Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ sự chênh lệch trong lựa chọn tổ hợp thi tốt nghiệp THPT

Thứ hai, 30/09/2024 18:26 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ, liên quan đến dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài; sự chênh lệch trong lựa chọn tổ hợp thi tốt nghiệp THPT; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học…

Ngày 30/9, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, dự kiến chương trình công tác năm 2025 và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Tại cuộc làm việc, Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã đánh giá nhiều kết quả tích cực của ngành Giáo dục trong năm học 2023-2024.

de nghi bo giao duc va dao tao lam ro su chenh lech trong lua chon to hop thi tot nghiep thpt hinh 1

Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, dự kiến chương trình công tác năm 2025 và kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đó là, đã quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

Tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển giáo dục và đào tạo;

Ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao và nhiệm vụ năm học của ngành. Chuẩn bị công phu dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội.

Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 19/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết, Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được giao, bảo đảm lộ trình, tiến độ và chất lượng công việc.

Theo đó, đã phân công cụ thể cho 12 đơn vị thuộc Bộ chủ trì triển khai thực hiện 25 nhóm nhiệm vụ; phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai 3 nhóm nhiệm vụ và phân công rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành 22 văn bản quy phạm pháp luật.

Quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo được đổi mới, đẩy mạnh tự chủ, đổi mới quản trị cho các cơ sở giáo dục; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học. Các địa phương đã chủ động thực hiện phân cấp, phân quyền , nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ.

Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư; sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, sáp nhập điểm trường, làm gọn đầu mối quản lý, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất được quan tâm, một số địa phương đã đầu tư xây dựng các trường mầm non công lập trên địa bàn khu công nghiệp;

Bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố; quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tỷ lệ huy động trẻ em đến trường tiếp tục được tăng lên, đạt 72,6% (tăng 2,2% so với năm học trước) . Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được củng cố, duy trì; phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được các địa phương quan tâm, từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn.

Huy động trẻ em trong độ tuổi vào tiểu học, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật. Năm học 2023 - 2024, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7%; tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 98,17% .

Xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non , các địa phương đã chủ động tự rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn theo quy định .

Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên, học sinh Việt Nam dự thi và đạt nhiều giải quốc tế cao; công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được chú trọng .

Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn.

Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo được quốc tế công nhận và số lượng bài báo quốc tế của các nhà khoa học trong nước ngày càng tăng.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm, số lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được công nhận kiểm định tăng mạnh.

Tiếp tục đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động, tích cực và trách nhiệm triển khai nhiều giải pháp nhằm chuẩn bị tốt cho việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông.

Chủ trương xã hội hóa giáo dục đạt kết quả đáng ghi nhận; một số doanh nghiệp đã xây dựng trường mầm non hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận tại các khu nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ con công nhân lao động;

Các cơ sở mầm non độc lập tư thục, dân lập tăng lên đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh. Một số địa phương đã có các chính sách riêng thu hút phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Bên cạnh đề cập tới hạn chế, tồn tại của ngành Giáo dục, một số vấn đề cũng đã được Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi, đề nghị Bộ GD&ĐT làm rõ, liên quan đến dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài; sự chênh lệch trong lựa chọn tổ hợp thi tốt nghiệp THPT; từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học; xây dựng văn hóa học đường; liêm chính học thuật; vấn đề giải ngân, đầu tư cho giáo dục; xây dựng Luật Nhà giáo; dạy thêm học thêm; tuyển sinh vào lớp 10... Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đại diện các vụ, cục của Bộ GDĐT đã chia sẻ, làm rõ những vấn đề này.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Khởi công xây dựng dự án Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Trà Hiệp

Khởi công xây dựng dự án Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở Trà Hiệp

Với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng, dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học, 4 nhà vệ sinh đã chính thức được khởi công xây dựng. Đây là món quà ý nghĩa của Quỹ Niềm Tin Vàng và PNJ nhằm tiếp thêm động lực cho các thầy cô và học sinh Trà Hiệp - Quảng Ngãi trên hành trình chinh phục tri thức.

Giáo dục
Tạm đình chỉ cô giáo xin tiền phụ huynh mua laptop ở TPHCM

Tạm đình chỉ cô giáo xin tiền phụ huynh mua laptop ở TPHCM

(CLO) Lý do tạm đình chỉ công tác là để xác minh, làm rõ đơn phản ánh, ổn định tình hình phụ huynh và học sinh trong thời gian xem xét hướng xử lý kỷ luật đối với cô giáo T.P.H (Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM).

Giáo dục
Quảng Trị: Tuyên truyền tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội đến cán bộ, giáo viên và học sinh

Quảng Trị: Tuyên truyền tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội đến cán bộ, giáo viên và học sinh

(CLO) Ngày 30/9, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, (tỉnh Quảng Trị), Công an huyện Hướng Hóa, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trường THPT Lao Bảo tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy; an toàn giao thông và phòng, chống các tệ nạn xã hội cho cán bộ, giáo viên và học sinh.

Giáo dục
Bắc Ninh phấn đấu đạt chuẩn 100% phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vào năm 2025

Bắc Ninh phấn đấu đạt chuẩn 100% phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vào năm 2025

(CLO) Đây là mục tiêu nổi bật trong thực hiện Chỉ thị số 29-CT-TW năm 2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 126-KH/TU năm 2024 của Tỉnh uỷ Bắc Ninh về “Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xoá mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông”.

Giáo dục
Thúc đẩy quan hệ hợp tác trong giáo dục đào tạo Việt Nam và Cu Ba

Thúc đẩy quan hệ hợp tác trong giáo dục đào tạo Việt Nam và Cu Ba

(CLO) Thực trạng hiện nay chỉ có 2 sinh viên của Cuba đang học tập tại Việt Nam và 35 sinh viên Việt Nam học tạp và làm việc ở Cu Ba.

Giáo dục