Thông báo kết luận nêu rõ, việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cần thiết và cấp bách, nhằm định hướng cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa có tính kết nối cao với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và các kết cấu hạ tầng khác, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa; phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương, vùng kinh tế và của cả nước.
Cả nước hiện có 45 tuyến đường thuỷ nội địa, 21 tuyến ven biển và 7257 cảng/bến. Ảnh: Tạp chí giao thông
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo xây dựng điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa cho các giai đoạn đến 2030 gồm từ nay đến 2020, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn sau năm 2030; trong đó, xác định rõ nội dung công việc cần thực hiện trong từng giai đoạn, chú ý kết hợp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa với phát triển dịch vụ du lịch.
Riêng giai đoạn sau năm 2030 chỉ đề xuất các nội dung có tính định hướng thực hiện việc nâng cấp các tuyến luồng, hệ thống cảng, bến thủy nội địa... đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông vận tải trên đường thủy nội địa.
Bộ GTVT tính toán kỹ lưỡng về năng lực vận tải đường thủy nội địa của khu vực phía Nam, xác định cụ thể lưu lượng hàng hóa được vận chuyển trên đường thủy nội địa trong số hàng hóa đã được đưa vào, rời các cảng biển trong khu vực.
Trên cơ sở rà soát, bổ sung các nội dung trên, Bộ GTVT hoàn thiện điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với đề xuất tháo gỡ các nút thắt, cản trở hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án xử lý, trong đó tính toán hiệu quả của phương án tháo gỡ các nút thắt, gây cản trở đến hoạt động giao thông vận tải trên đường thủy nội địa của các khu vực miền Bắc, miền Nam; đề xuất phương án đầu tư, phối hợp với Bộ KH&ĐT đề xuất nguồn vốn thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sông Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt năm 2000, đã được điều chỉnh, bổ sung một số lần. Quy hoạch hiện hành được thực hiện theo từng luồng tuyến, cảng bến và được phân theo từng khu vực. Theo đó, cả nước hiện có 45 tuyến đường thuỷ nội địa, 21 tuyến ven biển và 7257 cảng/bến. Theo đề xuất của Bộ GTVT, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa điều chỉnh sẽ được thực hiện theo các tuyến hành lang vận tải thủy gắn với các hành lang vận tải hàng hoá. Mỗi hành lang vận tải thủy gồm các tuyến đường thủy nội địa chính và kết nối; hệ thống cảng, bến thủy nội địa; hệ thống khu neo đậu và các công trình phụ trợ khác. Các hành lang vận tải được quy hoạch bảo đảm mục tiêu giai đoạn 2020-2025 đáp ứng thông qua tổng sản lượng vận tải hàng hóa đường thuỷ nội địa đạt khoảng từ 334,2 triệu tấn/năm đến 392,2 triệu tấn/năm với khối lượng luân chuyển đạt khoảng từ 67,6 triệu tấn.km đến 74,5 triệu tấn.km. Tổng sản lượng vận tải hành khách đường thuỷ nội địa đạt từ 204,4 triệu người/năm đến 280,3 triệu người/năm. Đến năm 2030 và sau 2030, năng lực vận tải hàng hóa, hành khách của đường thuỷ nội địa sẽ tăng khoảng từ 1,5 đến 2 lần. Về nguồn lực, Bộ GTVT dự kiến sẽ cần khoảng 25,4 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến 2030 để cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới luồng tuyến đường thủy nội địa khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng; cảng đường thủy nội địa khoảng 15 nghìn tỷ đồng. |
PV