Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu. Ảnh: Trần Xuân Tình
Nói về đề án "Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến 2025" vừa được công bố hồi tháng 11/2017, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Đề án sẽ giúp TP quản lý tốt hơn, nâng tính dự báo để đưa ra các dự báo gần sát với thực tế dựa trên số liệu được cập nhật liên tục, hằng năm và có tính kế thừa.
Vì thế ban điều hành Đề án cần khẩn trương hoàn thiện và thí điểm phần mềm đánh giá sự hài lòng của người dân với chính quyền, cũng như tiếp tục nâng cấp các giải pháp hỗ trợ người dùng, cơ quan quản lý Nhà nước trong giám sát giao thông, môi trường, triển khai giáo dục thông minh…
Với thực tế phát triển hiện nay, tầm nhìn của khu đô thị sáng tạo là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP. Hồ Chí Minh và khu vực trên nền tảng phát triển kinh tế tri thức.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia đã chia sẻ các kinh nghiệm, thành công của những đô thị sáng tạo trên thế giới như Barcelona, Thẩm Quyến, các thành phố (TP) của Hàn Quốc... cũng như góp ý về tầm nhìn, quy hoạch tổng thể, con người, môi trường pháp lý, chính sách kinh tế... để các TP phù hợp cùng áp dụng. |
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, kế hoạch xây dựng khu đô thị sáng tạo về phía đông của TP. Hồ Chí Minh là chất xúc tác cho nhiều ý tưởng trong quá trình chuyển dịch kinh tế của TP đang diễn ra mạnh mẽ dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0.
Nền tảng cơ bản chính là sự kết nối giữa phần cứng là cấu trúc đô thị và phần mềm là các tương tác giữa nhiều bên liên quan trong đô thị thông qua các chương trình hợp tác công – tư (PPP).
Bên cạnh đó, song song với đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, TP. Hồ Chí Minh sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo tích hợp trên địa bàn 3 quận.
Trong đó, quận 9 nổi bật là Khu Công nghệ cao - SHTP, quận 2 với trung tâm tài chính, quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện trường, 4 trường đại học lớn ở Thủ Đức với trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, và 100.000 sinh viên. Vì vậy, Thủ Đức sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Một góc TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL
Bên cạnh đó, mục tiêu xây dựng đô thị sáng tạo của TP nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ... Ngoài ra, TP muốn hỗ trợ các tỉnh xung quanh như Đồng Nai và Bình Dương, để tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam. Bởi theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khu đô thị sáng tạo không phải là các thực thể độc lập hoặc công trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Thay vào đó, những nơi này được cho là một phần không thể tách rời của một TP, được kết nối với nhau trong một TP và với các TP khác thông qua chuỗi giá trị, cung cấp vốn nhân lực từ quá trình di cư, di dời nhà máy và doanh nghiệp, chia sẻ tài nguyên thiên nhiên và công cộng...
Trong năm 2018, TP mong muốn sẽ tổ chức cuộc thi để lựa chọn các hãng tư vấn quốc tế để hỗ trợ TP xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể cho đô thị sáng tạo TP, sau đó xây dựng quy hoạch tổng thể cho đô thị đổi mới sáng tạo TP.
Minh Châu