Siêu thị Big C dừng nhập hàng may mặc Việt:

Doanh nghiệp Việt - Thay đổi hay là “chết”?

Thứ năm, 11/07/2019 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Từ câu chuyện hàng may mặc Việt bị siêu thị Big C từ chối, nhiều chuyên gia kinh tế và thương hiệu cũng phải thừa nhận, đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải nhìn lại chính mình. Doanh nghiệp Việt phải tìm cách đứng trên đôi chân của chính mình, mà không phải dựa dẫm vào bất cứ một đối tác nào.

Dùng luật và kinh tế thị trường

Theo TS. Đinh Thế Hiển, Việt Nam đã ký với EU về Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA), cho thấy nền kinh tế thị trường của ta phát triển tốt, được EU công nhận. Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ thích nước ngoài (EU, Asian...) cho chúng ta bán hàng tự do, thuế tốt; mà chúng ta lại muốn (yêu cầu) họ phải bán hàng Việt Nam tại nước mình thì không thể hiện tinh thần đó. Nếu các bài báo tẩy chay Big C vì không bán hàng may mặc Việt Nam, và nếu điều đó không sai pháp luật, thì tin này đăng ở EU, ở Mỹ sẽ khiến họ nhìn nhận Việt Nam hợp tác theo luật kinh tế như thế nào.

Ông Hiển cho rằng, vụ việc này cứ áp dụng theo luật và kinh tế thị trường để xem xét. Nhiều người cho rằng vụ việc này đẩy lên thì chúng ta bị mất chủ quyền bán lẻ ở sân nhà. Nhưng ông Hiển lại có ý kiến khác: Nếu Big C chỉ do vốn lớn mà bán hàng Thái thành công ở Việt Nam thì tôi không tin, vì Auchan có vốn và danh tiếng lớn hơn nhiều, nhưng họ đã thất bại ở Việt Nam và phải bán lại cho Sài Gòn Co.Op.

Việc Big C tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc Việt Nam không chỉ là lời cảnh báo với ngành may mặc mà còn đối với các ngành sản xuất khác.

Việc Big C tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc Việt Nam không chỉ là lời cảnh báo với ngành may mặc mà còn đối với các ngành sản xuất khác.

“Điều này cho thấy không phải vốn lớn là thắng, mà phải do kinh doanh đáp ứng được người tiêu dùng. Hiện nay chúng ta có nhiều siêu thị lớn như Co-opmart, Aone... ngoài ra hệ thống bán lẻ dạng cửa hàng và chợ chiếm tới 60%, bên cạnh đó kinh doanh online đang phát triển rất mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang thì không có chuyện Big C sẽ làm mất chủ quyền bán lẻ Việt Nam”, ông Hiển nhận định.

Trong khi đó, TS. Vương Thanh Long, chuyên gia kinh tế và thương hiệu lại chia sẻ, một khi chúng ta mất đi quyền quyết định kênh phân phối thì hệ thống sản xuất sẽ gặp thách thức và mất quyền chủ động. Đó là cách chơi của những nước tư bản. Họ tập trung vào những điểm yết hầu của kinh doanh như: R&D, Marketing, Thương hiệu và Phân phối.

“Với thế mạnh thương hiệu quốc gia Thái Lan thì việc thay thế sản phẩm họ vào là điều dễ hiểu. Còn lại là vấn đề của Việt Nam thôi”, ông Long nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Long, có 2 vấn đề mà DN Việt phải làm “ngay và luôn”. Đó là, hiện nay DN Việt chất lượng sản phẩm, công tác R&D rất tốt, nhưng thiếu thứ nhất là đầu tư thương hiệu, việc phát triển thương hiệu bền vững và có chiến lược còn rất yếu. Thứ 2 là đầu tư kênh phân phối bài bản và chủ động, chủ yếu dựa vào các kênh khác, khi gặp vấn đề là coi như ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Một số chuyên gia kinh tế khác thì lại khẳng định, vấn đề chiết khấu luôn là cuộc chơi của siêu thị, nếu doanh nghiệp (DN) yếu thế khó mà thương lượng được. Tuy nhiên, theo các chuyên gia này, kênh phân phối truyền thống còn rất nhiều tiềm năng, DN có thể triển khai tốt nếu hỗ trợ tích cực các điểm tạp hóa, chợ... với chi phí quảng bá sản phẩm thấp, đồng vốn quay nhanh, có lợi hơn nhiều thay vì bán hàng vào siêu thị phải ngâm vốn và chiết khấu cao.

Lời cảnh báo cho doanh nghiệp Việt

Việc Big C tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc Việt Nam không chỉ là lời cảnh báo với ngành may mặc mà còn đối với các ngành sản xuất khác.

Đây thực sự là một lời cảnh báo đối với ngành dệt may Việt Nam. Theo báo cáo tổng kết của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn ngành đạt hơn 36 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017 và được đánh giá là năm xuất khẩu thành công nhất của ngành Dệt May Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Trong đó, KNXK hàng may mặc đạt hơn 28 tỷ USD, tăng hơn 14%. Những tháng đầu năm 2019, KNXK hàng may mặc tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nhưng dường như ngành dệt may đang bỏ quên thị trường trong nước với quy mô gần 100 triệu dân.

Những cảnh báo “thua trên sân nhà” của hàng Việt Nam nói chung và may mặc nói riêng đang dần hiện hữu. Về nguyên lý, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các kênh bán hàng đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn. Chính phủ cũng đang nỗ lực tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch.

Từ năm 2018, thuế suất hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm mạnh và hướng tới về 0%. Bên cạnh đó, với hàng loạt các hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực, mới đây nhất là EVFTA, hàng Việt sẽ phải chịu sức ép lớn hơn về chất lượng và giá thành. Cuộc cạnh tranh của hàng có xuất xứ Việt với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam vào kênh phân phối hiện đại ngày càng gay gắt hơn. Đó là một thực tế mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt và tuân thủ “luật chơi”.

Nói như luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh thì về góc độ kinh tế, hiện các hệ thống phân phối cao cấp của nước ngoài đầu tư và đã chiếm trên 50% các hệ thống trong phân phối hiện đại của Việt Nam. “Đây là điều mà chúng ta không làm chủ được. Do đó, chắc chắn có sự ưu tiên cho hàng của người ta”, ông Hưng khẳng định. “Sắp tới tình hình sẽ căng hơn nhiều, nếu lực lượng, hệ thống phân phối của mình không mạnh. Trong khi hàng hóa của họ tốt, họ sẽ giành hết thị trường và lúc đó DN Việt sẽ thua ngay trên sân nhà”, ông Hưng nói thêm.

Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho những DN Việt mở hệ thống phân phối... lúc đó các DN Việt Nam mới có hệ thống phân phối tốt, không phụ thuộc vào hệ thống phân phối của nước ngoài.

“Bên cạnh đó, bản thân các DN Việt cũng cần phải xem lại mình, tức là hàng hóa của anh có đáp ứng chất lượng hàng hóa, mẫu mã để tồn tại trong các siêu thị cao cấp hay không. Vì những sản phẩm tốt, bán chạy thì siêu thị nào cũng nhận chứ không phải chỉ hàng Thái Lan. Nếu quầy kệ của mình trưng bày một sản phẩm, chất lượng, mẫu mã không bảo đảm, để cả năm không ai mua thì chắc chắn họ không cho mình bán nữa”, ông Hưng kết luận.

Lưu ý rằng, BigC là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong kênh phần phối hiện đại nên họ có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị của mình. Vì vậy, các nhà cung ứng thay vì phản ứng, hãy có những động thái tích cực để thay đổi mẫu mã chất lượng để đáp ứng tiêu chí “nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng” mà Big C nêu ra trong thông báo.

Với nhiều năm “chinh chiến” trên thương trường, Big C thừa hiểu tác động của việc tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng chắc hẳn đó là việc chẳng đừng.

Rất có thể, thông báo mà Big C đưa ra chủ yếu nhằm “xoa dịu” sức nóng của dư luận, sâu xa rõ ràng, các nhà cung cứng Việt Nam đều ngầm hiểu sẽ có nhiều sản phẩm may mặc của các hãng khác và quốc gia khác được thay thế trong kệ hàng của Big C. Big C không quay lưng với thị trường Việt Nam, với khách hàng, bởi với quy mô đầu tư, hệ thống hiện có, chẳng ai lấy đá ghè chân mình

Nhìn rộng hơn, không chỉ hàng may mặc mà các sản phẩm khác cũng sẽ được Big C Việt Nam cơ cấu lại trong thời gian tới. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì các doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với luật chơi chung ngày càng khắt khe, khốc liệt.

Khánh An

Tin khác

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tài thao lược kiệt xuất của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

(NB&CL) 70 năm qua, nhiều nhà khoa học quân sự thế giới đã và vẫn dày công tìm hiểu, nghiên cứu phân tích, lý giải: Tại sao “Việt Minh” đánh thắng! Tại sao đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp có số quân đông là lực lượng mạnh nhất lúc bấy giờ, với đầy đủ trang bị kỹ thuật hiện đại, với mọi thủ đoạn nham hiểm xảo quyệt lại chịu thất bại thảm hại tại Điện Biên Phủ? Trong rất nhiều nhân tố mang lại chiến thắng lịch sử, tài thao lược kiệt xuất, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là yếu tố hàng đầu.

Góc nhìn
Hình mẫu của sự vận dụng tài tình chiến tranh Nhân dân

Hình mẫu của sự vận dụng tài tình chiến tranh Nhân dân

(NB&CL) Lịch sử dân tộc đã chứng minh: Muốn chống lại một đội quân xâm lược lớn mạnh hơn về lực lượng và phương tiện chiến tranh thì không thể chỉ trông cậy vào đội quân thường trực mà phải huy động toàn dân đánh giặc. Và chiến dịch Điện Biên Phủ chính là biểu hiện sinh động cho sự vận dụng tài tình đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Góc nhìn
Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

Thế trận hậu cần nơi lòng chảo Điện Biên

(NB&CL) Khi Điện Biên Phủ, vùng rừng núi hiểm trở cách xa hậu phương 600 đến 700 km, trở thành nơi quyết chiến chiến lược của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến”.

Góc nhìn
Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn