Đây là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà khoa học giải đáp thỏa đáng những thắc mắc của dư luận, nhằm đạt được sự đồng thuận cao của xã hội và người tiêu dùng; đồng thời thông tin toàn diện, rộng rãi đến cộng đồng xã hội về sự chuẩn bị của Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khi đưa xăng E5 vào sử dụng từ 01/01/2018.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định việc thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu sinh học là tất yếu. Chính vì vậy, khi triển khai trên diện rộng, phạm vi toàn quốc, cần tính kỹ đến việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng cũng như phân tích đầy đủ các lợi ích đem lại cho xã hội, cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), do thời hạn chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 sắp đến gần nên phải tăng cường đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông tới cộng đồng, thay đổi nhận thức người tiêu dùng để hiểu rõ tác dụng, hiệu quả của nhiên liệu sinh học; làm tốt công tác thị trường, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa với phương châm “vừa mở rộng thị trường vừa tuyên truyền”; nhanh chóng khởi động, đưa vào sản xuất trở lại nhiên liệu sinh học của 2 nhà máy tại Dung Quất và Bình Phước.
Trình bày tại Hội thảo, đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết tính đến hết tháng 8/2017, cả TP có có 240/533 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5 (tỉ lệ 45%), sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 8.053 m3/tháng, chiếm 6.2% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TP, tăng 78% so thời điểm triển khai thí điểm và giảm 3,3% so thời điểm tháng 10/2016.
Sản lượng tiêu thụ có chiều hướng giảm do người tiêu dùng không có thói quen thay đổi chuyển qua tiêu dùng xăng sinh học E5. Đồng thời, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng A92 là 270 đồng/lít, không hấp dẫn người tiêu dùng và người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khi được giới thiệu và khuyến khích dùng thử.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, trường hợp thay thế 100% xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5, người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay sang sử dụng xăng A95, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng xăng A95 tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung.
Hiện nay, tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường mới chỉ đạt 9% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng.
Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu chính sách, cơ chế hỗ trợ, chính sách giảm thuế, miễn thuế Tiêu thụ đặc biệt (hiện nay DN phải đóng 10% đối với xăng khoáng và 8% đối với xăng E5), phí, môi trường… để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng sinh học E5 thấp hơn giá bán xăng khoáng A92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít, tạo được yếu tố hấp dẫn, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng.
Theo ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng dù xăng E5 đang được bán song song cùng xăng khoáng, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với loại xăng này. Việc thay đổi tập quán và nhận thức của người tiêu dùng đối với xăng sinh học luôn là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng từ trước đến nay, nhất là khi chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng A92 không đủ sức thu hút họ.
N.M