Đảo chính ở Gabon: Ai lật đổ ai?

Thứ năm, 31/08/2023 09:58 AM - 0 Trả lời

(CLO) Vài phút sau khi Ủy ban bầu cử Gabon thông báo Tổng thống Ali Bongo đã đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào hôm qua (30/8), một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao của nước này đã tuyên bố đảo chính và hủy bỏ kết quả bầu cử.

Một nhóm các sĩ quan quân đội xuất hiện trên truyền hình quốc gia Gabon hôm thứ Tư để thông báo về việc Tổng thống Ali Bongo bị quản thúc tại gia trong thời gian quân đội tiếp quản chính quyền.

Nhóm sĩ quan này tự gọi mình là Ủy ban Chuyển đổi và Phục hồi Thể chế, cho biết Gabon đang "trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về thể chế, chính trị, kinh tế và xã hội", đồng thời cho biết cuộc bầu cử ngày 26/8 không minh bạch, không đáng tin cậy.

dao chinh o gabon ai lat do ai hinh 1

Vừa tái đắc cử, Tổng thống Ali Bongo đã bị quân đội quản thúc tại gia sau cuộc đảo chính hôm thứ Tư. Ảnh: Sky News

Bài liên quan

Thủ lĩnh đảo chính tuyên bố nắm quyền, cáo buộc Tổng thống tham ô 

Do đó, các sĩ quan tuyên bố rằng kết quả bầu cử đã bị hủy bỏ, quân đội sẽ tiếp quản chính quyền và Gabon sẽ đóng cửa biên giới, giải thể các cơ quan nhà nước. Theo báo chí địa phương, Brice Oligui Nguema, Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Gabon tự nhận mình đứng đầu Ủy ban Chuyển đổi và Phục hồi Thể chế. Như vậy, có thể hiểu đây là người cầm đầu cuộc đảo chính. 

Và đến cuối ngày hôm qua, nhóm đảo chính ở Gabon đã chính thức tuyên bố Brice Oligui Nguema sẽ là lãnh đạo đất nước, đồng thời đã cáo buộc Tổng thống vừa tái đắc cử Ali Bongo phản bội đất nước và tham ô lớn trong thời gian dài lãnh đạo quốc gia sản xuất dầu mỏ ở Trung Phi này.

Cụ thể, những người lãnh đạo cuộc đảo chính cho biết trong một thông báo trên đài truyền hình nhà nước Gabon rằng Tướng Brice Oligui Nguema đã được “nhất trí” bổ nhiệm làm chủ tịch một ủy ban chuyển tiếp để lãnh đạo đất nước.

Gabon là quốc gia thứ 8 tại Tây và Trung Phi chứng kiến đảo chính kể từ năm 2020 đến nay. Vụ đảo chính này hẳn sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân của sự sụp đổ mang tính dây chuyền đối với các chính quyền dân cử tại Tây Phi, và bức tranh địa chính trị ở khu vực.

Nhưng trước khi tìm được lời đáp cho vấn đề mang tính vĩ mô như thế, thì dư luận thế giới cũng đang tự hỏi những câu hỏi gần gũi hơn: Ali Bongo là vị tổng thống như thế nào mà bị lật đổ, và nhân vật cầm đầu cuộc đảo chính, Brice Nguema, là ai?

Ali Bongo là ai?

Tổng thống Gabon Ali Bongo, 64 tuổi, đã đi theo con đường quen thuộc trong khu vực Tây Phi: sinh ra trong một gia đình cầm quyền. Cha ông, Omar Bongo là Tổng thống Gabon từ năm 1967 cho đến khi ông qua đời vào năm 2009.

Ali Bongo đã nắm quyền kể từ đó - nhưng việc tiếp quản của ông không được nhiều người Gabon hoan nghênh vì họ tin rằng thành công của ông là nhờ vào mối quan hệ gia đình. Truyền thông các nước láng giềng cũng không đánh giá cao Ali Bongo. Tờ L'Observateur Paalga của Burkina Faso thậm chí đã mô tả về Ali Bongo như sau: “Một đứa trẻ sinh ra ở Congo-Brazzaville, lớn lên ở Pháp, hầu như không nói được ngôn ngữ bản địa và có vẻ ngoài của một ngôi sao hip-hop”.

Bản thân Ali Bongo cũng rất đam mê âm nhạc và hát hay, điều mà nhiều người cho rằng ông thừa hưởng từ người mẹ là ca sĩ Gabon Patience Dabany. Năm 1977, Ali Bongo phát hành một album nhạc funk mang tên “A Brand New Man”, do quản lý cũ Charles Bobbit của huyền thoại âm nhạc James Brown, sản xuất.

dao chinh o gabon ai lat do ai hinh 2

Khi còn trẻ, Tổng thống bị lật đổ Ali Bongo từng phát hành một album nhạc funk mang tên “A Brand New Man” vào năm 1977. Ảnh: GI

Trở lại với đề tài chính trị. Chiến dịch của Ali Bongo nhằm bảo tồn các khu rừng nhiệt đới và voi rừng ở Gabon, tăng cường sản xuất dầu mỏ, nền tảng cho sự cai trị của ông kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2009, ban đầu làm dấy lên hy vọng về một sự thay đổi ở quốc gia này.

Hình ảnh đó mất đi vẻ hào nhoáng khi những người phản đối cáo buộc ông gian lận cuộc bầu cử năm 2016 và đàn áp các cuộc biểu tình một cách tàn bạo sau đó. Sau một cơn đột quỵ, khả năng cầm quyền của Ali Bongo bị nghi ngờ, gây ra một cuộc đảo chính thất bại vào năm 2019 khi ông đang dưỡng bệnh ở Morocco.

Cuộc đảo chính năm 2019 thất bại, nhưng vụ đảo chính hôm thứ Tư vừa qua có thể sẽ có kết cục khác. Nhóm sĩ quan do Brice Oligui Nguema đứng đầu nhiều khả năng sẽ chấm dứt một trong những triều đại chính trị lâu đời nhất ở châu Phi thời hậu thuộc địa. Bắt đầu khi cha Ali là Omar lên nắm quyền vào năm 1967, gia đình Bongo đã cai trị Gabon trong 55 năm.

Brice Oligui Nguema là ai?

Theo kênh Al Jazeera, Brice Oligui Nguema là anh em họ với Tổng thống Ali Bongo, đồng thời được xem như một trong những nhân vật có ảnh hưởng và bí ẩn nhất Gabon hiện nay.

Là con trai của một sĩ quan quân đội Nguema ông được đào tạo tại Học viện Quân sự Hoàng gia Meknes ở Morocco. Nguema sau đó giữ chức vụ trợ lý cho một chỉ huy trong Lực lượng Vệ binh Cộng hòa của cựu Tổng thống Omar Bongo, đến khi cựu lãnh đạo Gabon qua đời vào năm 2009.

Khi con trai của Omar Bongo là Ali Bongo lên nắm quyền vào tháng 10 năm 2009, Nguema được cử đến Morocco và Senegal để làm nhiệm vụ ngoại giao. Một thập kỷ sau, ông đảm nhận chức vụ Trưởng đơn vị cận vệ cho Tổng thống Ali Bongo. Đội cận vệ, với trang phục dễ nhận biết nhờ đội mũ nồi xanh, chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Tổng thống.

dao chinh o gabon ai lat do ai hinh 3

Brice Oligui Nguema, Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Gabon, được cho là người cầm đầu đảo chính. Ảnh: The Africa Report

Với tư cách là người đứng đầu, Nguema đã cố gắng củng cố hệ thống an ninh nội bộ của Gabon bằng những cải cách được coi là nhằm kéo dài thời gian nắm quyền của Bongo. Theo báo chí địa phương, Nguema còn sáng tác một bài hát có câu: “Tôi sẽ bảo vệ tổng thống của mình bằng danh dự và lòng trung thành”.

Bên cạnh các nhiệm vụ quân sự và ngoại giao, Nguema còn được coi là một doanh nhân và cũng được cho là một triệu phú. Theo cuộc điều tra năm 2020 của Dự án Báo cáo Tội phạm có tổ chức và Tham nhũng (OCCRP) về tài sản của gia đình Bongo ở Mỹ, Nguema đầu tư nhiều vào bất động sản và thanh toán bằng tiền mặt.

“Ông ấy đã mua ba bất động sản ở các khu dân cư trung lưu và lao động ở ngoại ô Hyattsville và Silver Spring của Maryland vào năm 2015 và 2018. Những ngôi nhà được mua với tổng trị giá hơn 1 triệu USD tiền mặt”, báo cáo của OCCRP cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Le Monde hôm thứ Tư, Nguema đã lý giải nguyên nhân quân đội Gabon bước lên nắm quyền lực: “Ngoài sự bất mãn của công chúng, còn có căn bệnh của nguyên thủ quốc gia (Ali Bongo bị đột quỵ vào tháng 10 năm 2018 khiến ông yếu hẳn)".

"Mọi người đều nói về nó, nhưng không ai chịu trách nhiệm. Ali Bongo không có quyền phục vụ nhiệm kỳ thứ ba. Hiến pháp bị vi phạm, bản thân phương thức bầu cử cũng không tốt. Vì vậy, quân đội quyết định đưa mọi thứ sang trang, nhận trách nhiệm của mình”, Nguema nói thêm.

Nguema cũng nói thêm rằng Tổng thống Bongo có thể nghỉ hưu và tiếp tục được hưởng các quyền của mình như mọi công dân Gabon khác. Và trong khi Bongo đang bị quản thúc tại gia, binh lính Gabon và rất nhiều người dân dường như đã bắt đầu diễu hành ăn mừng việc Nguema sẽ tiếp quản vị trí lãnh đạo mới của của nước này.

Quang Anh

Bình Luận

Tin khác

Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

Nga phản công ở Kursk, Ukraine yếu thế trên mặt trận phía đông

(CLO) Một tháng rưỡi sau cuộc tấn công vào khu vực Kursk phía tây nước Nga, Ukraine phải đối mặt với quyết định khó khăn về việc nên triển khai lực lượng hạn chế của mình ở đâu. Bởi Nga bắt đầu phản công tại Kursk trong khi vẫn tiến quân mạnh mẽ ở mặt trận phía đông Ukraine.

Tiêu điểm Quốc tế
Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

Ông Trump bị ám sát hụt lần hai: Bước ngoặt mới cho cuộc đua vào Nhà Trắng?

(CLO) Chỉ trong vòng 2 tháng, nước Mỹ đã trải qua 2 sự cố và cả 2 đều nhằm vào ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Vậy liệu vụ ám sát lần này có tạo hiệu ứng tích cực như lần trước và giúp ông Trump chiếm nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng?

Tiêu điểm Quốc tế
Hành lang biên giới Philadelphi, rào cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Hành lang biên giới Philadelphi, rào cản thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

(CLO) Hành lang Philadelphi, một dải đất nhiều bụi rậm và cồn cát hẹp ở phía nam Gaza, giáp biên giới với Ai Cập đang nổi lên như trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh Israel - Hamas và giải thoát hàng loạt con tin.

Tiêu điểm Quốc tế
Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

Trung Quốc nỗ lực tham gia giải quyết các 'điểm nóng'

(CLO) Từ ngày 11-12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm Nga. Cũng trong thời gian này, lần lượt Thủ tướng Tây Ban Nha và Na Uy đều có chuyến thăm tới Trung Quốc. Điều này cho thấy hình ảnh tích cực, chủ động của Trung Quốc, xét ở góc độ an ninh.

Tiêu điểm Quốc tế
Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

Pokrovsk và Chasiv Yar, hai 'cửa ải' quyết định cuộc chiến ở miền đông Ukraine

(CLO) Nga đang quyết tâm hơn trong việc kiểm soát toàn bộ khu vực Donetsk ở phía đông Ukraine, sau khi Kiev bất ngờ tấn công vùng biên giới của Moscow. Trong đó, hai thị trấn Pokrovsk và Chasiv Yar là những “cửa ải” quan trọng nhất mà các lực lượng Nga đang nhắm đến.

Tiêu điểm Quốc tế