậm chí mất cả xương máu thì mới có thể tìm được ra công lý.

"Bây giờ chúng ta xác định tỷ lệ oan sai, đây là một tỷ lệ tôi cho rằng rất là nguy hiểm, hãy hình dung xem mình hoặc người thân của mình ở trong số 0,0001% oan sai thì mình sẽ nghĩ như thế nào. Chính vì tỷ lệ này cho nên nó ảnh hưởng đến tâm lý. Nếu chúng ta không khắc phục các vấn đề này thì rất nguy hiểm và tỷ lệ oan sai này liên quan đến một tỷ lệ rất quan trọng, là liệu có hay không có tỷ lệ công lý? Công lý thì làm sao có tỷ lệ. Công lý là một thứ gì đó vĩ đại lắm, thiêng liêng lắm, hoàn hảo lắm, tròn trịa lắm. Công lý là công lý", ông Nhưỡng nêu vấn đề và đề nghị đề nghị cần phải hết sức lưu ý về những vấn đề xác định chỉ tiêu và đề nghị Quốc hội khóa XV sắp tới cũng phải xem xét vấn đề này.

Vì có oan sai cho nên đưa ra chỉ tiêu để phấn đấu

Tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng việc đại biểu Nhưỡng cho rằng, công lý không có giá và đưa chỉ tiêu của Quốc hội về chống oan sai là cách tiếp cận chưa hợp lý.

Theo ông Hồng, công lý là giá trị phổ quát của loài người, mà tất cả các nền tư pháp của các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương).

"Ở đây, đại biểu cho rằng, công lý không có giá và đưa chỉ tiêu của Quốc hội về chống oan sai, tôi cho rằng cách tiếp cận chưa hợp lý. Bởi vì thực tế không phải chỉ Việt Nam chúng ta có oan sai mà thực trong thời gian vừa qua vì có oan sai cho nên chúng ta tìm ra các giải pháp, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu để chúng ta phấn đấu, không có nghĩa đặt ra chỉ tiêu này mặc nhiên công nhận là trong nền tư pháp của chúng ta có oan sai", đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói.

Tiếp tục tranh luận về vấn đề thứ hai, liên quan đến việc đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lấy thời gian xét xử vụ án để đánh giá trị công lý. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng không toàn diện và không chính xác.

"Không thể việc kéo dài thời gian 1 năm để xét xử vụ án cho rằng như thế là bảo vệ công lý, tôi cho rằng như thế hoàn toàn không khách quan, không biện chứng", ông Hồng tranh luận.

Tranh luận về vấn đề thứ ba liên quan đến việc phối hợp liên ngành, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, đại biểu Nhưỡng có dẫn ra một vụ việc mà đại biểu trực tiếp tham gia bào chữa.

"Theo tôi đây chỉ là một trường hợp cá biệt, việc chúng ta có phối hợp liên ngành trước tiên là để thống nhất về nhận thức pháp luật, đưa ra những quan điểm để giải quyết xử lý đảm bảo yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật, yêu cầu thực tiễn trong việc xử lý một vụ việc", ông Hồng nói.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, việc phối hợp liên ngành không có nghĩa là đã đưa ra những quy định làm giảm đi tính độc lập của việc xét xử và trong thực tế hiện nay vẫn tốt và đúng với nguyên tắc cơ chế nhà nước độc lập, phân công, phân quyền nhưng có phối hợp.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, ở đây đại biểu Nhưỡng đưa ra chỉ tiêu oan sai, nhưng đây không phải là oan sai mà trong tiêu chí của Tòa án tối cao, trong bài phát biểu nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án tối cao không có chỉ tiêu oan sai mà chỉ nêu tỷ lệ án hủy, án phải sửa theo quy định pháp luật, chứ hoàn toàn không có chỉ tiêu oan sai.

"Từ nhận thức như vậy đại biểu Nhưỡng phân tích ở một khía cạnh khác dẫn tới sự hiểu lầm", ông Chính tranh luận.

Về nội dung thứ hai, đại biểu Chính tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là việc tham gia họp liên ngành.

"Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với đại biểu Hồng. Bởi lẽ những cuộc họp liên ngành đều là những vụ án phức tạp và khó. Họp liên ngành ở đây là tìm ra những giải pháp, một là tình tiết buộc tội; hai là kể cả tình tiết buộc tội nếu không đủ thì chúng ta phải loại bỏ, chúng ta phải đình chỉ chứ hoàn toàn không phải bàn nhau để thống nhất truy tố, xét xử", ông Chính phân tích.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội)

Viện trưởng, Chánh án cần trao đổi thêm

Tiếp tục tranh luận với đại biểu Nguyễn Thanh Hồng và đại biểu Nguyễn Hữu Chính, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết đang có cảm giác "hiểu sai" ý của ông.

"Tôi có cảm giác là đại biểu Thanh Hồng hiểu sai ý của tôi. Đây tôi muốn đặt ra một số vấn đề băn khoăn để chúng ta suy nghĩ, nghiên cứu tiếp, từ những hiện tượng", ông Nhưỡng nói.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, trong báo cáo vào trong nghị quyết không nói về chỉ tiêu oan sai nhưng khi nói về chỉ tiêu xét xử đúng thì còn lại đó là cái gì?

"Tất cả cử tri cả nước đều hiểu phần còn lại là phần oan sai, chứ cần gì phải nói đó chỉ tiêu oan sai, đó là cách nói của chúng ta. Chúng ta không nên bẻ câu chuyện ra, phải hiểu cho đúng. Chúng tôi có đủ nhận thức để đảm bảo rằng chúng tôi hiểu đúng vấn đề này và cử tri có đầy đủ nhận thức để hiểu điều đó, nhất là những người được đào tạo bài bản người ta hiểu phần còn lại chắc chắn phải là phần oan sai", ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo đại biểu đoàn Bến Tre, chính vì lý do đó, vì vậy không nên đặt ra chỉ tiêu xét xử đúng, chỉ nên khẳng định là cần phải xét xử đúng, không nên đặt ra chỉ tiêu.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng tranh luận lại vấn đề thứ hai, đó về liên ngành.

"Tôi không nói liên ngành là xấu, có thể liên ngành là tốt, bàn bạc vấn đề tốt, thống nhất vấn đề tốt, vấn đề về chính trị, tình hình địa phương để làm sao quá trình xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", ông Nhưỡng tranh luận.

Đại biểu Nhưỡng cho rằng, chỉ riêng hình thức hoạt động liên ngành đã là không cần thiết, chưa cần biết có bàn hay không bàn vấn đề gì, biết đâu bàn dứt khoát trường hợp này phải kết tội, trường hợp này phải bỏ tù, trường hợp này phải xử bằng này năm.

"Cho nên dư luận đánh giá có hay không có chuyện án bỏ túi là như thế, cho nên có chuyện không tranh luận với luật sư. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói đúng, có những câu chuyện không tranh luận với luật sư mà câu chuyện đã cứ như thế rồi. Tôi muốn nói lại điều này, đó là tôi không gán ghép bất kỳ điều gì, chỉ mong chúng ta cố gắng nghiên cứu cho kỹ lưỡng", ông Nhưỡng nói.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, có thể sau phần thảo luận, phát biểu của các đại biểu Quốc hội, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trao đổi thêm về các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, như vấn đề khái niệm ngành, quan hệ của các cấp Tòa án là quan hệ tố tụng hay là quan hệ như các cơ quan hành chính.

Cũng trao đổi thêm về tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trong xét xử; các chỉ tiêu của Quốc hội mà đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Nguyễn Thanh Hồng có trao đổi, tranh luận vừa rồi.

Quốc Trần

Tin khác

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

(CLO) Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tin tức