Điều tra… online, đạo đức… online!

Chủ nhật, 21/02/2021 14:30 PM - 0 Trả lời

(CLO) Không làm chủ được bản thân, để mình… lạc trôi trong thế giới ảo, rồi biến thành nhà điều tra… online, nhà đạo đức… online”, hoạt động theo cơ chế tư duy… bằng tay thay cho não.

Cả truyền thông và mạng xã hội đã bị

Cả truyền thông và mạng xã hội đã bị "việt vị" sau khi "cầm đèn chạy trước ô tô" vụ học sinh tát cô giáo diễn ra từ tháng 5/2020. Ảnh: Cắt từ Clip

Chiều 17/2, mạng xã hội lan truyền một đoạn Clip ghi lại hình ảnh một cậu học trò (khoảng ở độ tuổi THCS) chửi tục, sau đó đi lên bàn giáo viên lấy lại vật gì đó rồi tiện tay… tát luôn cô giáo trong tiếng ồ lên của cả lớp.

Cư dân mạng lập tức lên cơn giận dữ ngút trời. Người ta bắt đầu mổ xẻ vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Cả tâm lý học, giáo dục học, văn hóa học, đạo đức học, thậm chí tội phạm học được mang ra soi chiếu. Đa số các ý kiến đều chỉ trích cậu học trò vô lễ và cảm thấy xót xa cho nghề dạy học thời nay.

Người đổ cho nhà trường, xem như đó là cái tát vào bộ mặt giáo dục. Người khác lại quy cho gia đình phó mặc con cái cho nhà trường, sinh ra những đứa trẻ hư. Người thì cho rằng mặt trái của cơ chế thị trường đã sản xuất ra những sản phẩm giáo dục lỗi. Thậm chí, hết chuyện, người ta còn soi mói cô giáo trong đoạn Clip ăn mặc không phù hợp với môi trường sư phạm.

Nhưng điều quan trọng nhất là đoạn Clip ấy ở đâu, học sinh đó ở trường nào, lớp nào, sự việc diễn ra lâu chưa, liệu những hình ảnh ấy là thật hay dàn dựng, cắt ghép thì không ai biết, không ai đề cập đến.

Cứ thế, người ta bàn tán, cãi nhau, phê phán, rao giảng đạo đức, ai cũng muốn chứng tỏ mình là giới thạo tin. Một số diễn đàn chia thành các phe nhóm, tranh cãi văng mạng, nảy lửa, thậm chí xúc phạm lẫn nhau. Và rồi, tiện tay, người ta liên tiếp ấn nút Like, nút Share, gây nên một cơn bão mạng. Đến mức Bộ Giáo dục & Đào tạo phải ra văn bản đề nghị “các bên”… hạ hỏa chờ cơ quan chức năng xác minh sự việc.

Và rồi, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tại Hà Nội, đoạn Clip ấy diễn ra cách đây gần 1 năm tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Ba Đình. Nam sinh học lớp 8 tát cô giáo trên bục giảng có biểu hiện trầm cảm, hay mất ngủ, tinh thần căng thẳng, dễ bị kích động. Sự việc đã được giải quyết theo đúng quy trình của ngành giáo dục. Học sinh bị kỷ luật đuổi học một thời gian và hiện đã đi học trở lại. Cuối cùng cả truyền thông lẫn mạng xã hội đã một phen bị rơi vào thế… việt vị.

Không phải ngẫu nhiên mà khi đưa tin ban đầu về các vụ cướp tiền mặt, báo chí thường dùng dùng hình ảnh… một vật trông giống tiền. Có thể nó gây cười với độc giả nhưng đó là cách thông tin khôn ngoan nhất, an toàn nhất khi chưa có nguồn tin chính thức, chính xác từ cơ quan điều tra.

Trở lại với trường hợp cậu học sinh trong đoạn Clip. Ngay cả cách ví von có phần hài hước rằng: xem Clip thấy đứa trẻ ấy trông… giống một học sinh, sự việc diễn ra ở một nơi… trông giống như một lớp học và người bị tát… trông giống như một cô giáo còn là cách nói khôn ngoan và tỉnh táo hơn việc lớn tiếng rao giảng đạo đức khi chưa biết bản chất câu chuyện như thế nào?

Cổ nhân có câu: "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Nhưng kỳ lạ là ngày nay, số người dựa cột lại không chịu nghe mà cứ thích… thưa thốt.

Những công văn giả mạo liên quan đến phòng chống dịch bệnh được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Ảnh: TL

Những công văn giả mạo liên quan đến phòng chống dịch bệnh được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Ảnh: TL

Chuyện “dựa cột” mà cứ đòi “thưa thốt” còn lan sang cả trận tuyến chống dịch. Truyền thông trong công tác Phòng chống dịch bệnh Covid-19 được xem là một trận tuyến. Đáng buồn là bên cạnh việc cung cấp thông tin chính xác, cập nhật, trận tuyến này còn phải chống lại nạn tin giả tràn lan trên mạng xã hội được sản xuất, đưa tin từ các nhà “điều tra online”.

Hàng loạt các văn bản cho nghỉ học được làm giả rồi quăng lên mạng xã hội khiến cho phụ huynh, học sinh và cả ngành giáo dục địa phương náo loạn. Đáng tiếc là chưa rõ văn bản thật hay giả, nhiều người đã vội coppy, chia sẻ lên mạng xã hội, khiến cho sự việc phức tạp thêm.

Thậm chí, trong lúc nước sôi lửa bỏng, không hiểu từ đâu, người ta tung tin Giám đốc CDC Hải Dương bị đình chỉ chức vụ. Những tin tức kiểu… vỉa hè, chè chén cứ thế được lan truyền với tốc độ chóng mặt, khiến cho công tác phòng chống dịch ngày càng rối thêm.

Không chỉ điều tra… online, nhiều người còn đóng vai các nhà đạo đức… online.

Họ không có mặt tại Hải Dương, không lăn lộn trong tâm dịch để giúp dân, hiểu dân, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những “chiến sỹ Blouse trắng” ở đây nhưng lại “cào phím” rằng: các địa phương đang phải “đổ vỏ” cho Hải Dương. Dùng thủ pháp chữ nghĩa lắt léo để tách Hải Dương ra khỏi không gian chống dịch của cả nước, tạo ra tâm lý kỳ thị đối với người dân địa phương này. Những người đang là nạn nhân của dịch bệnh rất cần được chia sẻ, giúp đỡ đã bị “truyền thông bẩn” xem như… tội phạm.

Mạng xã hội là một “đặc ân” của thế giới văn minh nhưng nó cũng tồn tại những mặt trái. Hai câu chuyện trên đây là hai trong số những ví dụ điển hình cho một loại “virus mạng xã hội” hình thành dựa trên cơ chế… online.

Thế giới ảo trên mạng xã hội đã tạo nên những con người sống ảo, ảo tưởng năng lực bản thân nhưng hậu quả của nó thì lại thật.

Dù không được trang bị kỹ năng thông tin nhưng nhiều người vẫn cứ hoạt động trên mạng xã hội như… giới thạo tin. Không ít người vẫn xem mạng xã hội là một cõi mở… vô biên. Cứ thế, không cần biết sự thật của thông tin, cứ thấy hot là Like, là Share, là Comment thỏa thích.

Đổ thừa cho mạng xã hội là không công bằng. Chính con người đang không làm chủ được bản thân, để mình… lạc trôi trong thế giới ảo, sinh ra những nhà “điều tra online, đạo đức online” hoạt động theo cơ chế tư duy… bằng tay thay cho não.

Quang Duy

Tin khác

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

Kỳ 1: Vì sao Điện Biên Phủ hay “Đường tới điểm hẹn lịch sử”

(NB&CL) Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), bắt đầu từ số báo này, chuyên trang Tư liệu Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề mang tên: “Điện Biên Phủ - Khúc tráng ca vang mãi”, cùng nhìn lại những dấu ấn không thể quên của chiến thắng vĩ đại này.

Góc nhìn
Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

Giải pháp căn cơ cho thị trường vàng

(NB&CL) Có thể nói, chưa bao giờ, NHNN lại chịu nhiều sức ép trong quản lý thị trường vàng như hiện nay. Đó là sức ép từ nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, sức ép từ người dân và sức ép từ nhóm lợi ích doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Góc nhìn
Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

Vẫn còn những “khoảng trống” nhất định trong ngoại giao văn hóa

(NB&CL) Tuần qua, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Phiên họp tháng 3/2024) đã được dư luận quan tâm, đánh giá cao sự công khai, dân chủ, trách nhiệm trong hoạt động của Quốc hội và ngày càng gần dân hơn.

Góc nhìn
Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

Xây dựng, bảo hộ thương hiệu nông sản Việt: Muộn còn hơn không!

(NB&CL) Trước những tổn thất tiềm ẩn đối với tổng giá trị xuất khẩu nông sản, chuyên gia cho rằng, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt Nam là việc làm cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt lúc này là muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Góc nhìn
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 2024: Thời cơ đã đến!

(NB&CL) Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ những làn sóng đầu tư mới của các công ty chip đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh hơn, tốt hơn trên toàn thế giới.

Góc nhìn