CLO- Văn bản của Vụ 1 - VKSNDTC, VKS Tỉnh Đồng Nai đã khẳng định là vụ án dân sự, TAND Huyện Bắc Tân Uyên – tỉnh Bình Dương đã thụ lý vụ án và tiến hành hòa giải để hai bên thương lượng theo đúng thủ tục. Tuy nhiên, suốt 3 năm qua, Cơ quan Công an vẫn liên tục triệu tập Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Miền Đông lên làm việc theo hướng hình sự hóa vụ việc khiến Doanh nghiệp điêu đứng, đối tác hoang mang.
Giấy mời, Giấy triệu tập hay Kết luận điều tra?
Ngày 15/7/2014, Công an thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 14289-17 giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của ông Nguyễn Thanh Tịnh. Tháng 11/2014, Điều tra viên Trần Ngọc Ẩn (PC46 Công an TP Hồ Chí Minh) bắt đầu làm việc cùng Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương . Hoàn toàn tôn trọng pháp luật và thực hiện đúng chức trách của mình, Sở TNMT Bình Dương đã hợp tác toàn diện, lập Biên bản cung cấp toàn bộ các căn cứ cấp giấy phép, quy trình cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nói chung, cơ sở pháp lý cấp phép và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc cấp phép khai thác khoáng sản số 52b/GP-UBND ngày 26/8/2011 (kèm theo văn bản số 3751/STNMT-TNKS ngày 14/11/2014). Thế nhưng, Sở TNMT cùng các công chức liên quan hoàn toàn bất ngờ khi ngày 16/6/2015 ĐTV Trần Ngọc Ẩn lại gửi 2 giấy mời (lần thứ nhất) cho 2 cán bộ cao cấp của Sở đến trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp Hồ Chí Minh để tiếp tục làm việc theo các nội dung đã thực hiện trong ngày 14/11/2014 trước đó. Ngày 23/6/2015, Sở TNMT Bình Dương đã có văn bản số 1945/STNMT-TNNKS&KTTV nêu rõ quan điểm: “Toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã cung cấp cho ĐTV Trần Ngọc Ẩn tại Biên bản bàn giao hồ sơ tài liệu ngày 14/11/2014. Vì vậy, trong quá trình tìm hiểu về hồ sơ cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 52b/GP-UBND nếu có vấn đề gì chưa rõ, đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp Hồ Chí Minh liên hệ và cử cán bộ đến Sở TNMT Bình Dương để được hỗ trợ”.
[caption id="attachment_29243" align="aligncenter" width="384"]
Giấy mời “kì lạ” của Công an Tp Hồ Chí Minh[/caption]
Tuy nhiên, ngày 24/6/2015, 2 công chức liên quan đến vụ việc của Sở TN MT Bình Dương lại bất ngờ nhận được Giấy mời (lần thứ 2) trong đó ghi rõ Giấy mời lần 1, ngày 16/6/2015 đương sự vắng mặt không có lý do. Trong đó, giấy mời gửi cho bà N.T.H.T là một loại văn bản không rõ là giấy mời hay kết luận điều tra hay Giấy triệu tập? Nội dung Giấy mời ghi rõ: “Yêu cầu bà N.T.H.T có mặt tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp Hồ Chí Minh để trình bày rõ nội dung liên quan đến việc thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty CPMĐ, tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 52b/UBND cho Công ty CP Miền Đông sai quy định, tạo điều kiện cho Trần Thanh Tâm sử dụng làm phương tiện kí hợp đồng và chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH Bảo Thành”. Đặc biệt, Giấy mời này còn có nội dung “Yêu cầu bà N.H.T ký nhận và chuyển lại cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp Hồ Chí Minh để lưu hồ sơ và làm cơ sở áp giải khi không chấp hành giấy mời này”.
Hiện nay, chỉ có Giấy triệu tập là được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, không có một điều khoản hay một văn bản pháp luật nào hiện hành quy định công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước, công chức là bắt buộc phải đến theo yêu cầu. Hay nói cách khác là người được mời có quyền tùy nghi, đến hoặc không đến. Giấy mời này của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp Hồ Chí Minh có nhiều dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật. Thứ nhất: một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đang trong giai đoạn điều tra, bà T. đang là công chức của UBND tỉnh Bình Dương, thuộc quyền quản lý của Tỉnh ủy Bình Dương đã bị kết luận là tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy phép sai quy định là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, môi trường đầu tư của UBND tỉnh Bình Dương (cho rằng UBND tỉnh đã cấp giấy phép sai), đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà T. (Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật). Giấy mời này đã mặc nhiên coi ông Trần Thanh Tâm là tội phạm (chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH Bảo Thành) khi gọi thẳng tên không kèm danh xưng “ông, bà”. Thứ hai, Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý - Chủ biên), NXB Đại học Quốc gia Tp. HCM năm 2010 thì “mời” là: Tỏ ý mong muốn, yêu cầu ai làm việc gì với thái độ lịch sự trân trọng (tr 1059). Nên có thể hiểu “giấy mời” là “mời” được ghi ra giấy, còn đến hay không là do người được mời. Tuy nhiên, ở đây Giấy mời đặc biệt này của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Tp Hồ Chí Minh lại ghi rõ là làm cơ sở áp giải khi không chấp hành. Vậy đây là Giấy mời hay Giấy triệu tập hay Kết luận điều tra? Liệu có ẩn tình gì sau tấm giấy mời “kì lạ” này của ĐTV Trần Ngọc Ẩn?
Tòa, VKSNDTC khẳng định dân sự, Công an xử lý hình sự?
Theo quy định của bộ luật tố tụng Hình sự thì không có văn bản nào được gọi là giấy mời mà chỉ có một loại văn bản mang tính chất bắt buộc – giấy triệu tập. Từ điển không có từ “giấy mời” chỉ có “mời” là: Tỏ ý mong muốn, yêu cầu ai làm việc gì với thái độ lịch sự trân trọng. Nên có thể hiểu “giấy mời” là “mời” được ghi ra giấy. Còn giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định. Về tính chất và hình thức, giấy mời và giấy triệu tập có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Không có một điều khoản hay một văn bản pháp luật nào hiện hành quy định công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước, công chức là bắt buộc phải đến theo yêu cầu. Hay nói cách khác là người được mời có quyền tùy nghi, đến hoặc không đến.
[caption id="attachment_29244" align="alignleft" width="240"]
Văn bản của VKSTC khẳng định không phải việc hình sự[/caption]
Vụ việc lùm xùm bắt đầu từ việc Công ty CP Miền Đông được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đá xây dựng Số 52b/GP-UBND tại mỏ đá xây dựng Thường Tân VII (khu 1 và khu 2) thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (diện tích 30 ha). Do nhu cầu phát triển của Doanh nghiêp, ngày 16 tháng 09 năm 2010 Công ty CP Miền Đông và Công ty TNHH Bảo Thành đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số: 09/2010-HĐHTKD về việc hợp tác đầu tư Khu 1 mỏ đá xây dựng Thường Tân VII, xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác, hai bên nảy sinh những mâu thuẫn nghiêm trọng dẫn đến việc hai bên đâm đơn tố cáo lẫn nhau. Công ty CP Miền Đông tố cáo Công ty TNHH Bảo Thành đã vi phạm hợp đồng, có những hành vi chiếm đoạt tài sản và tiền thuế, phí của Nhà nước với số tiền là: 3,7 tỷ đồng. Công ty CP Miền Đông cũng cáo buộc Công ty Bảo Thành còn có hành vi tự ý khai thác đất sét rồi đem đi tiêu thụ mà không ký hợp đồng mua bán, không báo với Công ty CP Miền Đông nhằm mục đích trốn thuế, phí và chiếm đoạt tài sản với khối lượng đất sét lên tới gần 20,000 m3. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tịnh đại diện Công ty TNHH Bảo Thành lại làm đơn tố cáo ông Trần Thanh Tâm Tổng giám đốc Công ty CP Miền Đông tại Công an tỉnh Đồng Nai, vu khống cho ông Trần Thanh Tâm TGĐ Công ty CP Miền Đông là lừa đảo. Sau khi điều tra, làm rõ vụ việc cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ cho VKSND tỉnh Đồng Nai có ý kiến, ngày 23/07/2013 VKSND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản số 1161/VKS-P1 khẳng định vụ việc này là tranh chấp hợp đồng kinh tế - dân sự không thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Đồng Nai và đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Ngày 14/11/2013, Vụ 1, VKSNDTC đã có văn bản số 182/VKSTC-V1 trả lời đơn của Công ty CP Miền Đông khẳng định đây là vụ việc tranh chấp kinh tế bình thường, trong đó có đoạn: “Căn cứ vào mục 12.4, Điều 12 của Hợp đồng hợp tác số 09/2010-HĐHTKD các bên đã thỏa thuận trường hợp có nội dung tranh chấp không tự giải quyết được thì hai bên thống nhất nộp đơn lên Tòa án Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết. Vì vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu phát sinh tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”.
Tuy nhiên, chưa rõ lý do gì mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp.HCM chỉ đạo PC46-Công an Tp.HCM thụ lý điều tra về việc tranh chấp Hợp đồng kinh tế - dân sự giữa Công ty Cổ phần Miền Đông và Công ty TNHH Bảo Thành. Tiếp đó, cơ quan này liên tục triệu tập ông Trần Thanh Tâm Tổng giám đốc Công ty CP Miền Đông yêu cầu đến làm việc. Cứ vài tháng, Điều tra viên lại gửi Giấy mời ông Tâm đến làm việc vài lần, chỉ tính riêng trong tháng 10/2014, phía Cơ quan điều tra đã 3 lần gửi Giấy triệu tập, nội dung làm việc thì theo như Đơn tố cáo là “hết sức sơ sài” chỉ lặp đi lặp lại một vài câu hỏi. Không thể yên ổn làm ăn, Doanh nghiệp này đang bị đẩy đến bờ vực phá sản, các đối tác Công ty nghi ngờ, cuộc sống của hàng trăm cán bộ, công nhân bị đe dọa …
Đề nghị Công an Tp Hồ Chí Minh sớm giải quyết vụ việc, đảm bảo đúng pháp luật để tránh vụ việc điều tra kéo dài nhiều năm không kết thúc, gây thiệt hại cho Doanh nghiệp, tổn hại đến uy tín của UBND tỉnh Bình Dương và môi trường đầu tư của tỉnh này.
Điểm 1.4, mục 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/01/2006 của Bộ Công an ban hành hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, quy định:
“Nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v. làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra”.
NHÓM PVĐT