Không đậu đại học cao đẳng, học sinh có thể chọn một hướng học tập khác với nhiều lợi ích: sớm có nghề nghiệp trong tay và vẫn tiếp tục lấy bằng CĐ-ĐH nếu muốn. Các thành phố lớn là nơi nhu cầu về lao động cao và có các cơ sở dạy nghề, trường nghề chiếm số lượng lớn.
Điều đó cho thấy, việc học nghề hiện nay đang được quan tâm. Tư tưởng sính bằng cấp hiện nay còn khá phổ biến trong xã hội. Gia đình nào cũng muốn con vào đại học, dù biết sức học của con có thể không thể cạnh tranh lại với bạn bè.
Bên cạnh đó, tâm lý chọn nghề chung của học sinh cũng mang tính may rủi, thiếu thông tin chọn nghề, nghe theo sự áp đặt của người lớn; theo thời thượng; chọn nghề dễ kiếm tiền... mà không cần biết có phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân hay không?
Nhiều phụ huynh “mặc định” suy nghĩ, dù thế nào con cũng phải học cấp 3, đỗ đại học bằng mọi giá, không cần biết học xong có tìm được việc làm hay không. Điều này càng gây sức ép cho nhà trường và học sinh. Nếu có định hướng phù hợp, cả nhà trường, gia đình và bản thân các em sẽ không phải vất vả một cách vô ích chỉ để đối phó với một kỳ thi.
Dù các trường nghề có nhiều biện pháp thu hút học viên nhưng chính suy nghĩ “bằng cấp”, quan niệm “thợ - thầy” ở một bộ phận phụ huynh và học sinh sẽ khiến công tác phân luồng học sinh, hướng nghiệp cho các em gặp nhiều khó khăn. Tuyển sinh là khâu khó nhất với các trường nghề. Thứ hai là việc phân luồng chưa hợp lý, gặp nhiều vướng mắc. Thứ ba, năng lực của các cơ sở dạy nghề cũng là nguyên nhân khiến việc đào tạo nghề gặp khó. Nguồn nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chất lượng, hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp.
Học đại học không còn là lựa chọn duy nhất sau khi tốt nghiệp cấp PTTH. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên hiện nay, chất lượng đào tạo của các trường còn nhiều hạn chế, đầu ra yếu về chuyên môn, thiếu các kỹ năng mềm cần thiết. Các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều học viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kĩ năng. Một số doanh nghiệp cho rằng: Rất nhiều lao động được tuyển dụng đều phải trải qua các chương trình đào tạo bổ sung.
Ngoài ra, một số ngành nghề đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, cũng là một trong số nguyên nhân khiến phụ huynh và chính các học sinh không mặn mà với trường nghề. Để học sinh thấy học nghề cũng là một con đường rộng cửa đến tương lai thì nhà trường và doanh nghiệp cần có mối liên kết mật thiết trong đào tạo.
Tức là, phía doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề tăng cường liên kết trong việc “đặt hàng” đào tạo, cung ứng lao động có chất lượng cao và sự phối hợp trong công tác đào tạo. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề đã có nhiều tiến triển.
Tuy vậy, sự liên kết này chưa mang lại hiệu quả cao. Việc đào tạo vẫn chưa thật sự bám sát vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Tình trạng lao động hiện nay ở Việt Nam không phải là “thừa thầy thiếu thợ” như mọi người hay nói mà đúng hơn là “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”.
Nói học nghề là xu hướng mới hay là giải pháp an toàn cũng không chính xác. Học đại học hay học nghề đều có thể thất nghiệp nếu người học không nỗ lực và không có môi trường giúp người học trở thành đúng người như mong muốn. Thị trường lao động ngày càng thực chất và minh bạch hơn, doanh nghiệp dưới sức ép cạnh tranh cần đúng người đúng việc với chi phí hợp lý. Như vậy sẽ có những vị trí buộc phải tốt nghiệp đại học trở lên.
Tất nhiên là với chất lượng theo đúng nghĩa chứ không phải chỉ là có tấm bằng. Và sẽ có không ít các vị trí dành cho những người thành thục kỹ năng, tay nghề mà lại có thái độ nghề nghiệp đúng mực. Đó chính là cơ hội và khả năng cạnh tranh của các bạn trẻ chọn hướng học nghề. Việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở các trường đóng vai trò tiên quyết trong việc định hướng tương lai cho các em.
Điều này tạo sự hứng thú để học sinh tìm hiểu và theo học các ngành, nghề mà địa phương, xã hội đang cần. Học sinh học cách tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực. Có thể thấy, các trường cần liên kết với cả trường nghề, trung tâm dạy nghề để xây dựng lực lượng tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp, sẵn sàng cung cấp thông tin và hỗ trợ định hướng cho người muốn học nghề, không nên để các em “tự bơi” trong muôn vàn hướng đi sau khi tốt nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ nhà trường trong vấn đề thực tập, thực hành cho học sinh, sinh viên thì doanh nghiệp nên chú trọng đóng góp ý kiến phản hồi về xây dựng chương trình đào tạo để nhà trường có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Về phía nhà trường cần khắc phục nhược điểm khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp chưa chính xác vì vậy liên kết đào tạo theo yêu cầu chưa cao. Nhà trường và doanh nghiệp đều cần có hệ thống thông tin về thị trường lao động, những nhận định đánh giá định kỳ về cơ cấu đào tạo, nhu cầu việc làm và những chính sách của nhà nước đối với học sinh học nghề nhằm khuyến khích và phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp.
Học sinh học lý thuyết vài tháng tại trường, sau đó thực hành tại doanh nghiệp vài tháng theo chương trình luân phiên hiện nay có thể nói là mô hình được nhà lãnh đạo, doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề cho là khả thi và có hiệu quả nhất./.
Huyền Thu