Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Mai Văn Lạng cho biết không phải ngẫu nhiên mà trong hơn chục loại hình nghệ thuật của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì có đến 8 loại hình là âm nhạc dân gian truyền thống như: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca Trù, Quan họ, Hát Xoan, Đờn ca tài tử, Ví Giặm, Hát Văn. "Đó là điều quý giá của dân tộc nhưng dường như đang bị xem nhẹ. Những chỗ nào được đầu tư nhiều tiền nhất, quảng bá rộng rãi nhất thì không phải âm nhạc dân gian. Tôi hình dung âm nhạc dân gian đang nằm ở ria của đời sống thị trường hiện nay”, nhà nghiên cứu Mai Văn Lạng trăn trở.
Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Mai Văn Lạng - Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam đang tác nghiệp
Theo anh, để có người hát một bài dân ca đúng nguyên gốc là rất khó, thậm chí vài chục năm mới có một người. Đó không chỉ là năng khiếu, hát đúng, hát đủ mà còn phải được thổi hồn vào trong câu hát. Tức là người hát phải thổi được ảnh, được bóng, được hình vào trong câu hát để người nghe nhắm mắt lại là tưởng tượng ra không gian vùng quê xuất xứ của làn điệu dân ca đó. Anh cho biết, hiện nay mặc dù Nhà nước đã đầu tư rất nhiều cho công tác đào tạo một số loại hình âm nhạc dân gian như: chèo, cải lương, ca Huế, quan họ… nhưng dường như vẫn là chưa đủ. Nhưng anh cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn là hiện nay càng đào tạo lại càng hỏng. Một phần là do trình độ của thầy, cô cũng chưa thật chuyên sâu, sự tâm huyết cũng chưa đủ lớn, trong khi do mặt trái của nền kinh tế thị trường, sinh viên đi học lại quan tâm phần lớn là lấy tấm bằng.
Là người nhiều năm lăn lộn trong công tác sưu tầm dân ca, anh cho biết hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số đang bị người Kinh đồng hóa, họ đang ngày càng không giữ được chữ viết, tiếng nói của chính dân tộc mình. Đây là điều rất nguy hiểm và là nguyên nhân cho sự thất truyền của các làn điệu dân ca đặc sắc. Hơn nữa, khi biểu diễn các loại hình âm nhạc dân gian phải có không gian văn hóa phù hợp. Thí dụ như: Ví Phường vải được hát lên khi đang dệt vải, Ví Phường nón được hát lên khi đang đan nón, Hò sông Mã được hát lên khi chở hàng hóa qua sông Mã bằng thuyền hoặc đò chèo tay… Vậy nhưng những phương thức làm ăn ấy hiện nay không còn nữa.
“Có chăng một vài nơi cố tạo ra không gian văn hóa như cách tạo ra nhà chứa thì lại gặp một vấn đề bất cập nữa là: Trong thời đại mới lời cổ có nội dung không phù hợp với tính đương đại. Trong dân ca nhạc cổ có những cách gọi như: chàng với nàng, thiếp với chàng... ngày nay không còn phù hợp hoặc các bài dân ca gắn với các nghi lễ, phong tục, tập quán, hay các buổi sinh hoạt tập thể ngày nay đã không còn tồn tại. Trong khi đời sống mới có biết bao chủ đề mới mẻ, hấp dẫn cần phải cổ vũ, động viên, khích lệ như: Ca ngợi Đảng, đất nước, Bác Hồ; Ca ngợi những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm; Ca ngợi những thành quả của công cuộc Đổi mới; Ca ngợi những thành tựu khoa học, kĩ thuật, giáo dục… tiên tiến, hiện đại….”, nhà nghiên cứu Mai Văn Lạng trải lòng.
Việc bảo tồn và quảng bá âm nhạc dân gian là điều vô cùng bức thiết hiện nay
Vậy phải làm gì để dân ca được bảo tồn và phát triển trong đời thời đại hôm nay? Nhà nghiên cứu Mai Văn Lạng cho rằng Nhà nước cần phải nhanh chóng làm ba việc trước mắt. Đó là quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống của các nghệ nhân. Bởi cuộc sống mưu sinh sẽ khiến những đam mê có thể thể vơi bớt đi sự cháy bỏng, tâm huyết. Ngoài ra, phải tăng cường công tác thu thập, sưu tầm, thu thanh các làn điệu qua phần mềm lưu trữ lâu dài. Đặc biệt, cần phải thành lập nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp chọn lọc những thí sinh thực sự có tố chất đưa vào đào tạo bài bản, tập luyện nghiêm túc. Và theo anh, vấn đề bảo tồn gìn giữ dân ca phía nghệ nhân hiện nay đang làm rất tốt. Anh cũng rất xúc động khi đã bắt gặp những nghệ nhân tự mình bỏ tiền túi đi sưu tầm, lưu trữ, thậm chí còn nuôi các em học sinh đến học tại nhà.
Về phía cá nhân, suốt hơn hai thập niên qua, anh đã soạn lời mới cho hàng trăm bài dân ca ở các thể loại, như: Chèo, tuồng, cải lương, Ví giặm, ca Huế, hò bài chòi, dân ca Nam bộ, quan họ, hát văn, dân ca các dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, anh cũng rất chú trọng đến lượng công chúng là các chiến sĩ Biên phòng, Hải quân nơi “đầu sóng ngọn gió”. Chừng ấy năm theo đuổi dân ca, nhà nghiên cứu Mai Văn Lạng đã đi đến khắp các Đồn Biên phòng trên cả nước, đến với các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Qua những cuộc trò chuyện, anh mới thấu hiểu sự gian khó, vất vả nhưng ấm áp nghĩa tình, lạc quan, yêu đời của họ. Có những người chiến sĩ đã nói với anh rằng: “Chúng em mong muốn được nghe nhiều hơn nữa khúc dân ca qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu”. Chính vì vậy, ngoài việc biên tập, anh đã soạn lời mới cho nhiều bài dân ca đằm thắm, mặn mà để phục vụ các chiến sĩ trên tuyến đầu Tổ quốc, như: “Gửi anh người chiến sĩ Biên phòng”, “Gửi nhớ Trường Sa”, “Nơi biên cương gửi lời về quê mẹ”.
Đức Duy