Vậy tờ báo in VNTN ĐANG như thế nào mà lại bàn đến hai chữ phát triển đây? Xin được lược đôi dòng. Ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc, từng là trung tâm của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Thái Nguyên không những có kinh tế công nghiệp phát triển mà đào tạo cũng đứng thứ ba cả nước, lượng sinh viên và cán bộ khoa học thường xuyên ngót nửa triệu người. Là cái nôi của báo chí cách mạng, tiếp thu những thành quả đã có, truyền thông Thái Nguyên thuộc diện được đầu tư và phát triển mạnh: tờ báo của Đảng bộ phát hành nhật báo, Đài PTTH tỉnh phát sóng qua vệ tinh với 02 kênh TN1, TN2, 01 kênh phát thanh có độ phủ sóng rộng. Đài PTTH Thái Nguyên là đài phong phú, đa dạng về nội dung, phục vụ cho nhiều dân tộc thiểu sổ trong và ngoài vùng: tiếng Tày, Dao, Mông… các tiếng nước ngoài Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc. Với VNTN cũng là tờ báo phát triển khá lâu.
Trước đây là tờ văn nghệ Bắc Thái, tờ báo VNTN in khổ 29x42cm đến nay cũng đã được 27 năm. Ở thời điểm năm 2004, VNTN là nguyệt báo 8 trang. Từ năm 2014 đến nay là tuần báo 12 trang. Để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, từ năm 2016 tờ báo được nối dài bằng trang thông tin điện tử với tên miền vannghethainguyen.vn. Hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích của tờ báo là diễn đàn của văn nghệ sĩ và nhân dân; nơi phục vụ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động văn học nghệ thuật và các lĩnh vực văn hóa xã hội thiết thực khác.
Không bó hẹp đối tượng độc giả, tờ báo phát hành đến thôn, xóm, bản, chi bộ đảng, trường học, bình quân trên dưới 5000 tờ/kỳ. Trang thông tin điện tử cũng có hàng nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Các chuyên mục, chuyên đề của tờ báo cũng hết sức phong phú, thiết thực: nhóm văn học có tính hàn lâm gồm trao đổi, nghiên cứu văn học nước ngoài, đến với tác phẩm nghệ thuật chữ và nghĩa; nhóm bình dân có các mục chuyện người chuyện ta, câu chuyện văn hóa, văn hóa đời sống; nhóm giải trí, sân chơi có sáng tác thơ, chuyện ngắn, tản văn… Đặc biệt vượt qua hạn chế trong tư duy của một tòa soạn báo văn nghệ cấp tỉnh, VNTN thu hút sự quan tâm, đóng góp đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình có tên tuổi và vị trí trong văn đàn cả nước nên tầm vóc tờ báo luôn được khẳng định. Với lực lượng chưa đến 10 người nhưng VNTN đã khéo léo tổ chức tòa soạn một cách hiệu quả nhất, đặc biệt kinh phí được tỉnh hỗ trợ hạn hẹp nhưng tòa soạn vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn tranh thủ sự giúp đỡ để phục vụ một cách tốt nhất.
Nhưng câu hỏi đặt ra hôm nay là làm gì và làm thế nào để tiếp tục phát triển tờ báo văn nghệ của một tỉnh trong bối cảnh cạnh tranh với báo in, báo mạng và đặc biệt đang trong hành trình quy hoạch lại báo chí cho phù hợp và hiệu quả.
Thực tế thì ở mỗi địa phương tỉnh, thành hiện nay, tờ báo văn nghệ (hoặc tạp chí văn nghệ) là cơ quan ngôn luận của giới văn học nghệ thuật có vị trí quan trọng và khá chuyên biệt. Sở dĩ những năm qua tờ VNTN dành được sự cảm mến và có vị trí trong lòng bạn đọc, nơi gửi gắm và là sân chơi cho những người yêu văn học nghệ thuật là do tờ báo gián tiếp đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển con người và ổn định xã hội. Cũng là nơi sưu tầm, biên tập và lưu giữ những giá trị văn hóa đã đang có trên địa bàn.
Xu hướng chung là tờ báo (hoặc tạp chí) sau năm 2020 cơ bản phải tự lo trang trải về kinh phí hoạt động, Nhà nước sẽ đặt hàng những vấn đề cụ thể đối với một đơn vị báo chí. Đây là một vấn đề lớn và quan trọng, những người quản lý tờ VNTN và bản thân các biên tập viên ở đây cũng đã sẵn sàng đón nhận bằng cách ngay từ giờ chuẩn bị tốt nội dung, phù hợp với yêu cầu của tỉnh để sẵn sàng khi vào cuộc.
Theo nhà báo, nhà văn Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, Tổng biên tập VNTN thì tòa soạn tập trung vào mấy trọng điểm:
Tòa soạn thực hiện tiêu chí trong biên tập là nhân văn- trí tuệ- phát triển. Các chuyên mục được tăng thêm cho phù hợp với thời kỳ đặt hàng sắp tới là phát hiện, phản ánh, lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn trên địa bàn mà chưa có điều kiện hệ thống lại. Phục vụ xây dựng đảng, chính quyền, phát triển kinh tế xã hội bằng những chuyên mục có chất văn nghệ, thực hiện dưới các loại hình văn nghệ để quần chúng dễ tiếp thu, hứng khởi khi hưởng thụ như xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, gia đình, ứng dụng cuộc cách mạng 4.0 vào thực tiễn.
Để thực hiện những ý tưởng trên cũng đồng thời là thực hiện việc xây dựng một tòa soạn chuyên nghiệp, hội tụ, cùng với tờ báo in không thể coi nhẹ, VNTN tiếp tục phát triển báo mạng, ứng dụng làm báo thời kì hiện đại công nghệ 4.0. Tiếp tục tranh thủ sự đóng góp của đội ngũ cộng tác viên xa gần để tờ báo hấp dẫn hơn, hay hơn. Những người làm báo VNTN bắt đầu làm quen và định hình kinh tế báo chí nghĩa là cũng đã xác định được hướng đi cho tương lai đặc biệt là sản xuất những gì mà thị trường đang cần, chính quyền muốn mua.
Từ thực tiễn một tờ báo văn nghệ in cấp tỉnh cũng đã cho những gợi mở, những suy nghĩ về một hướng đi cho báo chí nói chung hiện nay.
Hữu Minh