Đánh giá học sinh tiểu học: Khen nhiều là đúng hay phản cảm?

Thứ năm, 23/07/2020 09:57 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Hiện nay đang có sự tranh luận giữa việc học sinh nào cũng cần được khen thưởng hay chỉ khen thưởng cho những học sinh thực sự xứng đáng. Sự khác nhau này xuất phát từ quan điểm giáo dục hướng tới từng học sinh, phát huy từng thế mạnh của mỗi em.

Khen thưởng nhiều sẽ loạn?

Hiện nay, vấn đề đánh giá học sinh tiểu học vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt, tình trạng học sinh đều được giấy khen khi tổng kết năm học đang thu hút sự tranh luận của nhiều nhà giáo. Mới đây nhất là bức ảnh một học sinh ngồi buồn trong khi cả lớp bạn nào cũng được giấy khen đã khiến cuộc tranh luận này được nhiều người quan tâm.

khenthuongcuoinam1

Sau khi xem bức ảnh, một giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội đã cho rằng, ông bị sốc và buồn. Lý do, không phải vì cậu bé không được giấy khen mà vì người chụp ảnh, vì nhà trường chưa làm cho học sinh học giỏi (theo đúng nghĩa thực chất). Theo ông, tờ giấy khen không có nhiều ý nghĩa, chưa nói lên điều gì lớn lao. Cuộc sống cho thấy, những người được nhiều giấy khen hồi học phổ thông chưa đảm bảo trong tương lai sẽ thành công hơn những người không được giấy khen.

Từ bức ảnh trên, vấn đề đặt ra hiện nay là khen thế nào cho đúng, để không đứa trẻ nào bị tổn thương và cháu nào cũng có động lực để phấn đấu vươn lên. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận (NB&CL), Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Tùng Lâm cho rằng,  trong khen thưởng cuối năm không nên cháu nào cũng được phát giấy khen. Vì như thế sẽ dẫn đến việc loạn giấy khen dẫn tới vệc khen thưởng không còn ý nghĩa nhiều. 

Theo đó, khen thưởng có hai vấn đề cần phải phân biệt. Thứ nhất là việc thường xuyên khích lệ học sinh, khen thưởng học sinh kịp thời khi các em có hành vi tốt và thành tích tốt. Đây là việc làm của giáo viên giảng dạy và vào cuối năm học phải được ghi nhận trong hồ sơ của học sinh. Vấn đề thứ 2 là phát giấy khen cho học sinh. Em nào được nhận giấy khen thì phải xác định đạt ở mức độ nào mới được. Nếu không sẽ bị loạn giấy khen. Những  em có giấy khen phải thực sự xứng đáng là toàn diện chứ không phải học sinh nào cũng được khen. Còn những học sinh có những mặt đạt khá, giỏi thì giáo viên phải ghi trong hồ sơ của các em một cách đầy đủ.

“Cần phải phân biệt giữa khen thưởng thường xuyên và cấp giấy khen vào cuối năm. Chuyện khích lệ, động viên học sinh thường xuyên và ghi nhận nó bằng những nhận xét cuối năm, rất cụ thể, đầy đủ. Trong hồ sơ không ghi tốt, khá, trung bình, yếu kém mà cần nhận xét đến từng mặt mạnh yếu của học trò. Cháu của tôi học ở nước ngoài, thấy họ nhận xét kín cả hai trang. Họ nhận xét nhiều mặt trong hồ sơ. Cái gì ưu điểm, cái gì cần cố gắng đều được giáo viên nhận xét đầy đủ, không có phê bình và những vấn đề cần lưu ý để làm tốt hơn” - thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

Do đó, quan điểm của thầy Nguyễn Tùng Lâm là chỉ một số em thực sự tiêu biểu mới được giấy khen, không cấp loạn giấy khen vì như vậy là không còn ý nghĩa. Hiện nay, đang có sự nhầm lẫn giữa khen thường xuyên và cấp giấy khen vào cuối năm dẫn đến cháu nào cũng có giấy khen. Đáng lẽ một số bạn học sinh thật sự xuất sắc mới có giấy khen còn có giấy khen hết là không nên. Nếu cẩn thận hơn thì giáo viên sẽ viết một cái phiếu kẹp trong hồ sơ học sinh đánh giá từng mặt mạnh yếu của các em.

Đồng quan điểm, cô giáo Trần Thị Hải ở Nghệ An cho rằng, nếu cả lớp được giấy khen thì quá hình thức và nặng về thành tích. Theo cô Hảo, nếu khen thì nên dừng lại khoảng 50%  số bạn trong lớp. Vì nếu khen cả lớp thì nhiều học sinh đọc không thông, viết không thạo vẫn được giấy khen. Trên thực tế, nhiều học sinh học lớp 4, lớp 5 vẫn chưa đọc rõ ràng. Nếu các em này có giấy khen thì phụ huynh, xã hội sẽ đánh giá thiếu tích cực về giáo viên và nhà trường. Do đó, nên khen những em đáng được khen chứ không nên “đồng phục” giấy khen.

Cháu nào cũng có thế mạnh, đều xứng đáng được khen!

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên Báo NB&CL lại cho rằng, việc cháu nào cũng được khen là đúng. Bởi mỗi đứa trẻ trời lại phú cho những năng lực riêng, đứng ở góc nhìn tài năng thì không đứa trẻ nào là yếu kém. Xã hội có hàng nghìn ngành nghề và trẻ em có nhiều năng lực riêng biệt. Vì thế nhìn trẻ em cần sự tôn trọng, đánh giá công bằng. Nếu đúng thì các em đều cần được khen. Từ triết lý mỗi trẻ em có tiềm ẩn năng lực khác nhau nên giáo dục cần phải phát hiện, khám phá, khuyến khích năng lực của các em phát triển.

khenthuongcuoinam2

Do đó, thầy Hòa nhấn mạnh: “Trẻ em đến trường được hạnh phúc, được tôn trọng thì trẻ nào cũng sẽ tiến bộ. Trước đây đánh giá học sinh chỉ có thi cử, văn hóa nên nhiều trẻ em bị loại ra ngoài cuộc chơi. Điều này là không công bằng. Đáng lẽ, đứa trẻ nào cũng cần được tôn trọng và không thể đánh giá trẻ chỉ bằng vài môn văn hóa. Trong đánh giá thì sự cố gắng vượt qua năng lực so với chính các em đã là đáng được khen rồi. Còn nếu cứ khen thưởng người có năng lực vượt trội thì bất công cho những em còn lại”.

Ở một quan niệm khác, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội đưa ra quan điểm, cần lắng nghe trẻ em trong việc khen thưởng. Rõ ràng em nào cũng rất muốn được khen và các em sẽ rất vui khi khen đúng. Do đó, trong khen thưởng phải khen đúng người đúng việc. Không nên tuyệt đối hóa việc khen thưởng cả lớp nhưng cũng không thể khắt khe như trước đây cả lớp có một vài bạn được khen.

Hiện nay, Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, sau đó là Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi thông tư 30 của Bộ GD&ĐT đã quy định rõ: Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không cứ phải khen bằng giấy khen mà còn có nhiều cách khác, như: Khen bằng lời khích lệ, khen bằng biểu dương trên lớp... Nếu dựa theo quy định này thì việc khen thưởng cả lớp không có gì sai.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho biết, ở một số nước phát triển, như Anh, Mỹ, Úc chẳng hạn, thì mục tiêu cao nhất của việc khen thưởng là nhằm động viên và khích lệ học sinh phát huy những điều tích cực trong học tập và tham gia các hoạt động trong môi trường học đường. Việc khen thưởng thường chú trọng vào yếu tố “cá nhân hóa”, tức là nắm bắt, thấu hiểu, và tìm cách khơi gợi khuyến khích điểm mạnh của từng em học sinh chứ không khen thưởng đại trà. Không có học sinh kém, chỉ là giáo viên chưa hiểu hết tiềm năng và thế mạnh của từng em mà thôi.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy, việc khen thưởng nếu đúng thì đó là nguồn động viên lớn đối với học sinh để các em phát huy năng lực riêng của mình. Tuy nhiên, trong thực tế giáo dục hiện nay còn nhiều tồn tại, đặc biệt là chất lượng giáo dục chưa đồng đều. Vì thế, nếu khen đại trà thì giá trị của việc khen sẽ không còn nhiều ý nghĩa, dẫn tới nhiều tình huống khôi hài trong giáo dục. 

Trinh Phúc

Tin khác

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

Trẻ bị đứt cổ tay, bác sĩ chỉ cách sơ cứu

(CLO) Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé trai 11 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng vết thương hở cổ tay và bàn tay hai bên do tai nạn sinh hoạt, may mắn trước đó trẻ đã được sơ cứu ban đầu đúng cách và kịp thời.

Giáo dục
Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

Phó chủ tịch tỉnh được giao điều hành trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam

(CLO) Quảng Nam vừa phân công Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn điều hành hoạt động của trường CĐ Y tế Quảng Nam, sau khi hiệu trưởng trường này bị khởi tố.

Giáo dục
Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

Nhiều cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên tại ngày hội việc làm USSH Job Fair 2024

(CLO) Ngày hội việc làm - USSH Job Fair 2024 là hoạt động thường niên do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM phối hợp cùng các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các cơ hội việc làm, thực tập đến sinh viên.

Giáo dục
Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

Gia Lai: Một học sinh lớp 7 bị nhóm thanh niên tấn công trên đường đi học về

(CLO) Trên đường đi học về, em T. (học sinh lớp 7) bất ngờ bị 1 nhóm thanh niên dùng ghế nhựa, mũ bảo hiểm tấn công gây thương tích.

Giáo dục
Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

Một giáo viên bị tố lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của đồng nghiệp

(CLO) Bà Đỗ Thị Huyền Trang (giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) bị tố lừa đảo, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lớn nạn nhân lại là các đồng nghiệp của bà Trang.

Giáo dục