Để sẵn sàng cho một năm học mới!

Thứ năm, 15/08/2024 09:43 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chỉ còn 3 tuần nữa năm học mới 2024-2025 sẽ bắt đầu. Một năm học, như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn: “Rất nhiều việc lớn đang đặt ra cho chúng ta trong năm học mới; yêu cầu từ Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đến lãnh đạo các tỉnh/thành, các cấp cơ sở giáo dục và từng giáo viên tinh thần cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, đổi mới và vượt lên chính mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ toàn ngành và nhiệm vụ từng địa phương”.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học 2024 - 2025 là năm học với rất nhiều những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành giáo dục. Trong đó, đáng chú ý năm học 2024 - 2025 là năm kết thúc triển khai Chương trình GDPT 2018 ở cả 3 lớp cuối cấp và đổi mới thi, tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT cho lớp 12 phù hợp với chương trình mới, tiến hành tổng kết, đánh giá chặng đường đổi mới GDPT, giải quyết những tồn tại, khó khăn trước mắt và điều chỉnh chương trình cho phù hợp hơn; bước vào chặng đổi mới theo chiều sâu chất lượng trong thời gian sắp tới.

de san sang cho mot nam hoc moi hinh 1

Năm học 2024 - 2025 còn là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, do đó, Bộ trưởng đề nghị các Sở GD-ĐT lưu ý tham mưu lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm 2025 - 2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó là tham mưu bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%. “Đây cũng là năm chúng ta đề đạt chính sách với Quốc hội, Chính phủ và triển khai thí điểm giáo dục mầm non mới, chuẩn bị các điều kiện để triển khai phổ cập giáo dục mầm non theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với các đồng nghiệp.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trong năm học tới là việc tiếp tục triển khai đẩy mạnh phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, để lực lượng giáo viên yên tâm hơn, thạo nghề hơn, gắn bó hơn với ngành, với công việc.

Những đầu việc nghe ra không quá nhiều, nhưng nếu nhìn vào thực trạng bấy lâu của ngành giáo dục, dễ thấy đây không hề là những đầu việc dễ thực hiện. Câu chuyện thiếu giáo viên là một ví dụ điển hình. Theo một số liệu thống kê, tính đến tháng 4/2024, cả nước thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học. Dự báo năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Ở cấp trung học cơ sở (THCS), môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên…

Tại hội nghị Giám đốc Sở GDĐT năm 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, căn bệnh thiếu giáo viên, khó tuyển dụng giáo viên đang diễn ra tại hầu hết các địa phương được nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT không ngần ngại thừa nhận. Đơn cử, nếu chiếu theo định mức biên chế của Bộ GD&ĐT thì năm học tới, tỉnh Nghệ An thiếu hơn 6.700 giáo viên. Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho hay, để có nguồn bổ sung, UBND tỉnh đã ra văn bản gửi các cơ quan Trung ương đề nghị bổ sung cho tỉnh hơn 6.500 biên chế cho năm học tới. Kết thúc năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 10.000 giáo viên.

Ngành Giáo dục Bắc Giang hiện có hơn 24.400 giáo viên trong biên chế và hợp đồng lao động. Theo ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT, so với số lượng được giao, Bắc Giang đang thiếu hơn 1.400 giáo viên; trong đó có 850 giáo viên mầm non, 300 giáo viên tiểu học, 260 giáo viên THCS.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết dự kiến năm 2024 sẽ tiếp tục đặt hàng 2.083 sinh viên sư phạm để tạo nguồn bổ sung giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên cũng kéo dài nhiều năm nay ở Quảng Nam, nhưng đến nay tỉnh này vẫn chưa có phương án nào khả thi để khắc phục, khiến việc dạy và học gặp nhiều khó khăn.

de san sang cho mot nam hoc moi hinh 2

Điều đáng nói, thiếu giáo viên là căn bệnh trầm kha, nói nhiều nói mãi nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Tình trạng thiếu giáo viên khiến các địa phương, trường học phải “giật gấu vá vai”, co kéo để có thầy, cô giáo từ đó ảnh hưởng rất tiêu cực tới chất lượng dạy và học. Nghịch lý hơn nữa trong khi căn bệnh thiếu giáo viên vẫn chưa có thuốc đặc trị thì lượng giáo viên nghỉ việc dường như vẫn không ngừng tăng theo mỗi năm học. Theo chia sẻ của chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong 3 năm học vừa qua (tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023), tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000 người, bình quân mỗi năm trên 13.000 người. 

Đáng mừng là, năm học mới 2024 – 2025 đang đón đợi thầy và trò không chỉ có những thách thức, lực cản mà đã hé lộ đã cả niềm vui. Đơn cử như thông tin được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra hồi đầu tháng 6 vừa qua về việc đã rà soát các khoản mục chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, các chi phí khâu lưu thông để giảm giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, giá bìa mới của các cuốn sách giáo khoa tái bản áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Đối với giá sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12, là các lớp năm đầu thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản. Trước thềm năm học mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản -Thiết bị Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức các đợt trao tặng sách cho học sinh nghèo, học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và thư viện một số trường học trên cả nước.

Từ khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, vấn đề giá sách giáo khoa luôn là mối quan tâm của phụ huynh, học sinh, nhà trường và xã hội bởi giá các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới cao hơn so với giá sách giáo khoa của Chương trình trình giáo dục phổ thông 2006. Vì vậy, thông báo giảm giá sách giáo khoa năm học 2024 - 2025 của các nhà xuất bản là tín hiệu tích cực nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, góp phần giảm gánh nặng tài chính mỗi dịp năm học mới, cao hơn thế, giúp giảm gánh nặng, đảm bảo an sinh xã hội.

Rõ ràng là, như nhìn nhận của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, rất nhiều việc lớn đang đặt ra cho ngành giáo dục trong năm học mới. Nhưng nếu tất cả cùng chung tay, không chỉ là nỗ lực của riêng ngành giáo dục, chắc hẳn sẽ cùng giảm thiểu những hạn chế tồn tại, để mùa tựu trường 2024-2025 lại sẽ bắt đầu với trọn vẹn những háo hức, niềm vui của các em học sinh, để thầy trò vững tâm bước vào năm học mới, dạy tốt, học tốt.

Nguyễn Hà

Bình Luận

Tin khác

Cởi trói cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Có phát sinh thêm tiêu cực?

Cởi trói cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường: Có phát sinh thêm tiêu cực?

(NB&CL) Theo các chuyên gia và nhiều phụ huynh, học thêm cần được quản lý một cách khoa học, tránh phát sinh tiêu cực, học tập không nên nặng về kiến thức hàn lâm khiến học sinh mệt mỏi, đi chệch hướng so với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giáo dục
Hợp tác với Mỹ để đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Hợp tác với Mỹ để đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

(CLO) Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã thông tin tới ông Amit Sevak (Chủ tịch Viện Khảo thí Hoa Kỳ) về chủ trương mới của Việt Nam từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Giáo dục
Ninh Bình: Tạm thời đình chỉ công tác nữ giáo viên tiểu học có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh

Ninh Bình: Tạm thời đình chỉ công tác nữ giáo viên tiểu học có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh

(CLO) Một phụ huynh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng đã có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng về việc giáo viên chủ nhiệm lớp đã có những lời nói xúc phạm, hành vi không đúng chuẩn mực, gây áp lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của học sinh.

Giáo dục
Tổng thu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng mạnh: Mừng hay lo?

Tổng thu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng mạnh: Mừng hay lo?

(CLO) Việc nhà trường mở các khoa chất lượng cao, liên kết quốc tế trong đào tạo đại học với mức học phí cao đã tạo nên nguồn thu cho nhà trường, giúp trường đạt tổng thu trên 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, bài toán đặt ra hiện nay ở chương trình đại trà mức học phí thấp liệu có duy trì được chất lượng.

Giáo dục
Viện VJCC – Trường Đại học Ngoại thương tiếp đón Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro

Viện VJCC – Trường Đại học Ngoại thương tiếp đón Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro

(CLO) Mới đây, Phân Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC - HCMC) – Trường Đại học Ngoại thương đã vinh dự đón tiếp Ngài Komura Masahiro - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản ghé thăm trong khuôn khổ chuyến công tác tại Việt Nam.

Giáo dục