65 năm ngày ký Hiệp định Geneva (20/7/1954-20/7/2019):

Đấu trí ở Geneva

Thứ bảy, 20/07/2019 07:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) 65 năm trước, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chiến ở Việt Nam đã được ký tại Geneva (Thụy Sĩ). Tuy nhiên, để Hiệp định quan trọng và đặc biệt có ý nghĩa với cách mạng Việt Nam này được ký kết, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải trải qua những ngày đấu trí vô cùng căng thẳng.

Tâm thế người chiến thắng

Ngày 8/5/1954, một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Hội nghị Geneva về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức khai mạc. Bởi vậy có thể nói, phái đoàn Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng- lúc đó là Phó Thủ tướng làm Trưởng đoàn – đã đến dự hội nghị với tâm thế vững vàng của một dân tộc đang trên thế thắng trong cuộc chiến Điện Biên Phủ. 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Geneva, tháng 5/1954. Ảnh: T.L

Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Geneva, tháng 5/1954. Ảnh: T.L

Trước đó, xác định tầm quan trọng của việc phải giành được thắng lợi tại Hội nghị Geneva, ngay từ tháng 3/1954, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các bước thành lập Đoàn đi dự Hội nghị. Ngoài Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Trưởng đoàn, tham gia phái đoàn Việt Nam còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu... Bộ Ngoại giao còn chỉ thị cho hai Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô và Trung Quốc tìm hiểu các vấn đề liên quan có thể diễn ra tại Hội nghị Geneva và lập trường của Liên Xô và Trung Quốc về giải pháp; đồng thời lập Ban công tác ở Bắc Kinh với nhiệm vụ phối hợp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc chuẩn bị các tài liệu cho Hội nghị. "Phương châm đấu tranh của ta là vừa đánh, vừa nói chuyện. Phải chủ động cả hai mặt nhưng yếu tố quyết định vẫn là đấu tranh quân sự. Ta càng đánh càng thắng, nói chuyện càng thuận lợi... Phải tích cực chủ động cả về quân sự lẫn ngoại giao", Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng nêu rõ trong báo cáo trước Hội đồng Chính phủ ngày 15/3/1954.

Hội nghị Geneva năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh: T.L

Hội nghị Geneva năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh: T.L

Cũng cần nói thêm rằng, Hội nghị Geneva được tổ chức theo quyết nghị của Hội nghị ngoại trưởng 4 nước lớn gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin tháng 2/1954 để giải quyết vấn đề chiến tranh tại Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 26/4/1954, khi Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc chiến dịch tấn công đợt 2 ở Điện Biên Phủ thì Hội nghị Geneva bắt đầu được khai mạc. Tham dự hội nghị có đại diện của: Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, chính quyền Bảo Đại, Campuchia và Lào. Tuy nhiên, ban đầu, Hội nghị không bàn ngay về vấn đề Đông Dương, mà về vấn đề chiến tranh Triều Tiên.

Tuy nhiên, 17h30 ngày 7/5/1954, khi tin thất bại của thực dân Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ được gửi về Hội nghị thì ngay sáng ngày hôm sau, 8/5/1954, vấn đề Đông Dương đã ngay lập tức được đưa lên bàn nghị sự. "Chúng tôi nhận được tin chiến thắng Điện Biên Phủ khi đã ở Geneva, chúng tôi phải đi trước để chuẩn bị cho cuộc họp. 5 giờ chiều 7/5/1954, đoàn nhận được tin chiến thắng Điện Biên Phủ. Tin đến không hẹn trước nhưng đúng lúc, đã mang lại niềm xúc động rất lớn cho các anh chị em trong đoàn, không có người nào cầm được nước mắt vì sung sướng"- ông Trần Việt Phương, thành viên Đoàn Chính phủ Việt Nam tại Geneva, nguyên Thư ký riêng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau này bồi hồi nhớ lại.

75 ngày đấu trí, đấu lực

Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia Hội nghị Geneva với lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và của Lào, Campuchia. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài. Lập trường của Việt Nam đã được dư luận tiến bộ ở chính nước Pháp và trên thế giới đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, để “pháp lý” hóa lập trường này, phái đoàn Việt Nam đã phải trải qua 75 năm ngày đấu trí, đấu lực căng thẳng trên bàn đàm phán.

Khai mạc ngày 8/5/1954, kết thúc vào ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneva được chia làm 3 giai đoạn đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp Trưởng đoàn.

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phái đoàn VNDCCH tiếp các nhà báo dân chủ sau khi Hội nghị Geneva kết thúc, tháng 7/1954. Ảnh: Lưu trữ BNG

Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phái đoàn VNDCCH tiếp các nhà báo dân chủ sau khi Hội nghị Geneva kết thúc, tháng 7/1954. Ảnh: Lưu trữ BNG

Giai đoạn một của Hội nghị diễn ra từ ngày 8/5/1954 đến ngày 19/6/1954. Trong giai đoạn này, ngoài việc trao đổi chương trình nghị sự, các đoàn trình bày lập trường về giải pháp cho vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là việc ngày 10/5/1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu đưa ra lập trường 8 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là giải quyết đồng thời cả hai vấn đề quân sự và chính trị, giải quyết đồng thời cả ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia. Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia. Quân đội nước ngoài phải rút khỏi ba nước Đông Dương, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 

Ngày 25/5/1954, trong phiên họp hẹp, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa ra hai nguyên tắc cho vấn đề đình chiến: ngừng bắn hoàn toàn trên toàn cõi Đông Dương, và điều chỉnh vùng trong mỗi nước, trong từng chiến trường trên cơ sở đất đổi đất để mỗi bên có những vùng hoàn chỉnh tương đối rộng lớn thuận lợi cho quản lý hành chính và hoạt động kinh tế. Đại diện các bộ tư lệnh có liên quan nghiên cứu tại chỗ những biện pháp ngừng bắn để chuyển tới hội nghị xem xét và thông qua.

Ngày 27/5/1954, Đoàn Pháp đồng ý lấy đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm cơ sở thảo luận về đề nghị đại diện của hai Bộ Tư lệnh gặp nhau ở Geneva để nghiên cứu việc chia ranh giới những khu vực tập trung quân ở Đông Dương.

Tuy nhiên, đến cuối giai đoạn 1,các bên tham gia đàm phán vẫn thăm dò lẫn nhau về giải pháp và đưa ra lập trường của mình mà không đi đến một thỏa thuận thực chất nào. 

Giai đoạn hai của Hội nghị diễn ra từ ngày 20/6/1954 đến ngày 10/7/1954. Trong giai đoạn này, hầu hết Trưởng đoàn các nước về báo cáo, chỉ có Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ở lại, vì thế giai đoạn này cũng không có các phiên họp toàn thể, cũng không đạt được thỏa thuận nào đáng kể. 

Gay cấn nhất, căng thẳng nhất và đi được đến thỏa thuận cuối cùng là giai đoạn ba của Hội nghị, diễn ra từ ngày 11/7 đến ngày 21/7/1954. Trong 10 ngày cuối cùng của Hội nghị Geneva này, các đoàn đã làm việc rất khẩn trương để giải quyết những vấn đề then chốt. Về vấn đề đình chiến ở Lào và Campuchia, Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đấu tranh quyết liệt, nhưng chỉ giành được khu tập kết cho Phathet Lào ở hai tỉnh, mà không đạt được việc điều chỉnh vùng đóng quân cho Khơme Itsarak. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Pháp cũng đàm phán rất gay go về phân chia vĩ tuyến, thời hạn tổ chức tổng tuyển cử và các điều khác của Hiệp định. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vĩ tuyến 16 và tổng tuyển cử sớm.

Ngày 19/7/1954, ba đoàn Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc thống nhất đưa cho đoàn Pháp phương án cuối cùng giới tuyến đi qua đường số 9 mười km. Phương án này được Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gợi ý từ tháng 6, nhưng phía Pháp vẫn đòi đi qua vĩ tuyến 18.

Tại cuộc họp toàn thể thứ 8 tiến hành từ 17 giờ 15 phút tới đêm 20/7/1954, 5 trưởng đoàn Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam vào phút chót mới thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân vùng, và thời hạn tổng tuyển cử ấn định là hai năm.

Tới 24h ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Sau đó, Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào, Campuchia cũng được ký.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (ngồi bên phải), phái đoàn VNDCCH và tướng Pháp Henri Delteil, Quyền tổng Tư lệnh lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, phái đoàn Pháp ký Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (ngồi bên phải), phái đoàn VNDCCH và tướng Pháp Henri Delteil, Quyền tổng Tư lệnh lực lượng Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, phái đoàn Pháp ký Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Và cuối cùng chiến thắng trên chiến trường, cùng với sự khôn khéo, giữ vững nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sau hơn hai tháng đấu tranh, đêm 20 rạng ngày 21/7/1954, tại trụ sở Hội Quốc Liên (nay là Liên hợp quốc) ở Genève, Hội nghị Geneva về Đông Dương đã kết thúc, ra Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điểm, trong đó điều khoản các nước tham gia Hội nghị Geneva cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. 

75 năm ngày đấu trí trên bàn đàm phán, việc Hiệp định Geneva về Đông Dương được ký kết là một thành công lớn của ngoại giao Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên ngoại giao Việt Nam tham dự một cuộc đàm phán đa phương với sự tham gia của các cường quốc để bàn về các vấn đề liên quan tới quyền cơ bản của chính dân tộc mình.

Hiệp định Geneva khẳng định rõ sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và việc rút hoàn toàn quân đội Pháp ra khỏi Việt Nam; tạo nên cơ sở pháp lý và nền móng để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh bền bỉ đi tới thắng lợi, giành được hoàn toàn độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước 20 năm sau đó.

Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, ngay từ ngày Hội nghị Geneva bắt đầu, đoàn Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế, tích cực làm việc với các đoàn Liên Xô (trước đây), Trung Quốc và Pháp, tổ chức họp báo, gặp gỡ hàng trăm đoàn thể nhân dân và chính giới Pháp để bày tỏ thiện chí và quyết tâm của ta, tố cáo hành động hiếu chiến và âm mưu phá hoại của các lực lượng thù địch. Các hoạt động này đã góp phần làm cho dư luận Pháp và quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam, buộc Chính phủ Pháp phải chấp nhận phương án về một giải pháp toàn bộ đối với Việt Nam và Đông Dương.

Hà Anh 

Tin khác

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

(CLO) Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao".

Tin tức
Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng "chỉ khi nào công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp lại thì mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế".

Tin tức
Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

(CLO) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng.

Tin tức
Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Tin tức
Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức