Đi theo con chữ vùng cao

Thứ sáu, 03/04/2015 16:41 PM - 0 Trả lời

Đi theo con chữ vùng cao

(Congluan.vn) - Đem con chữ lên vùng cao là một việc làm rất đỗi bình thường mà cũng rất phi thường của những người gieo chữ. Vượt qua bao khốn khó cuộc sống đời thường, họ vẫn miệt mài với tâm huyết: Cho những đứa trẻ vùng cao có được cái chữ!

Những ngày cuối năm, chúng tôi quyết định trở lại những vùng cao thuộc huyện miền núi Vân Canh – Bình Định, nơi người Chăm và Bana thường sinh sống để ghi nhận thêm một bước đi khó nhọc của hành trình đưa con chữ lên vùng cao…

Cô bé nghèo hiếu học

Cô bé Mang Thị Di thật hồn nhiên, nhí nhảnh đang chơi đùa cùng đám trẻ của làng Canh Tân trước một cái sân rộng ở nhà cụ Phạm Thức. Bóng chiều chệch choạng phía sau rặng núi, mặt mày lem luốc bởi những trò tinh nghịch, Di thơ thẩn đi về nhà cách đó chẳng bao xa.

Báo Công luận
 
            Cô học trò nghèo hiếu học Mang Thị Di (áo xanh)
 
Theo chân em, chúng tôi về tận nhà mới hay gia đình Di còn khó khăn nhiều, nhiều lắm. Mới mấy tuổi đầu, Di đã sớm thiếu vắng đi tình thương của cha. Ngày cha Di bỏ đi, 3 mẹ con Di nheo nhóc trong ngôi nhà bé nhỏ, buồn cũng nhiều lắm, nhưng vượt lên trên nỗi đau cộng với sự thất vọng, bà mẹ trẻ ấy quyết lòng gắn sức nuôi hai con và người cha già luôn đau yếu. Không có cái chữ trong đầu, cũng không có cách nào nhớ nổi cái tuổi của mình nên với bà mẹ trẻ ấy thì Di quả là một niềm tự hào. Chị hồ hởi khoe với chúng tôi rằng: “Con Di nó học giỏi lắm! Mình nói thật đấy! Không xạo đâu! Năm nào nó cũng được nhận giấy khen của Nhà nước cả!”.

Nói rồi như sợ chúng tôi không tin, chị vội lật đật với tay lên chiếc rương cũ kỹ, lấy đưa cho chúng tôi xem tờ giấy chứng nhận cấp học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi của Hội khuyến học Bình Định cho “học sinh Mang Thị Di, lớp 3 - Trường tiểu học số 1 thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh – Bình Định)”.

Cả ông ngoại và mẹ Di đều không giấu nổi sự tự hào về Di trong đáy mắt. Ngoại Di nói: “Thật, mình nghèo từ lúc nhỏ, chẳng có điều kiện để học hành. Đến thời mẹ con Di cũng chẳng khá hơn. Mà hồi ấy cách nghĩ lạc hậu của người miền núi mình, ở chốn núi rừng này có nương có rẫy thì sống được rồi, hơi đâu bận tâm đến cái chữ chi cho mệt óc. Bởi vậy, từ bấy đến giờ có biết cái chữ, con chữ là thứ mô tê gì đâu. Bây giờ hối hận cũng đã quá muộn rồi. May thay có cái con Di. Ừ, mà cái con ấy được đấy! Nó thực sự là niềm tự hào của chúng tôi đấy!...”. Mà đúng thật, với hai thế hệ không biết cái chữ trong ngôi nhà nhỏ bé này thì họ đang rất hi vọng vào tương lai con cháu mình rất nhiều…
Báo Công luận
 
 Học sinh vùng cao sau giờ học
 

Nhìn chiếc cặp xách đi học đã cũ mèm, lắm chỗ bung cả chỉ của cô học trò nhỏ học giỏi tên Di kia, chúng tôi không khỏi tò mò, xúc động. Để xem trong chiếc cặp ấy, cô bé có những gì? Chỉ có mấy quyển vở và cuốn sách giáo khoa đầu cuối đều lỗ chỗ chỗ rách. Những nét chữ trong vở của Di hãy còn nghệch ngoạc và cũng khá nhiều lỗi chính tả. nhưng nói gì thì nói, cô bé cũng đang được hưởng những thành quả hiện có của giáo dục miền núi.

Bồi hồi cái chữ ngày ấy

Chị bạn đồng nghiệp của tôi bên báo Bình Định không khỏi chạnh lòng khi nhớ cách đây 15 năm, khi ấy chị hãy còn là một cô phóng viên tuổi đời, tuổi nghề còn non trẻ, hăng hái lên đường đi tới “cổng trời” Canh Liên – một xã cao nhất, xa nhất của huyện miền núi Vân Canh để ghi nhận về công tác giáo dục miền núi và chị đã hoàn toàn thất vọng với cái cảnh trường cũng không mà lớp cũng không. Và cũng buồn thay khi không có giáo viên ở đây và hầu như cả những thế hệ người làng từ trẻ nhỏ cho đến cụ già cũng đều hổng biết đến cái chữ!

Thế rồi năm tháng qua mau, những con số 0 đầy ám ảnh dạo nọ lại lần lượt rời khỏi bản làng heo hút ấy và kéo đó cái đói, cái rét cũng được đẩy lùi. Thử làm một phép so sánh, chúng tôi không khỏi giật mình bởi sự đổi thay nhanh chóng của “cổng trời” Canh Liên. Nếu như ngày trước giáo viên các bản làng vùng cao Vân Canh chỉ là những thầy giáo “cơm chấm cơm” được ngành giáo dục huyện “so bó đũa chọn cột cờ” từ một số ít người có được một ít trình độ về văn hóa trong làng thì ngày nay trái ngược hẳn, “cổng trời” Canh Liên đã trở thành một nơi có đội ngũ giáo viên trẻ nhất và được đào tạo chuẩn nhiều nhất.

Cái trường, cái lớp ngày càng được mở mang, phát triển nhiều hơn theo từng bước chân của người làng. Sự đa dạng của các mô hình trường nội trú, bán trú, thậm chí cái trường được gọi là “trường nhô” cũng xuất hiện đã giữ chân những học sinh người dân tộc thiểu số Chăm và Bana có thể trụ được lại với trường, với lớp mà học từ tiểu học rồi lên cấp 2 và vào cấp 3. Ngày càng ngày trình độ văn hóa của người dân được nâng cao hơn, nhờ đấy mà các bản làng không còn hiếm hoi những học sinh tốt nghiệp cấp 3, đậu đại học…

Báo Công luận
 
Trao học bổng cho học sinh nghèo huyện miền núi Vân Canh
 
Cùng với sự mở mang, phát triển của cái chữ thì theo đó là nhận thức của đồng bào dân tộc miền núi về sự học cũng đã thay đổi hẳn. Nếu như cách đây mấy năm trước, để huy động được đám trẻ con người đồng bào dân tộc thiểu số đến được trường, lớp thì phải “đổ mồ hôi sôi con mắt” và ngành giáo dục địa phương coi đấy quả là một thành công lớn. Thì giờ đây, sự tiến bộ của sự học đã vượt bậc rõ rệt. Với các giáo viên đứng lớp bây giờ vấn đề nan giải chính là phải làm sao để nâng cao được chất lượng giáo dục cho những học sinh người dân tộc!

Khởi sắc giáo dục vùng cao

Trường tiểu học số 1 thị trấn Vân Canh – huyện miền núi Vân Canh đúng thật là một ngôi trường mang đậm những nét rất đặc thù của một ngôi trường miền núi. Ngôi trường ấy là nơi vừa có cả học sinh người Kinh vừa có cả học sinh người dân tộc ít người như: Chăm, Bana… theo học.

Mang tiếng là ngôi trường nằm ở ngay thị trấn, thế nhưng nhà trường vẫn không thoát khỏi mô hình trường có nhiều điểm trường và lớp học hãy còn là lớp ghép. Ở các điểm trường như Đăk Đâm, Canh Tân, Suối Mây… thì mỗi điểm trường chỉ có một lớp 1 cộng với một lớp ghép 2 và 3 với khoảng từ 30 – 40 học sinh. Đã có quá nửa học sinh là con em đồng bào Chăm và Bana trong tổng số hơn 500 học sinh của trường.

Bà Lê Thị Thu Lợi – Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 thị trấn Vân Canh cho biết: “Ở đây, những học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đi học được Nhà nước cấp sách giáo khoa, cấp vở, cấp bút và hầu như chẳng phải tốn một khoản phí nào khác. Thế nhưng để dạy được cho chúng “cái chữ” thì quả thật chẳng phải là chuyện dễ chút nào!”. Năm học 2005, Trường tiểu học số 1 thị trấn Vân Canh đã xây dựng mô hình trường chuẩn quốc gia. Đây là mô hình chuẩn đầu tiên của huyện Vân Canh. Tuy nhiên, để xây dựng được mô hình trường chuẩn quốc gia – một yêu cầu hết sức bình thường của nền giáo dục hiện đại nhưng để có được nó đối với một trường học miền núi lại là một sự nỗ lực hết sức lớn lao.

Bà hiệu trưởng trường tâm sự: “Thú thật, để xây dựng được trường chuẩn quốc gia, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn để nâng cao chất lượng học tập của học sinh người dân tộc ít người. Chỉ riêng một tiêu chí “học sinh vào lớp 1 mười năm trước học hết lớp 5 phải đạt 80% mà mãi đến tận 3 năm trước trường chúng tôi mới đạt được đấy…!”.

Nhiệt huyết gắn bó với ngành giáo dục vùng cao, đã thúc đẩy thầy giáo trẻ Văn Võ Trung Khương suốt 10 năm dài lầm lũi vượt quãng đường 25 km từ thị trấn Vân Canh lên vùng “cổng trời” Canh Liên làm nghề “gõ đầu trẻ”. Ngần ấy thời gian, anh miệt mài tìm cách tiếp cận, giúp học sinh khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập. Và năm học 2012 – 2013, với sự nỗ lực cố gắng của anh và các đồng nghiệp, lần đầu tiên, trường PTDT bán trú Canh Liên có được 13/40 học sinh lớp 9 do anh phụ trách, đã thi đỗ vào trường PTDT nội trú tỉnh Bình Định. Một sự cố gắng đáng được trân trọng.

Cũng tại huyện miền núi Vân Canh này, chúng tôi cũng bắt gặp rất nhiều mảnh đời thường của các giáo viên miền xuôi lên “chi viện” cho miền núi ngay tại nhà công vụ giáo viên của huyện. Nhà công vụ này nguyên thủy chính là một dãy phòng học tiểu học cũ. Cô giáo Lê Thị Hồng Tâm và Nguyễn Thị Giang vốn dĩ là người ở Hà Tĩnh, Nghệ An đã vào Bình Định và lên huyện miền núi Vân Canh này dạy học đã hơn 10 năm nay. Họ đều đã lập gia đình và nhận Vân Canh làm quê hương thứ hai của mình.

Trong một lớp học cũ tuềnh toàng là cuộc sống rất đỗi đời thường của hai gia đình giáo viên và hai bà mẹ trẻ đang phải nuôi con nhỏ. Cuộc sống nơi ấy rất tạm bợ. Nhưng họ đã vượt lên tất cả để sống và dạy học với những gì mà mình có được và cuộc sống của họ tuy khổ nhưng rất hạnh phúc. Cô giáo Nguyễn Thị Giang – người được mệnh danh là “chuyên gia dạy làng”đã cười một cách thân thiện và rồi cô cho chúng tôi hay rằng: “Nơi đây, chúng tôi với tụi học trò, nói thật là ngôn ngữ bất đồng. Bởi thế, cho nên mức độ tiếp thu bài vở của học sinh hãy còn chậm lắm. Tụi nó đến trường học chữ được chữ mất, về nhà thì lại lên nương rẫy phụ giúp gia đình nên thời gian tự học không có. Mà trong khi đó các em vẫn phải học chung một chương trình tiểu học thống nhất cho học sinh cả nước. Cho nên nói gì thì nói, các em học sinh dân tộc miền núi thiệt thòi hơn các em học sinh người Kinh rất nhiều…”.

Báo Công luận
 
Phút hồn nhiên của trẻ vùng cao 
 
Thâm niên nhất trong ngành giáo dục huyện Vân Canh là phải nói đến thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng và cô giáo Đoàn Thị Mai. Họ cũng sống cạnh phòng của hai cô giáo kia và cũng rất hạnh phúc. Đây là những nhà giáo đã từng lăn lộn từ trường này sang trường khác và cuối cùng “duyên nợ xui khiến” họ đã gặp nhau dưới mái trường tiểu học số 1 thị trấn Vân Canh và nên vợ nên chồng.

Nơi vùng cao lắm những khó khăn, vất vả nên họ dễ nhận ra được sự đồng cảm, sẻ chia trong cuộc đời nhà giáo. Dẫu vậy, bao năm qua gian truân trong nghề, ấy vậy mà họ vẫn chưa “tậu” được cho mình một mái nhà riêng. Tuy cuộc sống tạm bợ, qua loa thế nhưng với họ việc dạy học không thể tạm bợ được. Họ vẫn không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong chuyên môn của mình. Hiện tại, chị Mai cũng đã xong hệ tại chức Cao đẳng sư phạm. Còn anh Hoàng thì vẫn tiếp tục đi học. Và điều đáng mừng là trong nhiều năm liền cả hai vợ chồng chị vẫn giữ vững danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Hiện tại, họ vẫn đang “giữ lửa” cho mình để tiếp tục hành trình gieo chữ cho vùng cao Vân Canh hãy còn khó khăn, gian khổ đang đợi ở phía trước…

                                                                                                Hải Âu - Tiểu Tịnh

Tin khác

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục