(NB&CL) - “Có thể thấy rằng, mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và báo chí là một đòi hỏi tất yếu. Nó thể hiện qua tính xác thực và độ tin cậy của thông tin, là sự tương hỗ hai chiều: doanh nghiệp cần báo chí và báo chí cũng cần doanh nghiệp. Trong quan hệ báo chí với doanh nghiệp cần luôn khẳng định là quan hệ hợp tác bình đẳng chứ không phải cơ chế xin – cho. Doanh nghiệp luôn cần đến báo chí để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh, nguồn tin…”. Đây là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp- Doanh nhân” do báo Nhà báo & Công luận phối hợp cùng báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 9/10/2014 tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhân kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam. Hầu hết các ý kiến thảo luận tại Diễn đàn đều cho rằng: Hành trình trưởng thành của đội ngũ doanh nhân không thể vắng bóng người bạn đồng hành là báo chí. Song những người đồng hành này vẫn cần có sự thấu hiểu nhau hơn để nhịp bước thêm đồng điệu…
Diễn đàn "Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp - Doanh nhân"
Song hành “vượt bão”
Việt Nam đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, ở những mức độ khác nhau đều cần có đủ thông tin để vươn ra “biển lớn”, hội nhập kinh tế thế giới, chiếm lĩnh thị trường và phát triển sản xuất kinh doanh. Báo chí vừa là người cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, vừa là người giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp ra thế giới. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tâm tài luôn được báo chí và xã hội tôn vinh. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn, hơn bao giờ hết, báo chí càng phải sát cánh, đồng hành để cổ vũ, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp. Đó là lý do mà trong phát biểu khai mạc, ông Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam- khẳng định: Dù thực hiện các chức năng khác nhau, nhưng báo chí và doanh nghiệp đều có vai trò trong phát triển kinh tế- xã hội. Thực tiễn cho thấy báo chí có quan hệ gắn bó với doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế và ngược lại. Báo chí trở thành chiếc cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp và nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, giúp Nhà nước điều tiết chủ trương, đường lối cho phù hợp với thực tiễn. Báo chí ngày càng bám sát sự vận động của đời sống xã hội, của đời sống kinh tế đất nước đang chuyển mình, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, tin tức, sự kiện, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế, không chỉ là cầu nối, mà còn là diễn đàn của nhân dân - doanh nhân. Theo ông Hà Minh Huệ thì hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ, dù ở đâu đều cần đủ thông tin để phát triển kinh tế, chiếm lĩnh thị trường, phát triển kinh doanh. Doanh nghiệp luôn cần đến báo chí để nắm bắt thông tin, tình hình và cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình. Ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh, có nguồn tin cụ thể và xác thực nhằm đưa thông tin đến bạn đọc một cách nhanh nhất vì mục tiêu phát triển đất nước.
Tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI- người đại diện cho tiếng nói của giới doanh nhân cũng đã có những bộc bạch về mối quan hệ giữa báo chí và giới doanh nhân. Theo ông Lộc, trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, doanh nghiệp luôn được bao bọc trong môi trường thông tin báo chí. Do đó, nếu môi trường đó tốt, lành mạnh, thì doanh nghiệp sẽ phát triển khỏe mạnh và ngược lại. Do mối lương duyên không thể tách rời giữa báo chí và doanh nghiệp như vậy, ông Lộc cũng không giấu những trăn trở để làm sao tạo được sự gắn kết hơn giữa hai bên và ông muốn có một môi trường thông tin báo chí quanh các doanh nghiệp thật tốt để doanh nghiệp phát triển tốt. Ông Lộc khẳng định: Trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, hơn bao giờ hết, báo chí và doanh nghiệp càng cần có sự sát cánh, đồng hành, cổ vũ, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn. Để có thể cùng nhau đồng hành và phát triển thì mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp phải luôn là mối quan hệ đối tác trên tinh thần bình đẳng, hòa đồng và có chung mục đích tốt đẹp.
Nhiều cơ quan báo chí đã sát cánh cùng nhà khoa học, đưa ra những thông tin sâu có tính chất bản chất để giúp cho doanh nghiệp có thể định hướng được chiến lược kinh doanh của mình. “Với tư cách là chủ tịch VCCI ngoài tìm những thông tin từ cơ quan nhà nước, tôi còn tìm tới những thông tin từ báo chí để có những thông tin đa chiều cho việc điều hành cũng như có chiến lược phù hợp. Báo chí như người bạn thường xuyên ‘"rủ rỉ tâm tình" đối với mỗi người trong đó có những người doanh nhân” – ông Lộc nhấn mạnh.
Báo chí – Doanh nghiệp: “Nhựa sống” cho xã hội
Kỳ vọng vào một quan hệ “song hành vượt bão” nhưng điều mà các nhà báo tâm huyết và những doanh nghiệp chân chính còn chưa thể an lòng là trong thực tế, quan hệ giữa nhà báo với doanh nghiệp vẫn còn có những “góc khuất”. Hay nói cách khác, nhịp bước của hai lực lượng này còn chưa hoàn toàn đồng điệu.
“Góc khuất” trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp tồn tại ở cả hai mặt. Trong một số trường hợp, báo chí đã đi sâu vào soi mói, bới móc thái quá, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ở mặt khác, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn lòng chủ động cung cấp thông tin, vô tình tạo ra khoảng cách giữa doanh nghiệp và báo chí.
Khái niệm về sự “đồng hành” cũng không phải là một khái niệm dễ lý giải. Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp không có nghĩa là chiều chuộng doanh nghiệp, mà sự đồng hành phải hướng tới lợi ích chung của cộng đồng.
Chia sẻ quan điểm của người lãnh đạo một cơ quan báo chí, TS. Nguyễn Anh Tuấn Tổng Biên tập Báo Đầu tư- cho rằng, để báo chí và doanh nghiệp đồng hành, trước hết, hai bên phải nhận thức đúng về nhau. Những lúc báo chí thực hiện chức năng giám sát, đôi khi doanh nghiệp không hài lòng, nhưng những vấn đề cần đưa ra công luận mà báo chí che đậy, thì doanh nghiệp cũng khó có sự phát triển bền vững.
Liên quan đến những vấn đề tiêu cực trong doanh nghiệp cần có sự lên án của báo chí. ông Đào Minh Tuấn- Trưởng ban Truyền thông, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)- cho biết, cần bóc tách rõ ràng từng chủ thể trong doanh nghiệp để tránh sự nhầm lẫn. Doanh nghiệp được ví như một chiếc xe, ngay cả chiếc xe rất tốt, nhưng do lỗi của người lái xe mà gây tai nạn thì trách nhiệm thuộc về cá nhân người lái xe.
Đại diện Vinalines cho rằng, công chúng dưới sự dẫn dắt của truyền thông không nên dựa vào lỗi của một vài cá nhân để nhìn doanh nghiệp dưới con mắt sai lệch. Việc báo chí đấu tranh với những cá nhân tiêu cực, giúp doanh nghiệp trở nên trong sạch cũng là cách đồng hành, giúp doanh nghiệp ra khỏi khủng hoảng để phát triển bền vững.
Tựu trung các ý kiến tại Diễn đàn đều nhất trí khẳng định: Với báo chí, doanh nghiệp là đối tượng phản ánh trung tâm trong thời kỳ phát triển kinh tế đất nước. Để thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp thì cơ quan báo chí phải có tinh thần kinh doanh, lúc đó báo chí phải có đủ sức nóng của trái tim và độ nhạy của trí óc để chia sẻ đồng hành cùng doanh nhân. Muốn đồng hành với báo chí thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội với dân tộc, với đất nước. Báo chí cũng cần đưa hình ảnh đẹp của doanh nghiệp Việt ra thị trường thế giới. Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI- đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu tham dự. Ông Lộc nhấn mạnh: “Trong quan hệ báo chí và doanh nghiệp cần phải có chữ "Tình". Chúng ta vừa trải qua cơn bão kinh tế, để vượt qua khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp đứng trước ngưỡng của tồn tại hay không tồn tại. Trong bối cảnh như vậy, vai trò "thủ thỉ tâm tình" của báo chí là cực kỳ quan trọng với doanh nghiệp. Báo chí là nguồn cổ vũ động viên doanh nhân có niềm tin để tiếp tục vượt bão, đóng góp nhiều hơn cho xã hội và đất nước”.
Lễ trao giải báo chí viết về doanh nghiệp - doanh nhân
trong khuôn khổ diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp - doanh nhân”, Ban tổ chức đã trao giải cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi “Báo chí viết về doanh nghiệp- doanh nhân” . giải báo chí nhằm tôn vinh những tác giả có các bài viết xuất sắc về doanh nghiệp, doanh nhân trên toàn quốc, Ban tổ chức đã lựa chọn trao giải cho 9 tác phẩm xuất sắc nhất được đăng tải trong 10 năm (từ ngày 13/10/2004 đến ngày 15/9/2014) bao gồm 1 giải a, 3 giải B và 5 giải C. 1 giải a thuộc về nhóm tác giả Phúc Nguyên, Huy thiêm, đặng trung Hội báo quân đội nhân dân với tác phẩm báo chí “giữ “phên giậu” tây Nguyên” (4 kỳ)
Hà Vân
Càng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, báo chí và doanh nghiệp càng phải đồng hành
Trong xã hội hiện đại, khi mà đám đông luôn có một sức mạnh vô hình lẫn hữu hình, báo chí cần phải ứng xử như thế nào? Sự tỉnh táo của nhà báo và nguyên tắc tối thượng về tính chân thật của báo chí luôn phải đặt ở vị trí quan trọng nhất trong môi trường truyền thông hiện nay. Điều quan trọng hơn, nhà báo luôn phải có cái đầu tỉnh táo để giải mã các hiện tượng tin đồn trong xã hội, nhất là những thông tin trên mạng xã hội gây bất lợi cho các doanh nghiệp, từ đó thực hiện đúng nguyên tắc cơ bản của báo chí là tôn trọng sự thật, giúp mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trở nên gắn bó mật thiết hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay…
…Trong môi trường truyền thông hiện nay, các doanh nghiệp cần sẵn sàng hợp tác và chia sẻ thông tin với báo chí và cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông theo kịch bản đã được thống nhất trước. Điều quan trọng, doanh nghiệp nên thể hiện tinh thần sẵn sàng lắng nghe, hợp tác và đối thoại. Không nên thể hiện kiện tụng trong xử lý khủng hoảng, mặc dù có thể những cáo buộc từ chính quyền là nguyên nhân của khủng hoảng làm doanh nghiệp bức xúc chưa thật sự làm sáng tỏ.
Tóm lại, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, báo chí và doanh nghiệp có thể coi là hai người bạn đồng hành, cùng nhau phát triển. Bởi lẽ, doanh nghiệp rất cần thông tin và nắm bắt thông tin trên báo chí. Đặc biệt, trong nền kinh tế cạnh tranh bằng thông tin, ai nắm được thông tin thì người đó sẽ thắng, ai chậm thông tin sẽ thua thiệt. Ý thức được tầm quan trọng của mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, thời gian gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều có bộ phận PR, tức là bộ phận quan hệ công chúng. Đây là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin từ báo chí và hướng báo chí tới những phòng, ban, lãnh đạo của doanh nghiệp để việc cung cấp thông tin được kịp thời, đảm bảo độ chính xác cao.
Khi thông tin sai sự thật, hoặc tin đồn “chễm chệ” trên các trang mạng, thậm chí xuất hiện trên vài tờ báo mà chưa được kiểm chứng thực hư, không chỉ tác động trực tiếp đến tâm lý của công chúng, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, chính trị, uy tín và danh dự của tổ chức, cá nhân nào đó, thậm chí gây ra những bất ổn trong xã hội. Vì vậy, nếu không có sự sàng lọc, kiểm chứng nguồn tin để tin đồn “tung hành” trên báo chí, vô hình trung vai trò và uy tín của báo giới trong mắt của công chúng bị hạ thấp, lòng tự trọng nghề nghiệp của những người làm báo chân chính tổn thương nặng nề.
TS, Nhà báo Nguyễn Thành Lợi
Nhà Báo - Doanh Nhân: để nhịp bước thêm đồng điệu
TS. Đỗ Chí Nghĩa: Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Trong dòng chảy cuộc sống, sự hợptác, liên kết, hỗ trợ lẫn nhau luôn là cần thiết. Báo chí với vai trò là lựclượng xung kích trên mặt trận vănhóa, tư tưởng, là nguồn thông tin phong phú, hữu hiệu có thể giúp giới doanh nhân tìm kiếm những cơ hội đầu tư, những thông tin thị trường hữu dụng. Trong biển thông tin cạnh tranh hiện nay, báo chí vẫn là nguồn thông tin thiết thực và có độ tin cậy cao. Ngược lại, những câu chuyện làm ăn, tư duy vượt trước thời đại của nhiều doanh nhân là đề tài hấp dẫn trên báo chí.
Cuộc sống luôn cần bè bạn, cần những mối quan hệ kết nối, cần những lời động viên khi sóng gió, cần những sẻ chia, tư vấn lúc bế tắc, khó khăn. Hạnh phúc nào hơn với người làm báo là có những độc giả biết góp ý chân thành và thẳng thắn với những tác phẩm của mình. Không hiếm những doanh nhân đầy trí tuệ và nhiệt huyết luôn quan tâm đến báo chí, sẻ chia, đồng hành với những người làm báo vì một niềm tin tương lai sẽ tốt đẹp hơn, cái xấu, cái sai, cái vô lý sẽ không thể có đất mà tồn tại. Họ có thể không trực tiếp cầm bút viết báo, nhưng ý kiến của họ, chắt lọc từ thực tiễn thương trường máu lửa và sôi động, từ kinh nghiệm cuộc đời từng trải và có lúc không kém truân chuyên chính là nguồn tài liệu vô giá cho những nhà báo say nghề kiểm chứng thêm những góc cạnh đa diện của cuộc sống. Nghề báo vốn nhiều rủi ro, thách thức, nhận diện bản chất sự kiện, vạch rõ ranh giới đúng sai nhiều lúc là thử thách nghiệt ngã. Nhìn từ bên ngoài vào để phản ánh, đôi mắt nhà báo dù trải nghiệm tinh tường đến mấy có lúc cũng không tránh được phiến diện, sơ suất. Mà sai một ly, đi một dặm, niềm tin vô giá của công chúng mà cả đời làm báo chắt chiu qua từng bài viết, từng chi tiết nhỏ có thể đổ xuống sông, xuống biển chỉ vì một cách xử lý thông tin vội vàng. Cho nên sự sẻ chia từ những bạn đọc đặc biệt, những doanh nhân đầy trí tuệ và trải nghiệm là hành trang quý giá để nhà báo vững tin hơn trên hành trình tác nghiệp.
Ngược lại, nhà báo cũng có thể hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Cơ chế chưa hoàn thiện là mảnh đất tốt cho nạn nhũng nhiễu phát sinh. Báo chí đồng hành với doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vững tin hơn vào công lý. Có những góc khuất rất khó nói ra, có những thói tật không dễ chỉ tận tay, day tận trán, nhưng nếu quyết tâm phơi bày sự thật, nhà báo có thể khiến cái xấu, cái ác phải chùn tay.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng ngọt ngào. Mối quan hệ báo chí doanh nghiệp có lúc cũng sóng gió, gập ghềnh. Đó cũng là lẽ thường tình. Có không ít doanh nhân ngại báo chí, né báo chí, thậm chí ác cảm với những người làm báo. Khoảng tiếp xúc chủ yếu của họ làm nên góc nhìn có chiều thiên kiến về nghề báo là những cuộc điện thoại mời quảng cáo lắm khi riết róng của một số cộng tác viên, nhân viên công ty truyền thông bị áp doanh thu. Cũng có khi sự căng thẳng trong một vài cuộc tiếp xúc khiến họ thấy ở một vài nhà báo nào đó cung cách moi móc, làm khó, thiếu sự cảm thông, chia sẻ với nỗi khổ của doanh nghiệp trong thời buổi kinh tế khó khăn, hành lang pháp lý còn bất cập. Ngược lại, cũng có những doanh nhân khiến giới báo chí buồn lòng vì sự giàu xổi, tiền hậu bất nhất, thói huênh hoang, khoe của hợm hĩnh nhà giàu mà coi thường mọi giá trị nhân văn. Cũng có trường hợp, doanh nghiệp cần báo chí bảo vệ, nhưng khi báo chí lên tiếng mạnh mẽ thì doanh nghiệp đã lặng lẽ bắt tay thoả thuận với cơ quan làm sai, né sang một bên, để mặc nhà báo chơ vơ, đơn độc với những thông tin chống tiêu cực của mình.
Những hiện tượng ấy dù không phổ biến nhưng đây đó vẫn còn tồn tại làm ảnh hưởng đến mối quan hệ báo chí doanh nghiệp vốn tương sinh, tương đồng và nhiều duyên nợ. Dù muốn hay không, cũng cần bình tĩnh nhìn vào thực trạng đó để tháo gỡ và giải quyết. Người làm báo giàu lòng tự trọng, nhưng cuộc sống gắn với chữ nghĩa cũng khiến họ hay mềm lòng trắc ẩn, dễ cảm thông với những cảnh ngộ cuộc đời. Người làm kinh doanh va chạm cuộc sống không ít, trải nghiệm thương trường đích thực cũng làm họ thêm đằm thắm lẽ đời, biết chia sẻ, tôn trọng công việc của người khác, biết tận dụng thông tin để làm giàu cho cuộc sống của mình. Nếu tiếp cận đúng hướng như thế, mỗi quan hệ nhà báo, doanh nhân sẽ là nền tảng thúc đẩy xã hội, thúc đẩy sự nghiệp kinh doanh phát triển. Mặt trận thông tin cũng sẽ thêm phong phú, sinh động, cái tích cực sẽ phát huy sức mạnh, đẩy lùi cái tiêu cực ra khỏi đời sống cộng đồng.
Ông Lê Như Tiến – Phó Chủ Nhiệm ủy Ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội :
Mối quan hệ “win-win” được rất nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Doanh nghiệp và báo chí cùng hướng tới mục đích chung. Tôi rất đồng tình với quan điểm của Bác Hồ: Các nhà công thương Việt Nam hoạt động “ích quốc, lợi dân”. Các Đại biểu quốc hội luôn luôn “mở” với báo chí và cả doanh nhân, các Đại biểu quốc hội cũng rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, báo chí. Doanh nghiệp rất cần báo chí và ngược lại báo chí cũng rất cần doanh nghiệp. Vì vậy, báo chí – doanh nghiệp cần hướng về nhau để thực hiện những điều thiết thực nhất. Cụ thể, doanh nghiệp nên tạo điều kiện cho báo chí tìm kiếm thông tin, trao đổi quan điểm và ngược lại, báo chí cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình, quảng bá sản phẩm của mình tới rộng rãi người tiêu dùng trong nước và rộng hơn nữa là trên thị trường quốc tế.
Luật sư Trần Hữu Quỳnh – Chủ tịch trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam :
Môi trường kinh doanh thuận lợi cần 13 chữ vàng là: minh bạch điều hành, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Tôi mong báo chí tiếp tục phát huy khả năng tự giám sát được thị trường để có thể giúp tiết kiệm nguồn lực cho nhà nước, tăng sức đề kháng của chính mình. Đối với doanh nghiệp, lực lượng này cũng cần có sự giám sát trở lại đối với báo chí. Thay vì tiếng nói của một vài doanh nghiệp oan ức, các Hiệp hội đại diện cho các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp cần tập hợp các bài báo phản ánh sai sự thật, nói lên tiếng nói chung để bênh vực cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên dương những bài báo hay, tờ báo tốt đã phản ánh đúng sự thật, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hải Giang- Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam:
Dưới góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng sự chủ động của doanh nghiệp đến với báo chí hiện nay rất yếu. Doanh nghiệp có vẻ “sợ” cả bài báo khen, lẫn chê về doanh nghiệp mình vì cho rằng đã có nhiều tờ báo đưa thông tin chưa chính xác, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp của tôi ( khách sạn Fortuna- PV) tôi là người đã chủ động cung cấp những thông tin liên quan của doanh nghiệp mình với báo chí để xây dựng hình ảnh, để tuyên truyền hình ảnh, thông tin xác thực của doanh nghiệp mình tới rộng rãi người dân trong và ngoài nước. Nhờ sự chủ động đó, Fortunar nói riêng và các đơn vị khác trong Liên minh HTX Việt Nam đã được nhiều người biết đến, qua đó, các đơn vị trong Liên minh đã có sự bứt phát tốt hơn trong sự nghiệp kinh doanh của mình.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Đại biểu Quốc hội, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ Phần tập đoàn Hương Sen, Thái Bình:
Là đại biểu quốc hội, đồng thời cũng là doanh nhân, tôi luôn dành niềm tin, sự yêu mến với những người làm báo, luôn coi báo chí là nguồn tư liệu phong phú và quý giá cho hoạt động của mình, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, trong đó có lợi ích của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế. Tôi tin rằng mối quan hệ giữa nhà báo – doanh nghiệp sẽ luôn lành mạnh, gắn bó vì lợi ích chung, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.