Đạo diễn Trần Lực vốn sinh ra trong gia đình nghệ thuật, bố là NSND Trần Bảng, mẹ là nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân, tinh thần ước lệ và phương pháp biểu diễn theo trường phái biểu hiện đã ngấm vào anh từ rất nhỏ. Trong quá trình 8 năm theo học đạo diễn sân khấu tại Bulgaria, đạo diễn Trần Lực đã ấp ủ ý tưởng về một hình thức sân khấu kịch mới này. Mãi đến giờ, sau 26 năm, đạo diễn mới có thể thực hiện được giấc mơ của mình: lập một đoàn kịch riêng, với phong cách chủ đạo là nghệ thuật ước lệ như sân khấu chèo. Mặc dù bạn bè ngăn cản khá nhiều, nhưng đạo diễn cảm thấy may mắn khi được bố - NSND Trần Bảng – hiểu và ủng hộ.
Đạo diễn Trần Lực cho biết, khi thành lập, đoàn của anh đã tính tới những cái tên như Sao Phương Đông, hay Factory (công xưởng). Nhưng cuối cùng, anh chọn cái tên LucTeam cho đoàn kịch của mình bởi khi đọc lên, cái tên ấy nghe như LuckyTeam (Lucky: may mắn). Đạo diễn chia sẻ: “LucTeam là một đoàn kịch của thầy và trò. Tôi là Thầy – Trần Lực và học trò của tôi – những nghệ sĩ trẻ tuổi. Chúng tôi thành lập nên đoàn kịch này vì thầy trò có chung một chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao và phương pháp nghệ thuật của đoàn kịch LucTeam là sân khấu ước lệ”. Thực ra, LucTeam không phải đoàn kịch quá xa lạ. Khán giả đã gặp họ trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016 với vở “Quẫn” (tác giả Lộng Chương). Vở diễn đã từng đoạt Huy chương Bạc, giải đạo diễn xuất sắc nhất và nhiều giải cá nhân khác.
Một cảnh trong vở "Cơn ghen Lọ Lem". Ảnh minh hoạ
Về hình thức sân khấu này, công chúng đã thấy có những khác biệt thú vị ở vở kịch “Quẫn” và càng rõ rệt hơn trong vở “Cơn ghen của Lọ Lem”. Trong số các tác phẩm của nhà viết hài kịch tài ba người Pháp Molie, thì “Cơn ghen của Lọ Lem” ít được dàn dựng nhất, thậm chí chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Không phải bởi tác phẩm kém hay, mà để dựng được một vở hài với những chuyện nhỏ nhặt, giản dị, ít cao trào như thế trên sân khấu không phải điều đơn giản. NSƯT Trần Lực quyết định thử sức để đem cơn gió mới đến với sân khấu kịch Việt Nam. Đạo diễn sử dụng cách bài trí đơn giản, ánh sáng đơn sắc, trang phục không quá theo lối cũ kỹ từ những thế kỷ trước mà hiện đại, đời thường. Nhưng yếu tố chính là diễn viên đã làm nên thành công của vở diễn. Họ sử dụng nét mặt, ánh mắt, khả năng giải phóng cơ thể, sự di chuyển, kiểm soát quỹ đạo trong từng phân cảnh để khiến người xem tin vào câu chuyện kịch. Đạo diễn Trần Lực chia sẻ: “Diễn viên phải thật hồn nhiên, trong sáng, tin vào sự ước lệ của mình thì khan giả mới tin được”. Để diễn được vở này, các thành viên của LucTeam đã phải rèn luyện ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam 3 tháng, tập những bài khởi động khắc nghiệt, rồi học nhạc, học nhảy… với mục đích diễn chỉ một động tác nhưng chuyển tải được nhiều ý.
Vở diễn tiếp tục phục vụ khán giả vào các ngày 6, 14, 23, 30/12 tại Trung tâm Văn hoá Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Bên cạnh đó, vở “Bà Triệu” cũng đang được LucTeam dàn dựng. Dự kiến, đầu năm 2018, LucTeam sẽ đưa 3 vở kịch có cùng phương pháp sân khấu biểu hiện ước lệ này đến nhiều điểm diễn, thường xuyên phục vụ khán giả Thủ đô.
Bích Việt