Đây là hoạt động thường niên đã được tổ chức liên tục trong suốt 3 năm qua và là sự kiện chính trong chuỗi các sự kiện của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân chủ trì, phối hợp tổ chức. Đặc biệt, Diễn đàn lần này được tổ chức vào đúng thời điểm Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW HNTW 7 khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp nước ta mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song đã đạt được kết quả đáng khích lệ, đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu và kết quả tăng trưởng kinh tế.
Luỹ kế từ đầu năm 2018 đến nay của kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 29,64 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 73% kế hoạch năm. Trong năm 2017, xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 36,37 tỷ USD và trong 8 tháng đầu năm nay đã đạt 25,7 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2018 hướng tới con số 40 tỉ USD. Hiện đã có tới 10 sản phẩm nông sản Việt Nam đạt từ 1 tỷ USD trở lên như: Lúa gạo, cà phê, tôm, cá tra, cao su, sắn, hạt điều, rau quả…
Còn thị trường nội địa, các sản phẩm nông sản của nước ta đang ngày càng được ưa chuộng tại thị trường trong nước với sự xuất hiện của một loạt các thương hiệu nông sản Việt, cùng hàng loạt chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản đã được thiết lập như hệ thống 4.000 của hàng tiện ích của Vinmart, chuỗi các siêu thị Big C, Saigon Co.opmart…
Đây là kết quả của sự nỗ lực và phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Trung ương Hội nông dân với các địa phương, doanh nghiệp và nông dân.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì những tháng cuối năm xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thuỷ sản còn phải đối diện với nhiều khó khăn và để đảm bảo mục tiêu kim ngạch 40 tỷ USD, đòi hỏi các ngành hàng phải rất nỗ lực rất nhiều.
Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: “Có một thực tế rất rõ đến Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế cũng phải công nhận, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Đóng góp của mặt hàng nông sản vào giá trị xuất khẩu của cả nước liên tục tăng và tạo được những đột phá ấn tượng, ví dụ như đến tháng 4.2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô…”.
“Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản cũng ngày càng tăng theo mức thu nhập của người dân và tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHAP, GlobalGAP… Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Mặc dù, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, nhưng ông Thào Xuân Sùng cho rằng trong sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém. Nhận định này dễ chứng minh qua việc tỷ lệ xuất khẩu nông sản thô còn cao; không ít ngành hàng nông sản có chất lượng còn thấp khiến đối tác nước ngoài trả lại hàng… Thêm vào đó, tình trạng nổi lên những năm gần đây là việc được mùa mất giá, các cấp, ngành và xã hội liên tục kêu gọi giải cứu các loại nông sản như dưa hấu, hành tây, rau xanh, heo (lợn)…
Nguyễn Mạnh