Tuy nhiên cho đến nay, khó có thể nói rằng việc "tố" nhau xuất phát từ động cơ tìm kiếm sự phân minh, sòng phẳng trong cạnh tranh; hay đây chỉ là chiêu thức "gây chuyện", nhằm "tạo sóng" cho thị trường trong lúc bình lặng?
Liên tiếp "tố" lẫn nhau
Tháng 3.2009, EVN đã châm ngòi cho cuộc chiến "tăng phí treo cáp" đối với các DN viễn thông. Việc đem sức mạnh độc quyền hệ thống cột điện ra để "đánh úp" các DN viễn thông đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội. Trong khi EVN doạ sẽ cắt cáp, tháo dỡ hộp... thì các DN viễn thông cũng nhất định không chấp nhận mức giá do EVN đưa ra. Cục diện của cuộc đôi co cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Nối tiếp sau đó, Viettel cũng chuẩn bị chu đáo và châm ngòi cho cuộc chiến với MobiFone. Lần này không dừng lại ở sự tranh cãi đôi co, Viettel đã có công văn gửi lên Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) và kiến nghị làm rõ, xử lý những vi phạm. Thế nhưng ngay sau đó, các DN viễn thông khác lại tố ngược Viettel cũng đã từng áp dụng những tiểu xảo tương tự trong cạnh tranh. Nhằm tránh những đối đầu và hệ luỵ không đáng có, Viettel đã dừng cuộc chơi.
Không để dư luận nguội lạnh, mới đây các DN viễn thông lại tố EVN chèn ép đối thủ. Cụ thể các DN này cho rằng, EVN cậy thế độc quyền nguồn điện năng; khi các DN viễn thông muốn lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS) thì phải xây dựng trạm biến áp.
Đại diện Viettel từng phát biểu khá gay gắt tại một hội nghị về hạ tầng viễn thông rằng: Mỗi trạm BTS chỉ tiêu thụ điện năng tương đương với 2 cái bàn là, thế nhưng gần như cứ xây trạm BTS là bị điện lực địa phương bắt... xây trạm biến áp. Cá biệt, nhiều trạm biến áp của các DN đành phải dùng máy nổ vì EVN nhất định không cung cấp điện... Lý giải vấn đề này, EVN cho rằng không có chủ trương làm khó các DN.
Chỉ để gây chuyện?
Có thể nhận thấy ngay rằng, trước mỗi sự việc các DN đều có lý sự để biện hộ cho việc làm của mình. Tuy nhiên, chỉ có điều là tất cả những lý sự này xem ra đều khá hợp lý trên toàn bộ sự... không hợp lý trong sự cạnh tranh và phát triển.
Với cuộc chiến "tăng phí treo cáp", rõ ràng các DN viễn thông đã không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về quy hoạch, phát triển hạ tầng. Vì thế khi "ký sinh cáp" trên cột điện, EVN mới có thể dùng sự độc quyền để ép giá. Sự bất hợp lý này khiến cho tất cả các bên đều lúng túng; đồng thời biết việc nhưng lại không thể giải quyết sự việc.
Với cuộc xung đột Viettel và MobiFone, cả hai bên đều từng là "thủ phạm" và "nạn nhân" của nhau. Song, sự bất hợp lý là ở chỗ cả hai bên đều đã biết khai thác lỗ hổng quản lý để áp dụng những tiểu xảo, phù hợp với chiến thuật cạnh tranh trong từng thời điểm. Tương tự ở mâu thuẫn giữa các DN viễn thông với EVN trong việc xây trạm biến áp; sự phi lý khiến các DN phải chấp nhận bởi lẽ nếu không thì khó có thể phát triển được mạng lưới, khó gia tăng thuê bao và đánh mất thị phần...
Đến đây, câu hỏi lớn đặt ra là: Mục đích của các cuộc "tố" nhau có phải là hướng đến sự phân minh trong cạnh tranh? Câu trả lời là "không"; bởi lẽ, nếu đạt đến độ phân minh thì có lẽ các DN sẽ phải trả giá đắt hơn cho sự đầu tư, phát triển của mình. Chính vì thế, chỉ khi "cơm không lành, canh chẳng ngọt" thì các DN mới "tố" nhau. Sau đó, các DN lại dễ dãi chấp nhận sự bất hợp lý để cùng tồn tại trong sự mâu thuẫn âm ỉ.
Đằng sau những cuộc chiến đã cho thấy những hệ luỵ. Rõ ràng với việc chia rẽ, bất hợp tác, thậm chí là "phá" nhau; các DN sẽ phải tốn kém thời gian, công sức cho những cuộc chiến. Nhưng hệ luỵ lớn hơn thế chính là sự manh mún về quy mô, phân tán nguồn lực, lãng phí trong đầu tư... trong khi tất cả đều là những DN "đầu tàu" nhà nước.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng (NTD) chính là nhóm nguy cơ gánh chịu thiệt hại khi mà việc cắt cáp đi kèm với cắt dịch vụ, cắt điện hoặc không có điện đi kèm với nguy cơ mất liên lạc... Cuối cùng, cục diện những cuộc chiến cũng đã phản ánh sự kém minh bạch trong cơ chế quản lý và điều hành. Với lỗ hổng này, nguy cơ về những cuộc chiến tương tự sẽ vẫn còn có thể xảy ra, trong khi thiệt hại của Nhà nước và NTD cũng luôn tiềm ẩn mỗi khi các DN "gây chuyện".