80.000m2 và nỗi bức xúc của người dân làng Văn Vận
Theo phản ánh của người dân làng Văn Vận, năm 2003 – 2004, người làng Ba Khê thuộc xã Hải Thượng đã qua vùng đất thuộc địa bàn quản lý của HTX Văn Hải, xã Hải Quy để chôn cất và xây dựng trái phép mồ mả cho người đã mất tại khu đất lâm nghiệp rừng tràm. Cứ vậy cho đến nay, người làng Ba Khê lại tiếp tục qua vùng đất này để lấn chiếm làm đường đất, tiếp tục xây dựng thêm 6 âm hồn. Trong đó, có 1 âm hồn có mồ mả, 5 âm hồn không có mồ mả với tổng diện tích gần 80.000m2.
Khu âm hồn xây dựng trái phép của làng Ba Khê tại làng Văn Vận lên đến 6.500m2.
Do phần đất lấn chiếm quá lớn, làm ảnh hưởng đến quá trình trồng cây tràm của dự án 661 mà huyện đã chỉ đạo trồng cây để phủ đồi trọc đỡ cát bay và cát lấp. Chưa kể, để có thể xây dựng được khuôn viên 6 âm hồn này, làng Ba Khê đã cho nhổ cây tràm từ năm 2002 đến 2013. Làng Ba Khê đã đổ đất để làm 1 con đường dẫn vào khu mồ mả. Trên con đường này có nhiều nhánh đường xương cá. Quá trình đổ đất đã đổ đè lên vườn cây tràm đang 2 năm tuổi
làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống làm ăn người dân làng Văn Vận. Sự việc tưởng chừng đơn giản khi người dân làng Văn Vận chỉ yêu cầu người dân làng Ba Khê tiến hành bốc những mồ mả hay tháo dỡ những âm hồn trả lại phần đất đã lấn chiếm đó cho HTX Văn Hải và dân làng Văn Vận quản lý. Thế nhưng, yêu cầu đó vẫn không có câu trả lời chính xác dù cho đến nay trưởng làng Ba Khê cũng thừa nhận việc người làng Ba Khê chôn cất và xây dựng các âm hồn trên đất làng Văn Vận là không đúng.
Từ đầu năm 2017 đến nay, 7 họ tộc và 1.434 người dân làng Văn Vận, xã Hải Quy đã rất nhiều lần gửi đơn thư lên các cấp chính quyền từ TW đến địa phương để yêu cầu giải quyết dứt điểm vấn đề lấn chiếm đất đai của làng Ba Khê, xã Hải Thượng. Tuy nhiên, sau nhiều lần tổ chức họp và đối thoại, UBND huyện Hải Lăng vẫn chưa đưa ra được cách giải quyết dứt điểm.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Lại – Hội chủ làng Văn Vận, ông Lê Quang Cam – Thủ bộ, ông Lê Quang Hoàng – trưởng thôn, ông Lê Đức Mơ – Trưởng họ Lê Đức và ông Lê Quang Thắng – Phó giám đốc HTX Văn Hải đều không giấu được nỗi bức xúc khi đơn thư của người dân làng Văn Vận đã gửi đi hơn 1 năm nay nhưng chưa được giải quyết. Những đơn thư gửi lên tỉnh và TW đều được gửi trả về huyện, yêu cầu huyện giải quyết. Thế nhưng cho đến nay, UBND huyện Hải Lăng vẫn chỉ có một số công văn, buổi họp không kết quả.
Hàng loạt câu hỏi còn để ngỏ
Gần 80.000m2 đất bị xâm lấn không chỉ trong một sớm một chiều, vậy chính quyền xã Hải Quy có biết? Trước câu hỏi này, ông Lê Văn Lạt, Phó chủ tịch UBND xã Hải Quy -cho hay: “Vì khu vực người làng Ba Khê xây âm hồn nằm sâu trong khu đất lâm nghiệp trồng tràm, khi tiến hành thu hoạch tràm thì mới biết”. Ông Lạt cũng không quên tỏ ý “trách móc” dân trong xã mình: “Dân đi giữ trâu giữ bò biết không về báo để xã giải quyết, nếu thời điểm đó dân làng phản ứng thì đã giải quyết xong rồi, để đến khi các âm hồn xây dựng xong đã lâu thì mới khiếu kiện.” Phó chủ tịch UBND xã Hải Quy cũng cho biết xã đã yêu cầu người dân làng Ba Khê nên thu hẹp diện tích xây dựng các âm hồn lại. Nếu âm hồn nào mới xây dựng lại thì nên quy tập, thu gọn hoặc tháo dỡ.
Khi biết chuyện, người dân làng Văn Vận đã ngăn chặn nhưng rất khó để thực trạng lấn chiếm chấm dứt nếu như chính quyền không giải quyết dứt điểm.
Chính sự giải quyết thiếu dứt khoát này đã làm cho người dân làng Văn Vận ngày càng bức xúc. Trong những lần gặp gỡ giữa dân và Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, người dân làng Văn Vận đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: phần đất rừng tràm bị lấn chiếm làm âm hồn nhiều năm nay cán bộ xã có biết hay không ? Có báo cáo lên huyện hay không ? Đất là do làng Ba Khê lấn chiếm hay là đã cho, đã bán? Nếu đã cho, đã bán thì xin cho biết ai là người cho, người bán và lý do là gì để người dân thỏa lòng không bức xúc như hiện nay? Còn nếu lấn chiếm, người làng Ba Khê phải trả lại đất cho người làng Văn Vận.
Qua các buổi đối thoại, các trưởng làng Ba Khê cũng thừa nhận việc xây dựng các âm hồn trên đất làng Văn Vận là sai. Vậy với ý kiến của dân làng Văn Vận rằng nếu đã sai thì trước mắt làng Ba Khê nên tiến hành tháo dỡ những âm hồn đã xây để “xí” phần đất. Còn với những ngôi mộ đã xây từ lâu, có chôn cất người chết thì nên quy hoạch đưa về chôn cất, lễ cúng ngay tại làng Ba Khê thì sẽ phù hợp hơn. Như vậy là đã thấu tình đạt lý, phù hợp với tình hình thực tế. Các yếu tố luật hay tâm linh cũng được giải quyết ổn thỏa.
Tuy nhiên, những câu hỏi và các ý kiến đề xuất này đều chỉ nhận được sự im lặng của các cán bộ từ xã đến huyện.
Hạ Duyên