Bởi vì sao người ta yêu mùa thu, để thương để nhớ mùa thu trong lòng, đơn giản bởi mùa thu không chỉ đẹp về cảnh sắc của đất trời, tạo vật, mà còn những rung cảm của con người trước vẻ đẹp và sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên.
Heo may về ngang qua phố
Một sớm tỉnh dậy, bước chân ra phố thấy gió heo may thổi, lòng bình yên thấy lạ, khi ấy ta biết rằng đã thật thu. Không khí mang trong mình cái phong vị đặc trưng mà hẳn chỉ mùa thu mới có, có cái bàng bạc lãng đãng của sương, có màu của nắng vàng óng tựa tơ, trong như hổ phách, dệt từng dải sáng qua những tán xanh, trên những nhánh cây khô gầy chỉ còn trơ lại vài chiếc lá vàng vẫn còn ướt đẫm sương mai. Những ngôi nhà cổ im lìm nằm nghe phố thở, như người thiếu nữ chưa tỉnh giấc sau cơn mưa vội vã đêm qua…
Không còn cái oi ả của mùa hè, cũng chẳng có cái buốt giá của mùa đông, lại chẳng hề mang theo tiết mưa dầm sùi sụt mùa xuân. Thu mang đến một Hà Nội với khí trời mát mẻ, tuyệt vời, gây nên những xúc cảm lớn lao,thôi thúc bất kì ai dù khó tính nhất, cũng có thể rời gót ra phố, đi dạo một vòng để cảm nhận mùa thu
Hương sắc mùa Thu
Giữa thiên nhiên trăm sắc nghìn hương, người ta có thể cảm nhận mùa thu Hà Nội theo nhiều cách khác nhau. Không chỉ từ thị giác mà còn có thể cảm nhận bằng khứu giác, thông qua những mùi hương riêng của mùa thu. Không khó để có thể kể ra những mùi hương mang theo cả mùa thu Hà Nội, nào hương ổi, hương cúc, hương lan, hương hoa sữa, hương thị cổ tích, theo gió mà đưa thu đến với người yêu thu…
Không biết từ bao giờ, hoa sữa gắn liền với Hà Nội và mùa thu. Hoa sữa không chỉ đi vào những tác phẩm nổi tiếng nhất viết về mùa thu Hà Nội, mà còn ghi dấu ấn trong lòng bất kì ai có dịp đến với Hà Nội thời điểm này. Với hương thơm đặc trưng của mình, chỉ một cơn gió nhẹ thổi qua, cũng đủ khiến hương hoa sữa thoảng khắp không gian. Loài hoa màu trắng, mọc thành từng chùm trên nền xanh của lá ấy, giờ đây không chỉ ở đường Nguyễn Du nổi tiếng nữa, hoa sữa đã có mặt ở rất nhiều ngã tư, góc phố dường như để góp phần lan tỏa mùa thu.
Những ngày thu, không thể không nhắc đến mùi hương của những trái thị chín vàng, to bằng nắm tay đứa trẻ, tròn quay, tỏa hương dìu dịu khắp căn nhà. Thị không chỉ là món quà mang về cả tuổi thơ, mà còn mang một mùi hương cổ tích, ngọt ngào, đầy nhớ thương gợi ta nhớ về bà, về mẹ trong những câu chuyện cổ tích xưa, với cô Tấm, ông bụt, với bà lão với tấm lòng nhân ái, bao dung.
Với người Hà Nội, hương thu sao có thể thế thiếu được hoàng lan, loài hoa mang dáng hình mong manh, chúm chím như những ngón tay thon dài, tỏa hương thơm ngát ấy, thường mọc trên những cây cao. Hoa nở từng chùm trên cành, khi còn xanh thì lẫn trong màu của lá, đến khi chín rồi thì chuyển sang màu vàng, rung rinh trong gió. Mùi hương hoàng lan vấn vít, dịu dàng vừa cao sang lại gần gũi.
Quãng độ cuối thu, đầu đông là thời điểm cúc họa mi vào mùa. Những bông cúc nhỏ xíu, nhụy xanh vàng được bao bọc bởi những lớp cánh tinh khôi trắng ngần ấy, theo những gánh hàng hoa, len lỏi khắp các con phố của Hà Nội, điểm những nét chấm phá vào bức tranh đầy sắc màu của phố, mang theo cả mùi hương dịu nhẹ, thanh thản chạm vào tâm trí ta.
Món quà của mùa thu
Mỗi độ thu về, người Hà Nội không ai bảo ai cũng đều mong mỏi những gánh cốm Vòng, một mùi hương, một thứ quà đặc biệt mang phong vị Hà Nội và thu.
Đối với cốm, chỉ nghĩ đến thôi người ta cũng đã thấy ngất lên một mùi hương tinh túy của đất trời, mùi hương mang theo cả hương đồng gió nội, của lúa non màu lưu ly được đặt trong chiếc lá sen xanh mướt màu ngọc thạch. Giờ đây, người ta có thể ăn cốm quanh năm, nhưng ngon nhất chỉ có vào cữ thu, bởi khi ấy hạt lúa trời cho hình như mới tiếp nhận đủ tinh hoa,trải qua cái nắng mưa mùa hạ.
Cốm “se duyên” chồng vợ như câu ca “hồng cốm tốt đôi”. Cốm và hồng là cặp đôi nâng đỡ nhau không chỉ ở màu sắc mà còn cả ở hương vị. Một xanh lưu ly, một ngọc thạch lựu, một thanh tao, một ngọt sắc như hòa lấy nhau, vấn vít lấy nhau.
Ta thấy được cốm đã mang trong mình cả vị mùa thu, cái mùi thơm của lúa mới, của cỏ cây thảo mộc rồi cả cái mùi ngát của lá sen ôm ấp lấy từng hạt cốm như còn vương mùi hạ.
Đắc Nguyên - Phạm Đức Anh