Lai Châu - 15 năm xây dựng và phát triển:

Dấu ấn sau 15 năm tách, thành lập tỉnh

Thứ ba, 18/06/2019 10:11 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2019 là tròn 15 năm tỉnh Lai Châu được tái lập. 15 năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng để tiệm cận dần với mục tiêu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển mạnh mẽ của khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020.

“Quả ngọt” từ hành trình 15 năm vượt khó

Đầu năm 2004, Quốc hội khóa XI ra Nghị quyết chia tách Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Ðiện Biên. Khó có thể kể hết những khó khăn, thử thách mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu gặp phải thời điểm ấy: 60% dân số là hộ nghèo; đội ngũ cán bộ vô cùng thiếu và yếu, nhiều ngành chỉ có cấp phó, cả tỉnh chỉ có duy nhất một cán bộ có học vị Tiến sĩ, các huyện được lấy về Lai Châu mới lúc này như Phong Thổ, Tam Đường, Mường Tè, Sìn Hồ của Lai Châu cũ và huyện Than Uyên của Lào Cai đều là những huyện xa nhất và nghèo …

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường và Tập đoàn Lộc Trời tham quan mô hình sử dụng dinh dưỡng hữu cơ trên cây chè.

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường và Tập đoàn Lộc Trời tham quan mô hình sử dụng dinh dưỡng hữu cơ trên cây chè.

Nhưng cũng chính khó khăn đã tôi luyện cho những người dân mảnh đất phên dậu của Tổ quốc ý chí thép và thôi thúc họ bằng mọi cách phải nỗ lực thoát nghèo. Trời không phụ lòng người. 15 năm qua, với tinh thần đoàn kết thống nhất, với ý chí vượt khó cao độ, sự quan tâm, giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đạt được một số thành tựu nổi bật và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,22%; cơ cấu GDP chuyển biến tích cực; công nghiệp - xây dựng tăng từ 23,9% (năm 2004) lên 48,27% (năm 2018); dịch vụ tăng từ 28,8% (năm 2004) lên 35,79% (năm 2018). Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tăng từ 2,6 triệu đồng (năm 2004) lên 32,92 triệu đồng (năm 2018); tổng doanh thu ngành du lịch đạt 100% kế hoạch năm; Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng từ 24 tỷ đồng (năm 2004) lên 2.150 tỷ đồng (năm 2018)…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lai Châu.

Nói đến những thành tựu nổi bật mà Lai Châu đạt được trong 15 năm qua không thể không nhắc tới công tác xóa đói, giảm nghèo. Công tác chỉ đạo, điều hành đã có nhiều đổi mới về nội dung; nhận thức trách nhiệm về công tác giảm nghèo của các cấp, các ngành và người dân được nâng lên, đã huy động được cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là ở cấp cơ sở. Đa phần các hộ nghèo đã được nâng cao nhận thức, biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với đất đai, hoàn cảnh của mình và mạnh dạn trong đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt để phấn đấu thoát nghèo. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ đói nghèo của tỉnh đã giảm xuống còn 25,26%.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đạt được những kết quả quan trọng. Cho đến nay, tỉnh đã có thêm 06 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới lên 30 xã. Nông nghiệp phát triển khá, tổng sản lượng lương thực năm 2018 đạt 215 nghìn tấn, tăng 22% so với năm 2004. Cơ cấu giống cây trồng có sự chuyển biến tích cực, sản xuất chè đạt kết quả tốt, diện tích sản xuất các cây trồng chính như: Lúa, chè, cao su, mắc ca... không ngừng tăng qua các năm. Trong đó, chương trình phát triển cây Cao su đã thực sự đem lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng trồng cây cao su; góp phần bảo vệ và ổn định chính trị hành lang biên giới của quốc gia…

Lễ khánh thành Công trình Thủy điện Lai Châu.

Lễ khánh thành Công trình Thủy điện Lai Châu.

Kết cấu hạ tầng đô thị được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ưu tiên nguồn lực đầu tư nhất là các đô thị mới như Thành phố Lai Châu, Thị trấn Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên, Nậm Nhùn. Bộ mặt các đô thị thay đổi tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô, đường ra biên giới, tuần tra biên giới,... được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đến nay, đã có 97/98 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tăng 21 xã so với năm 2004. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện 92%, tăng 63,87 điểm % so với năm 2004. Năm 2004, toàn tỉnh chưa có công trình nước sạch, đến hết năm 2018, đã có 7/8 thị trấn, thành phố có nhà máy cấp nước; dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tăng 40% so với năm 2004.

Sản xuất điện là thế mạnh của công nghiệp tỉnh Lai Châu khi toàn tỉnh có 66 dự án đã được quy hoạch, có công suất lắp máy trên 3.000 MW, điện lượng trên 11.700 triệu kWh, trong đó có 9 dự án hoàn thành phát điện, đóng góp cho ngân sách tỉnh trên 1.000 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, bằng nhiều giải pháp tích cực, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, công tác di dân tái định cư các thủy điện- một trong những chương trình trọng điểm của tỉnh sau khi chia tách- đạt nhiều kết quả tích cực.

Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; chủ quyền biên giới Quốc gia được giữ vững….

Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển mạnh của khu vực miền núi phía Bắc

15 năm, có thể nói, Lai Châu đã đi trọn một hành trình, từ một địa phương “đặc biệt khó khăn” để trở thành một miền đất đang tiệm cận mục tiêu “trở thành một tỉnh phát triển mạnh của khu vực miền núi phía Bắc”. “Lai Châu đã đạt được các kết quả toàn diện trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Trung ương, chính sách an sinh xã hội khi hầu hết các chỉ tiêu của giai đoạn 2015 - 2020 đã hoàn thành, góp phần tích cực vào kết quả chung của cả nước” - đó là đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu ngày 5/12/2018.  Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra bất cập trong phát triển của tỉnh Lai Châu là tăng trưởng dịch vụ thấp hơn tăng trưởng kinh tế và đề nghị tỉnh ưu tiên phát triển dịch vụ thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, hoạt động của các chợ nông thôn... Lai Châu cần có Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn để tập trung huy động nguồn lực phát triển kinh tế; cần tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như chè, cao su, táo mèo, mắc ca... ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp…

Phiên chợ San Thàng vào ngày cuối năm.

Phiên chợ San Thàng vào ngày cuối năm.

Những chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng chính là những điều Lai Châu đang trăn trở, rút kinh nghiệm. Với công tác xóa đói, giảm nghèo, bên cạnh quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,38%, trong năm 2019, Lai Châu xác định rõ công tác giảm nghèo gắn với xây dựng Nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đã đề ra, Lai Châu cũng xác định rõ phải đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bền vững; Chú trọng đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao; Tiếp tục các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, có cơ chế chính sách đột phá thu hút tổ chức, cá nhân doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ vùng nông thôn; Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, kiên cố; gắn xây dựng Nông thôn mới với quy hoạch nông nghiệp, đô thị; Xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia…

Đặt ra mục tiêu không khó nhưng biến mục tiêu thực là điều không dễ dàng, nhất là với một tỉnh miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn như Lai Châu. Tuy nhiên, với những gì đã làm nên một Lai Châu với rất nhiều những đổi mới tích cực toàn diện 15 năm qua - sự vào cuộc quyết liệt, sự chỉ đạo sát sao, sự đồng thuận cao, sự vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu - tin chắc rằng, cũng sẽ là những nhân tố giúp Lai Châu hiện thực hóa mục tiêu “trở thành một tỉnh phát triển mạnh của khu vực miền núi phía Bắc”.

Việt Cường - Đào Vinh - Bá Quỳnh - Cảnh Võ

Tin khác

“Sống hẹp” trong khu phố nghìn tỷ giữa lòng Thủ đô

“Sống hẹp” trong khu phố nghìn tỷ giữa lòng Thủ đô

(CLO) Con ngõ chỉ vừa vặn một người đi, bước vào trong ngỡ đến một thế giới khác được xuất hiện ngay sau những hàng quán xa hoa, lộng lẫy là “đặc sản” của phố cổ Hà Nội.

Đời sống
Lật thuyền do mưa lớn, 2 người phụ nữ mất tích ở hồ thủy điện Sơn La

Lật thuyền do mưa lớn, 2 người phụ nữ mất tích ở hồ thủy điện Sơn La

(CLO) Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đang nỗ lực tìm kiếm hai phụ nữ mất tích sau khi thuyền của các nạn nhân bị lật do giông gió lớn trên hồ thủy điện Sơn La.

Đời sống
Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024

Khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024

(CLO) Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.

Đời sống
Kon Tum: Gần 9ha rừng thông bị ngọn lửa thiêu rụi

Kon Tum: Gần 9ha rừng thông bị ngọn lửa thiêu rụi

(CLO) Một hộ dân tiến hành dọn, đốt rẫy tuy nhiên do trời nắng nóng kéo dài cộng thêm gió to khiến ngọn lửa cháy lan, thiêu rụi gần 9ha rừng thông ba lá.

Đời sống
Lào Cai: Gió lốc bất ngờ xảy ra làm 113 ngôi nhà dân vùng cao bị hư hại trong đêm

Lào Cai: Gió lốc bất ngờ xảy ra làm 113 ngôi nhà dân vùng cao bị hư hại trong đêm

(CLO) Hôm qua (18/4), một số huyện trong tỉnh Lào Cai bất ngờ xuất hiện giông lốc cục bộ kèm mưa vừa làm hư hại 113 ngôi nhà của người dân trong đêm tối.

Đời sống