Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Kỳ vọng vào quỹ 100.000 tỷ đồng

Thứ năm, 07/10/2021 10:17 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất, nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ cuộc chơi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng vào quỹ bảo lãnh 100.000 tỷ đồng.

10.000 doanh nghiệp “hấp hối”, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tỷ lệ áp đảo, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp được thành lập. Nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù vốn đăng ký kinh doanh, lợi nhuận chỉ dừng lại ở mức vài chục, cho tới vài trăm tỷ đồng, thế nhưng họ lại là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế.

Vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đóng góp 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Thế nhưng, trong 2 năm qua, đặc biệt là đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, diễn ra vào đầu tháng 5/2021, khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kể từ đầu năm 2021 tới nay, cả nước đã có 45.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%, 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng, có 10.000  doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

doanh nghiep vua va nho ky vong vao quy 100000 ty dong hinh 1

Theo đại diện của Tổng cục Thống kê, hầu hết, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp phá sản, hoặc đang chờ phá sản đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có số vốn đăng ký kinh doanh dưới 50 triệu USD.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, thực trạng kinh tế đầu quý III đang xấu hơn nhiều do tác động tiêu cực từ đợt dịch thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh thành. Kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn gian nan nhất trong nhiều thập kỷ vì COVID-19.

Các biện pháp giãn cách xã hội tại địa phương để chống dịch, khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn. Doanh nghiệp đang chết dần, chết mòn, nhất là khu vực doanh nghiệp dịch vụ, trừ ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ là dòng tiền

Bà Bích Ngọc - đại diện thương hiệu thời trang nữ công sở S.T chia sẻ: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có dòng vốn eo hẹp.

“Riêng với ngành hàng thời trang, dòng vốn, lợi nhuận lúc nào cũng luân chuyển, không có nhiều tiền dôi dư, nên chỉ cần “tắc” trong vài tháng, thậm chí vài tuần là phá sản”, bà Ngọc nói.

Phân tích rõ hơn về điều này, bà Ngọc cho biết: Với các thương hiệu thời trang nhỏ lẻ, mới thành lập, dòng vốn luôn xoay vòng theo chu kỳ, tức là có lợi nhuận sẽ chuyển dòng tiền để nhập hàng mới, rồi các chi phí phát sinh khác như chi phí mặt bằng, lương của nhân viên, tiền điện, tiền nước, tiền thuê bảo vệ,...

Tuy nhiên, trong hơn 1 tháng qua, Hà Nội phải thực hiện giãn cách toàn xã hội, nhóm ngành thời trang không phải là ngành hàng thiết yếu, được phép mở cửa. Do đó, trong giai đoạn giãn cách, các cửa hàng của thương hiệu này luôn trong tình trạng đóng cửa, không có doanh thu.

Bà Ngọc thừa nhận, trong bối cảnh khó khăn chung, mọi người đều đang “khát” tiền. Ngay cả những đối tác kinh doanh, trước đây khá thoải mái về việc thanh toán hàng hóa, cũng trở nên gay gắt mỗi khi đến kỳ thanh toán.

Tương tự, ông Đỗ Nam - một nhà thầu phụ tại Hà Nội vừa tuyên bố phá sản vào cuối tháng 8 cho biết: Dòng tiền là khó khăn chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ không có vốn lưu động, không có quỹ đề phòng rủi ro. Do đó, khi đối mặt với dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài việc nộp đơn phá sản.

Ông Nam thẳng thắn chia sẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh dựa trên vốn vay từ ngân hàng rất nhiều. Trong thời điểm dịch bệnh, doanh nghiệp, dù đã được Chính phủ đồng ý giãn nợ, hoãn nợ cho các khoản vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Thế nhưng, điều mà các doanh nghiệp cần là dòng tiền lại chưa được hỗ trợ.

“Sau 2 năm hứng chịu những thiệt hại của đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp, ngay cả bản thân tôi đều đã “dính” phải nợ xấu. Những doanh nghiệp đã có nợ xấu, theo quy định sẽ rất khó để vay vốn thêm. Như vậy, việc giãn nợ, hoãn nợ không có nhiều tác dụng. Mà điều quan trọng nhất, chúng tôi mong muốn Chính phủ hỗ trợ là tạm thời xóa nợ xấu, cấp vốn cho doanh nghiệp hoạt động trở lại”, ông Nam nói.

Hiện tại, Chính phủ đã có phản ứng rất nhanh nhạy với các chính sách toàn diện về tài khóa, tiền tệ, bảo hiểm. Đặc biệt, Nghị quyết 68 và Nghị quyết 105 về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay cả việc các doanh nghiệp có nợ xấu, Chính phủ cũng đã có quyết định khoanh vùng cho một một số doanh nghiệp, hỗ trợ họ tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) cho biết: Có thể nói đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam. Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Về Chính sách hỗ trợ, tôi cho rằng các gói hỗ trợ như hiện nay là hợp lý. Thế nhưng, việc thực thi các chính sách đó thế nào mới là việc cần phải đề cập. Thực tế, trong năm 2020, nhiều chính sách Chính phủ đưa ra hợp lý, nhưng triển khai các gói hỗ trợ này máy móc, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Do đó, để chính sách đi vào thực tế, Chính phủ nên quát triệt luôn các bước thực thi này”, ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Kiến nghị gói bảo lãnh 100.000 tỷ đồng

Để vượt qua đại dịch song song với việc ổn định nền kinh tế, Liên minh Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đề xuất Thủ tướng Chính phủ dành cơ chế hỗ trợ khẩn cấp trong tình huống đặc biệt này để giúp cho các doanh nghiệp SME  vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo đó, Liên minh SME kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính lập quỹ Bảo lãnh cho vay Doanh nghiệp SME với mức 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp và không cần tài sản đảm bảo là bất động sản.

Doanh nghiệp được bảo lãnh tín dụng cần hoạt động tốt trước khi dịch xảy ra, có báo cáo tài chính lành mạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải có hợp đồng, đơn hàng xuất nhập khẩu hoặc bán hàng trong vòng 6 tháng tới.

Doanh nghiệp SME cũng kiến nghị Thủ tướng lập Tổ công tác đặc biệt để phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trong việc rà soát, giám sát việc triển khai chính sách, đưa ra các tiêu chí về chỉ tiêu mở cửa hoạt động kinh doanh.

“Chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó như lúc này, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp SME, nhất là khi thời điểm thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng qua. Việc hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng vận hành trở lại để tiếp tục đóng góp cho ngân sách, duy trì đời sống cho người lao động”, Liên minh SME nêu trong kiến nghị.

Định Trần

Bình Luận

Tin khác

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô
Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

(CLO) Tỉnh Thái Bình mong muốn được hợp tác toàn diện với các đối tác, nhà đầu tư Hungary, trong đó đi sâu trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, đào tạo, y tế.

Kinh tế vĩ mô