Dịch bệnh COVID-19 tại ASEAN đang diễn biến phức tạp, khó lường

Thứ sáu, 16/07/2021 06:39 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 15/7, Indonesia ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất thế giới trong khi tại nhiều quốc gia khác trong khu vực ASEAN, tình hình cũng rất đáng quan ngại.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một em bé ở Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: AFP

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một em bé ở Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: AFP

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 15/7, tám quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 88.955 ca mắc COVID-19 và 1.300 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã vượt 5.860.496 ca, trong đó 111.632 người tử vong.

Trong ngày 15/7, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất vẫn là Indonesia với 56.757 ca. Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Malaysia với 13.215 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày ở mức cao kỷ lục. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Malaysia tăng lên 880.782 ca. Tiếp đó là Thái Lan với 9.186 ca, Philippines với 5.221 ca, Việt Nam với 3.416 ca, Campuchia với 996 ca, Lào với 116 ca và Singapore với 48 ca.

Ngày 15/7, Indonesia tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới với 56.757 ca mắc COVID-19 được phát hiện, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này kể từ khi đại dịch bùng phát lên 2.726.803 người.

Hôm qua cũng là ngày thứ hai liên tiếp Indonesia ghi nhận hơn 50.000 ca mắc COVID-19 sau kỷ lục 54.513 ca một ngày trước đó. Chính phủ Indonesia cảnh báo rằng số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 60.000 ca và thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản có 100.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Indonesia cũng ghi nhận thêm 982 ca tử vong trong ngày 15/7 và 70.192 ca kể từ đầu đại dịch. Ngoài 209.186 ca nghi nhiễm, hiện quốc gia đông dân thứ tư thế giới này có 480.199 người mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly điều trị ở nhà.

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia liên tục tăng vọt trong những ngày gần đây dù chính phủ đã áp lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng khẩn cấp từ ngày 3/7 vừa qua tại hai hòn đảo Java và Bali đông dân, trước khi mở rộng sang 15 khu vực khác kể từ ngày 12/7.

Liên quan chương trình tiêm phòng COVID-19, tính đến nay, đã có 39.628.149 người Indonesia đã được tiêm một mũi vaccine phòng COVID-19, trong khi 15.810.099 người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.

Ngày 15/7, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Indonesia đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp với vaccine của Pfize/BioNTech. Theo giám đốc FDA Indonesia Penny Lukito, vaccine được cấp phép sử dụng tại quốc gia này cho người từ 12 tuổi trở lên. Bộ Y tế Indonesia và nhà sản xuất đã đạt thỏa thuận cung ứng 50 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech đến cuối năm nay.

Bên cạnh nguồn vaccine tự đặt mua, Indonesia cũng nhận được những lô vaccine do cộng đồng quốc tế hỗ trợ. Ngày 15/7,  Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Xiao Qian cho biết đến nay các công ty dược phẩm Sinovac và Sinopharm của nước này đã xuất khẩu 16 lô vaccine với tổng cộng 121,9 triệu liều vaccine, trong đó 6,4 triệu liều thành phẩm và 115,5 triệu liều bán thành phẩm sang Indonesia.

Trong khi dịch bệnh COVID-19 tại Indonesia diễn biến phức tạp với số ca mắc mới trong ngày hôm qua cao nhất thế giới thì tại nhiều quốc gia khác trong khu vực, tình hình cũng rất đáng quan ngại.

Tại Thái Lan, số ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 trong ngày 15/7 đã tăng lên mức cao mới, với 98 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hôm qua, nước này cũng ghi nhận thêm 9.186 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số các ca bệnh  từ đầu dịch tới nay lên 372.215 ca, trong đó có 3.032 ca tử vong. Đa số các ca mắc mới và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận kể từ khi làn sóng COVID-19 thứ ba xuất hiện từ đầu tháng 4, với 343.352 ca nhiễm và 2.938 ca tử vong.

Thủ đô Bangkok là địa phương có nhiều ca mắc mới nhất, với 2.224 ca COVID-19 và 51 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 15/7.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết tình hình giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô nước này đang ở mức rất lo ngại, đặc biệt là đối với những bệnh nhân thuộc “nhóm màu đỏ” có triệu chứng nặng và cần máy thở.

Để giải quyết vấn đề thiếu giường bệnh ở Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã đẩy nhanh kế hoạch tăng giường cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể vừa và nặng. Theo Giám đốc Trung tâm Điều hành Khẩn cấp Y tế Công cộng Witoon Anankul, số giường cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ vẫn ở mức khoảng 20%, trong khi các giường khác được cung cấp cho bệnh nhân có triệu chứng trên trung bình là khoảng 10%. Trước vấn đề này, Thái Lan đã đẩy nhanh các biện pháp cách ly tại nhà đối với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ để có thêm giường cho các nhóm bệnh nhân khác.

Trong một diễn biến liên quan, Thái Lan ngày 15/7 đã mở cửa thêm 3 hòn đảo đối với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine COVID-19. Đây là một phần trong nỗ lực của Thái Lan nhằm khôi phục ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Ngày 15/7, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 5.221 ca mắc và 82 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh lên 1.490.665 ca và 26.314 ca tử vong.

Kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 1/2020 đến nay, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 14,7 triệu người. Chính phủ nước này đang cân nhắc việc áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với Malaysia và Thái Lan trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á đang chật vật đối phó với số ca mắc biến thể Delta gia tăng.

Philippines đã cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Oman và các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để ngăn chặn biến thể Delta. Nước này đã phát hiện 19 ca mắc biến thể Delta trong số những người Philippines đang được cách ly ngay sau khi về nước. Đến nay, 18 người đã bình phục trong khi 1 người tử vong. Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque khẳng định đến nay chưa có các ca lây nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng.

Tại Campuchia, dịch bệnh đang tiếp tục có diến biến nguy hiểm khi ngày 15/7 số ca tử vong vì đại dịch được công bố ở mức cao nhất từ trước đến nay với 39 trường hợp. Số liệu của Bộ Y tế Campuchia cũng cho biết trong 24 giờ qua, nước này có thêm 996 ca mắc mới, trong đó 167 ca nhập cảnh.

Làn sóng lao động Campuchia mất việc tại Thái Lan quay trở về nước đang khiến tình hình trở nên nghiêm trọng và làm gia tăng rủi ro lây lan biến thể Delta. Hiện Campuchia có tổng cộng 64.611 ca mắc, trong đó 56.178 người khỏi bệnh và 1.025 người tử vong. Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh đang khiến hệ thống y tế quá tải và đại dịch có thể nằm ngoài tầm kiểm soát.

Năm ngoái, Campuchia là một trong những quốc gia có số ca bệnh thấp nhất trên thế giới, nhưng đợt dịch bệnh bùng phát hồi cuối tháng 2/2021 đã khiến số ca nhiễm mới tăng vọt từ mức vài trăm ca lên hơn hàng chục nghìn ca.

Trên mạng xã hội Twitter, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine nhấn mạnh nước này cần thận trọng và chủ động cùng nhau hành động để thực thi những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 càng sớm càng tốt, đồng thời tránh một thảm kịch về kinh tế và y tế.

Theo bà Or Vandine, Campuchia đã hoàn thành hơn 50% mục tiêu tiêm chủng cho 10 triệu người trưởng thành và nhà chức trách nước này đang cân nhắc tiêm liều nhắc lại. Campuchia đang sử dụng vaccine của các hãng Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe
Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

(CLO) Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Việt Nam về vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP.

Sức khỏe
Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

(CLO) Cắt môi trái tim tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân kém chất lượng, cô gái 25 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây biến dạng môi.

Sức khỏe
TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

(CLO) Sở Y tế TP HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền.

Sức khỏe