The Boston Globe -“Người tiên phong” Trên thực tế, những vụ án liên quan tới nạn ấu dâm của giáo sĩ Công giáo tại nước Mỹ không phải đề tài mới mẻ đối với báo chí. Nhưng, trong quá khứ, chúng mới chỉ được nhìn nhận như những trường hợp cá biệt, hiếm hoi, nhất là tại một thành phố có đến 1/3 dân số là giáo dân Công giáo như Boston. Mãi tới năm 2001, khi tờ nhật báo The Boston Globe có biên tập viên mới là Marty Baron (Liev Schreiber) - một người gốc Do Thái, thì việc điều tra tệ nạn ấy mới được tiến hành triệt để. Đúng một ngày trước khi chính thức nhận việc tại Boston Globe, Baron đọc được một bài báo xoay quanh tay linh mục bị cáo buộc lạm dụng tình dục nhưng thoát tội của họ. Marty Baron hỏi những người đồng nghiệp mới của ông rằng tại sao vụ án bị khép lại và tờ Globe đã tới đặt câu hỏi cho tòa án để có thể vén màn sự thật hay chưa. “Anh ấy đặt một câu hỏi đơn giản nhưng khiến tất cả những người có mặt ngày hôm đó phải sượng sùng. Đó chính là câu hỏi bắt đầu cho tất cả”, nữ phóng viên Sacha Pfeiffer của nhóm Spotlight, chia sẻ. “Thế rồi ông ấy tiếp tục hối thúc chúng tôi không chỉ viết về những tên linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, mà cả những kẻ trong giáo hội đã tìm cách che giấu điều đó”, cô nói.
Với con mắt tinh tường, Baron nhanh chóng nhận ra rằng các bài báo nhỏ lẻ không thể giúp The Boston Globe tìm được gốc rễ sự việc. Bởi vậy, thay vì tập trung vào từng kẻ thủ ác hay các nạn nhân, tờ báo cần phải sẵn sàng đối diện với cả Giáo hội Công giáo, với tòa án, với truyền thống sùng đạo của người dân Boston, mới có thể lôi cả hệ thống đã bao che tội ác suốt nhiều năm qua ra ánh sáng công luận.
Tuy nhiên, quá trình điều tra của nhóm Spotlight diễn ra không hề suôn sẻ khi họ vấp phải sự thờ ơ, bàng quan, thậm chí là xa lánh của đồng nghiệp và những người dân cùng thành phố. Đơn giản bởi họ không tin, hoặc không muốn tin, rằng những vị giáo sĩ đáng kính lại có thể gây ra tội ác ghê tởm đến thế. Xét về mặt quyền lực hay tiền bạc, các nhà báo đến từ tờ The Boston Globe cũng không thể “đọ” được với giáo hội giàu có. Hơn nữa, là những người sinh ra và lớn lên ngay giữa lòng thành phố sùng đạo, bốn nhà báo còn phải đối diện với cuộc khủng hoảng tinh thần bên trong chính họ, khi mà niềm tin tâm linh của bản thân và những người thân bị phản bội không thương tiếc bởi hệ thống Giáo hội thành phố.
Nhưng là những phóng viên quả cảm, giàu nhiệt huyết và trách nhiệm, nhóm Spotlight vẫn kiên cường trên con đường kiếm tìm sự thật. Theo phác họa của Tom McCarthy, đạo diễn và biên kịch của Spotlight, tuy chỉ có bốn cá nhân, nhưng nhóm Spotlight là đại diện cho những phẩm chất cần thiết nhất của nghề báo: trưởng nhóm Walter “Robby” Robinson điềm tĩnh, kinh nghiệm; Michael Rezendes nhiệt huyết, xông xáo; Sacha Pfeiffer tinh tế, nhạy cảm; và Matt Carroll hiểu biết, tận tụy. Họ tập hợp đầy đủ những phẩm chất cần thiết cho nghề báo: từ kinh nghiệm cho tới sự điềm tĩnh, từ xông xáo cho tới sự nhạy cảm. Chính phẩm chất và trách nhiệm ấy đã giúp nhóm phóng viên của The Boston Globe giành thắng lợi trong cuộc chiến gian nan này. Bộ phim Spotlight kết lại bằng thắng lợi của nhóm phóng viên: các linh mục bị bắt vì tội lạm dụng, Giáo chủ
Hồng y Bernard Law bị phát hiện là đã luân chuyển những kẻ có tội tới các xứ đạo khác nhau, nơi mà tội ác tình dục lại tiếp diễn. Sự thật khiến dư luận phẫn nộ và Law mất chức Tổng giám mục tại Boston rồi bị thuyên chuyển về Vatican. Quan trọng hơn, sự việc khuyến khích những nạn nhân của lạm dụng tình dục trong nhà thờ trên khắp thế giới can đảm bước ra ánh sáng, tố cáo những kẻ có tội. Còn trên thực tế, loạt bài điều tra đồng thời giúp tờ Boston Globe thắng giải Phục vụ Cộng đồng của Pulitzer, giải thưởng thường được coi là danh giá nhất trong làng báo chí kèm lời khen tặng chính thức từ hội đồng xét giải: “Vì hoạt động đưa tin toàn diện và dũng cảm về những vụ xâm hại tình dục của các giáo sĩ Công giáo. Nỗ lực ấy đã giúp phá vỡ bức màn bí mật, thúc đẩy phản ứng từ địa phương, quốc gia cho tới cộng đồng quốc tế, đồng thời tạo ra sự thay đổi từ chính bên trong Giáo hội Công giáo La Mã”.
Là người không bao giờ chịu ngủ quên trên chiến thắng, vinh quang vẫn không cản nổi Marty Baron rời Boston Globe và tìm kiếm những thách thức mới tại Washington Post vào năm 2013. Giờ đây, niềm hạnh phúc lớn nhất của Marty Baron là được ngồi thưởng thức những thước phim về chính ông và những đồng nghiệp của ông.
[caption id="attachment_85936" align="aligncenter" width="699"]
Đoàn làm phim "The Spotlight" đã nhận được tượng vàng cho "bộ phim hay nhất" trong lễ trao giải Oscar lần thứ 88[/caption]
“Bức thư tình” dành cho ngạch báo chí điều tra
Và điều quan trọng hơn nữa là Tom McCarthy- đạo diễn và biên kịch của Spotlight- đã khiến Marty Baron không chỉ hài lòng mà còn hạnh phúc. “Tôi nghĩ bộ phim là một bức thư tình dành cho ngạch báo chí điều tra và giới báo chí nước Mỹ. Nó cho thấy tầm ảnh hưởng mà bản thân có thể tạo ra nếu chúng tôi chịu cống hiến trong những nhiệm vụ khó khăn. Nó giống như một lời nhắc nhở về nhiệm vụ quan trọng nhất dành cho nghề báo chúng tôi”, Baron bộc bạch.
Trên thực tế, trong vài thập kỷ trở lại đây, chỉ có một số ít tác phẩm điện ảnh thực sự lột tả được diện mạo xấu xí đến tột cùng của tội ác ấu dâm, cũng như nỗi đau không dứt của những đứa trẻ nạn nhân, như The Magdalene Sisters (2002) của Peter Mullan, Philomena (2013) của Stephen Frears, hay Calvary (2014) của John Michael McDonagh. Nhưng khác với những bộ phim đó, Spotlight của Tom McCarthy có cách tiếp cận nhẹ nhàng, không đề cập trực tiếp đến tội ác và những kẻ thủ ác. Thay vào đó, nhà làm phim tập trung toàn bộ thời lượng phim cho quá trình tìm kiếm sự thật của nhóm phóng viên điều tra. Gián tiếp thông qua họ, những hậu quả lâu dài, bi thương mà nạn nhân của các vụ ấu dâm phải chịu đựng cứ thế được khơi gợi rất tự nhiên. Cách kể chuyện tinh tế của Spotlight giúp bộ phim càng về sau càng lôi cuốn, khiến người xem cảm thấy mình thực sự trở thành một phần của cuộc điều tra, dần nhận ra những chi tiết ẩn giấu bên dưới vẻ yên bình của thành phố Boston.
Bên cạnh đó, những thước phim của nhà quay phim Masanobu Takayanagi người Nhật Bản, nhạc phim lúc dồn dập, lúc khoan thai của nhà soạn nhạc danh tiếng Howard Shore, các ngôi sao như Michael Keaton hay Mark Ruffalo cũng góp phần làm nên thành công của Spotlight.
Thay vì nói những thứ vĩ mô, thông điệp cuối cùng mà Spotlight hướng tới là nhà báo, hay bất cứ ai nếu kiên trì, dũng cảm theo đuổi sự thật, cuối cùng sẽ tiếp cận được sự thật. Nhiều nhà phê bình cho biết, họ bị ám ảnh bởi hàng dài danh sách và số lượng nạn nhân bị các linh mục lạm dụng tình dục ở khắp nơi trên thế giới hiện ra ở cuối phim. Bằng một tác phẩm điện ảnh, một vấn đề không mới đã được các nhà làm phim đưa lại thành vấn đề thời sự tươi mới, thúc giục người ta phải lên tiếng và hành động.
Trên sân khấu lễ trao giải, các nhà sản xuất khẳng định, phim là “tiếng nói của những người sống sót, giúp thanh âm của sự việc trở nên mạnh mẽ hơn, để đi đến được cái đích cuối cùng là Đức giáo hoàng”. Các nhà sản xuất cũng gửi lời tri ân tới các nhà báo dũng cảm, đồng thời nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của điều tra báo chí độc lập trong đời sống xã hội.❏
Hà Anh